Ăn, ngủ... với bóng đá
Người Hà Nội xưa và nay luôn có tính chỉn chu. Cứ nói thế này cho dễ hiểu: Chuyện gì cũng có thể thoải mái, nhưng riêng việc người lạ, thậm chí cả họ hàng xa, ngủ ở nhà một đêm là thành “vấn đề” chứ chẳng như người dân quê thế nào cũng được tuốt. Nhưng năm 1988 - năm đầu tiên EURO được truyền hình trực tiếp ở VN thì cái sự ngủ nhờ bỗng trở nên… phổ biến. Đơn giản bởi sức hút và niềm đam mê bóng đá, rất tự nhiên thôi, khiến người Hà Nội chẳng còn biết thế nào là ngại ngần hay giữ kẽ nữa.
|
Không phải ai cũng được xem trực tiếp EURO 1988. |
Cứ tầm chiều chiều, các ông chồng (bất kể sợ vợ hay không) lại bàn tán về bóng đá rồi sau đó rôm rả hơn nữa chuyện mua gà, nấu cháo để xem “Ơ-rô” ở đâu. Tất nhiên, nhà ai có ti vi màu sẽ được ưu tiên hàng đầu. Mà cũng chẳng cần hàng xóm “nhắc”, đức lang quân nào cũng coi việc mời được “các bác” sang nhà bù khú, xem bóng đá là “oai như cóc”, vợ có lườm nguýt gì thì… cũng kệ.
Nhờ thế mà ngày xưa, những chú nhóc như tôi cứ đến trước giờ bóng lăn là được ních đẫy cháo gà, trứng vịt lộn, đến lúc có bóng đá vào tầm 1-2 giờ sáng thì lại lăn ra ngủ. Bởi thế, mẹ tôi mới trêu: “Mấy thằng cu này đúng là “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”, nhờ có “Ơ-rô” mà được ăn, đến lúc có đá bóng thì lại ngủ khì”.
Nhớ một thời để nhớ
Nói là lăn ra ngủ chứ thực ra, tôi cũng cố thức để xem khối trận. Mà hồi ấy, tôi yêu nhất là đội Hà Lan. Hà Lan năm ấy hút hồn người Hà Nội không chỉ vì họ là nhà vô địch mà bởi lối đá tấn công tổng lực tuyệt vời trên đất Tây Đức. Hà Lan chơi hay và quyến rũ đến mức nhiều người Hà Nội khi ấy có ảnh hưởng các kiểu, từ văn hóa, lối sống đến công việc và tình cảm với các nước Đông Âu mà điển hình nhất là Liên Xô (cũ) vẫn cảm thấy sung sướng khi “lốc da cam” đánh bại Liên Xô (cũ) 2-0 trong trận chung kết.
Bọn trẻ con chúng tôi, nếu đêm nào thức xem hết trận bóng đá xong là lại lên đường Hùng Vương đá bóng nhựa. Lúc ấy, trí tưởng tượng khiến các chú nhóc Hà thành bỗng hóa thân thành Van Basten, thành Gullit, thành Dasayev, Belanov, Mykhailychenko… Còn “hội người lớn” thì tranh thủ chợp mắt chút xíu trước khi dậy sớm để ra sạp báo tranh nhau mua tờ tin nhanh của Thông tấn xã Việt Nam giấy đen sì sì, vỏn vẹn 8 trang toàn chữ là chữ, rồi sau đó đến công sở “chém gió”.
Thú xem “Ơ-rô” ở Hà Nội thời ấy chẳng bị bão hòa hay nhà nào biết nhà nấy như bây giờ. Ngẫm lại mà thấy nhớ, thấy tiếc, thấy bâng khuâng làm sao!
Đức Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.