Xét tuyển ĐH-CĐ 2016: Trường “hóa” người thân để săn thí sinh

Tùng Anh Thứ ba, ngày 23/08/2016 06:21 AM (GMT+7)
Trong khi Bộ GDĐT khẳng định nguồn tuyển dồi dào thì thời điểm này, rất nhiều trường đại học đang phải “gồng mình” chống hồ sơ “ảo”, có trường hạ điểm chuẩn xét tuyển, có trường ra sức gọi điện mời chào thí sinh để đủ chỉ tiêu…
Bình luận 0

Chăm thí sinh hơn... con

img

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Tùng Anh

Số liệu từ  Bộ GDĐT cho thấy, đến thời điểm hiện tại số thí sinh chính thức nộp giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học khoảng 200.000. So với chỉ tiêu các trường đăng ký xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 320.000, tỷ lệ thí sinh chính thức trúng tuyển đợt 1 là 62,5%. Trong đó có 40 trường ĐH tuyển đạt từ 80% chỉ tiêu trở lên, 87 trường tuyển đạt từ 60% trở lên.

Kết quả thi đại học (ĐH) chỉ được 11 điểm cho 3 môn khối A, em Lê Văn Phương (Gia Lộc, Hải Dương) quyết định dùng học bạ để xét tuyển vào khoa công nghệ thông tin của Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) vì điểm học bạ của em được hơn 7.0. Trong thời gian chờ kết quả, Phương lên Hà Nội tìm hiểu thông tin xét tuyển tại Trung tâm Tin học thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội với ý định nếu không trúng tuyển sẽ học nghề thời hạn 3 năm. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ tuyển sinh của trường này tư vấn tận tình ngay khi đến tìm hiểu, Phương đã quyết định nộp hồ sơ, đóng tiền cọc học phí và nhập học luôn, mặc dù sau đó biết mình trúng tuyển ĐH Hùng Vương (Phú Thọ).

Phương cho biết: “Cán bộ tư vấn của trường rất nhiệt tình, ngoài việc tư vấn về ngành học, các cô còn hỏi han về hoàn cảnh gia đình, những khó khăn rồi tìm luôn bạn ở cùng phòng trọ đã nhập học trước đó để gửi gắm em ở cùng. Các cô gọi điện thường xuyên để động viên và còn dặn dò chi tiêu sinh hoạt hợp lý những ngày đầu nhập học, gần gũi như người trong gia đình. Chính điều này làm em yên tâm và quyết định học ở đây”. Ngay 1 ngày sau quyết định nhập học Phương đã chính thức vào lớp và bắt đầu học cùng với những học viên đã học trước đó.

Không chỉ mời gọi, chăm sóc thí sinh... như người nhà, để “giữ chân” thí sinh, nhiều trường còn gấp rút cho thí sinh nhập học ngay cả khi chưa kết thúc đợt xét tuyển. Ngày 19.8 mới hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1 nhưng  em Nguyễn Văn Minh (Vũ Thư, Thái Bình) đã nhận được thông báo trúng tuyển và mời nhập học từ ngày 19 – 20.8 của Trường ĐH Công nghiệp Việt Trì. Minh cho biết: “Suốt mấy ngày sát thời gian nhập học và sau đó số máy của em nhận được hàng chục cuộc điện thoại từ các trường khác gọi đến, trong đó có trường em có nộp hồ sơ xét tuyển, nhưng cũng có trường em không nộp như ĐH Thái Bình không hiểu họ lấy thông tin ở đâu mà vẫn gọi điện tư vấn, gọi nộp hồ sơ”.

Tại Học viện Tài chính, ông Nguyễn Đào Tùng – Trưởng ban Đào tạo cũng thông tin, trường này có tới 1.300 hồ sơ đăng ký trúng tuyển nhưng không nhập học. Để “tìm hiểu” lý do, trường đã huy động 15 cán bộ trực tiếp gọi điện cho số thí sinh này nhưng câu trả lời phần lớn là... em đã chọn nhập học ở trường khác. Hiện trường này đã thông báo tuyển bổ sung đợt 1 thêm 919 chỉ tiêu với mức điểm các tổ hợp môn thi không nhân hệ số từ 19 – 22 điểm.

“Ảo” là đương nhiên!

Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã phân tích kỹ và quyết định ở mức 15 điểm để đảm bảo chất lượng đào tạo. Với mức này, số thí sinh đạt ngưỡng điểm xét tuyển ĐH là 404.282, trong khi tổng chỉ tiêu ĐH là 317.639, hệ số dư là 1,27. Ngoài ra, bộ cơ sở dữ liệu điểm thi THPT quốc gia đều đã được bố công khai nên tất cả các số liệu trên đều có thể kiểm tra được, vì vậy việc nguồn tuyển có đủ là không thể nghi ngờ”. 

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng -  
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH
(Bộ GDĐT) 

Không chỉ có các trường ĐH vùng, ĐH ngoài công lập, nhiều trường ĐH lớn cũng rơi vào tình cảnh rối bời vì lượng thí sinh nhập học ít hơn rất nhiều so với lượng hồ sơ xét tuyển. Cập nhật của Bộ GDĐT đến ngày 22.8 đã có 99 trường ĐH công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung, trong đó có rất nhiều trường ĐH “top trên”.

Trường ĐH Mỏ- Địa chất cũng vừa thống kê còn thiếu 2.055 chỉ tiêu. ĐH Thương mại còn thiếu 1.450 chỉ tiêu cho 12 ngành. Trong đợt xét tuyển bổ sung trường này đã hạ điểm chuẩn so với đợt 1 từ 3 – 6 điểm tùy từng ngành đào tạo. ĐH Bách khoa Hà Nội trước đó “bội thu” hồ sơ nhưng hiện tại vẫn phải thông báo tuyển thêm gần 800 thí sinh cho 26 ngành đào tạo.

Lý giải tình trạng này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) thừa nhận việc các trường phải đối đầu với thí sinh ảo là có thật và không chỉ bây giờ vấn đề “ảo” mới được nói đến và bàn đến.

Theo bà Phụng, ngay khi sửa Quy chế tuyển sinh 2016, việc lựa chọn đưa vào quy chế phương án cho thí sinh đăng ký đồng thời 2 trường ngay trong đợt I để tăng cơ hội trúng tuyển thì vấn đề “thí sinh ảo” đã được nhìn nhận là một khó khăn mà các trường phải xử lý. “Để hỗ trợ cho các trường xử lý vấn đề thí sinh ảo, trong quy chế tuyển sinh năm nay cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn đợt trước; trong mẫu phiếu đăng ký tuyển sinh 2016 đã được thiết kế mục “Có đăng ký xét tuyển trường khác không” và “Tên trường đăng ký xét tuyển” để các trường đều có thêm thông tin phân tích, lọc ảo và có cơ hội tuyển thêm nếu chưa tuyển hết chỉ tiêu...” - bà Phụng nói.

Cũng theo bà Phụng, trước khi tuyển sinh, Bộ GDĐT cũng đã tổ chức họp với một số trường để bàn những biện pháp chống ảo như lập nhóm xét tuyển. Trong các cuộc họp, hầu hết các trường chấp nhận khó khăn về “thí sinh ảo” để các thí sinh được thuận lợi hơn khi đăng ký xét tuyển. Khi chốt cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển đợt I, Bộ GDĐT đã thông tin có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường để các trường có thêm thông tin tính toán “thí sinh ảo”…

Bà Phụng thừa nhận, rất khó để giải quyết đồng thời mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu (trong điều kiện thí sinh mới là người quyết định học trường nào) và không được tuyển vượt để thực hiện đúng quy chế, đảm bảo chất lượng đào tạo. Việc khó nhưng không phải là không trường nào làm được. Một số trường như ĐH Luật TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương (cơ sở Hà Nội), ĐH Y tế Công cộng… đã nhận đủ thí sinh đăng ký nhập học. Bà Phụng cũng cho biết, mùa tuyển sinh 2017 sẽ có thay đổi để khắc phục điều này. Cụ thể, công cụ quản lý chất lượng sẽ không chỉ hướng đến quản lý đầu vào (tuyển sinh) mà sẽ tăng cường giám sát và quản lý chất lượng đầu ra để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem