"Xoá” 10ha mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT đi ngược quyết định của Thủ tướng?

Thế Anh Thứ sáu, ngày 22/02/2019 07:54 AM (GMT+7)
Việc Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) quyết định xây dựng nhà ga trên diện tích đất 16 ha (thay vì 26 ha như tư vấn Pháp được Thủ tướng phê duyệt) khiến cho dư luận lo lắng sẽ phát sinh thêm điểm “nghẽn” mới tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đặc biệt, quyết định này của ACV được Bộ GTVT thông qua khác với những gì Thủ tướng cùng các Bộ, ngành đã thống nhất.
Bình luận 0

Cụ thể, thiết kế của ACV kế thừa theo văn bản số 3193/QĐ-BGTVT ngày 7.9.2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020, định hướng đến 2030 của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Tuy nhiên, ACV đã tự “xoá sổ” chính quyết định 3193/QĐ-BGTVT bằng việc loại bỏ nhà ga lưỡng dụng đã có trong Quyết định này, dù trước đó, chính Bộ GTVT đã có văn bản cho phép và yêu cầu hãng Hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) sớm triển khai xây dựng nhà ga lưỡng dụng.

Cần nhắc lại, nhiều năm trước khi Cục Hàng không (Bộ GTVT) đặt vấn đề điều chỉnh quy hoạch để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty cổ phần HKLD Ngôi Sao Việt đã phối hợp với Quân chủng PK-KQ chuẩn bị dự án nhà ga hàng không lưỡng dụng trên vị trí ga quân sự cũ.

Đến ngày 20.7.2012, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi văn bản số 2143/BQP-TM tới Bộ GTVT đã kiến nghị đưa khu hàng không lưỡng dụng (bao gồm nhà ga, sân đỗ lưỡng dụng) vào quy hoạch tổng thể sân bay Tân Sơn Nhất.

img

Phương án điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất.

Đề xuất của Bộ Quốc phòng đã được Bộ GTVT chấp thuận bằng Quyết định số 3193/QĐ-BGTVT ngày 07.9.2015 “Về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất cơ bản trùng khớp với các nội dung đề xuất quy hoạch chi tiết gần đây của tư vấn ADCC và tư vấn ADPI...

Khu đất quốc phòng tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất được giao cho Công ty cổ phần HKLD Ngôi Sao Việt theo Quyết định 882 để đầu tư kinh doanh các dịch vụ hàng không lưỡng dụng (phục vụ các hoạt động hàng không dân dụng và quân sự) có diện tích 10ha. Đây chính là khu đất bị ACV loại bỏ khi quyết định xây dựng nhà ga trên diện tích đất 16 ha (thay vì 26 ha như tư vấn Pháp được Thủ tướng phê duyệt).

Liên quan tới vấn đề này, TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, cho rằng hiện, sân bay Tân Sơn Nhất đang bị ùn tắc từ trong sân bay và ngoài sân bay. Muốn giải quyết vấn đề này, cần phải phải mở rộng giao thông hai mặt Bắc và Nam của sân bay Tân Sơn Nhất để tăng tính kết nối, giảm ách tắc. Sau đó, tiến hành mở rộng nhà ga hành khách phải đủ tiêu chuẩn quốc tế, bởi TP.HCM là biểu tượng Việt Nam.

"Hiện tại, Chính phủ đang nghiêng về hướng xây dựng nhà ga lớn tại phía Nam có diện tích nhà ga 200.000 m2, phục vụ 20 triệu hành khách. Việc xây dựng thêm nhà ga hành khách Tân Sơn Nhất là điều vô cùng cần thiết, việc xây dựng ga hành khách hiện nay đâu có gì ghê gớm đâu mà ACV nói rằng cần đến 4 năm. Hãy thử tưởng tưởng trong 4 năm nữa TSN sẽ ùn tắc khủng khiếp đến mức nào?", ông Tống phân tích. 

Nói về việc xây dựng nhà ga, ông Tống cho biết, xây ga hành khách hiện không quá khó, thực chất cũng giống như xây dựng các tòa nhà, rất nhanh chóng và dễ làm. Vậy tại sao Bộ GTVT, ACV nhiều năm qua không làm được để sân bay Tân Sơn Nhất quá tải.

"Việc ACV kéo dài thời gian làm nhà ga T3 là có nguyên nhân. Họ lấn cấn, không muốn đầu tư vào sân bay Tân Sơn Nhất nhiều vì sợ bị giam vốn. Họ muốn đầu tư vào Long Thành. Nhưng làm sao họ có đủ tiềm lực để đầu tư vào Long Thành được", ông Tống bình luận.

Cũng theo ông Tống, nếu để Tân Sơn Nhất hoạt động được với công suất tối đa, chúng ta phải mở rộng, xây thêm nhà ga trên diện tích 200.000 m2. Còn việc mở rộng ít hơn chỉ phát huy được hiệu quả ngắn hạn. Việc ACV đề xuất mở rộng sân bay chỉ trên 16 ha, tức là diện tích nhà ga chỉ 100.000 m2 (giảm một nửa so với thiết kế của Bộ GTVT và Tư vấn Pháp trước đó là quá thiếu khả thi).

“Tại sao chúng ta cứ phải chờ ACV bỏ tiền ra đầu tư mà không kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân. Tôi nhớ cách đây 8 năm, công ty Ngôi Sao Việt đã từng đưa phương án xây dựng nhà ga tại Tân Sơn Nhất. Công ty này có hợp tác với quân đội”, ông Tống cho hay.

Nhận định về việc xây dựng nhà ga phù hợp với hướng phát triển của Tân Sơn Nhất, ông Tống cho rằng: "Trước mắt xây nhà ga hành khách T3 mặt Tây Nam. Họ có bản vẽ rồi và có thể đầu tư ngay, trong khi đó đã có miếng đất sạch để sẵn sàng xây nhà ga T3 ban đầu khoảng 100.000 m2, đủ để xây dựng đáp ứng việc tăng hành khách giai đoạn 1.

Họ có tiềm lực để làm ngay và có thể xong trong vòng hơn 1 năm. Giai đoạn 2 họ sẽ mở rộng hành khách mặt Bắc để đón tiếp 30 triệu hành khách nữa, để công suất tối đa phục vụ của Tân Sơn Nhất lúc đó sẽ lên 60 triệu hành khách/năm. Tại sao không để công ty Ngôi Sao Việt làm nhà ga hành khách mặt Tây Nam trước, nhanh chóng đối phó với việc gia tăng hành khách. Đồng thời thu hồi sân golf làm thêm ga hành khách phía Bắc".

Ngày 28.3.2018, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Văn phòng Chính phủ sẽ sớm thông báo kết luận của Thủ tướng. Cụ thể, một nhà ga hành khách sẽ được xây dựng thêm ở phía Nam (tức phía nhà ga hiện hữu) với diện tích sàn 200.000m².

Nhà ga này có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm, tổng vốn khái toán khoảng 18.000 tỷ đồng. Diện tích đất phía Bắc, trong đó có sân golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý, sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi. Giải pháp này sẽ giảm diện tích đất phải thu hồi, khoảng cách giữa các nhà ga gần hơn cùng với giảm chi phí và thời gian thi công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phương án lựa chọn này đã được thảo luận công khai minh bạch và cơ bản là TP.HCM đã đồng ý. Phương án này đảm bảo hiệu quả toàn diện từ sử dụng vốn, đất đai cũng như kinh tế, kỹ thuật và an ninh, an toàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GTVT chỉ đạo ADPI phối hợp tư vấn trong nước hoàn thiện phương án trên cơ sở đảm bảo sử dụng đất tốt nhất cả ở phía Nam và phía Bắc. Đồng thời tìm nguồn vốn và hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nhanh chóng, quyết liệt khởi công xây dựng nhà ga mới sớm nhất, nhằm giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã vượt 44% công suất quy hoạch đến năm 2020.

Sau khi mở rộng, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có khả năng phục vụ tối thiểu 50 triệu hành khách mỗi năm. Đây cũng là sân bay lưỡng dụng, phục vụ cho cả dân dụng lẫn quân sự và được sử dụng lâu dài cùng với sân bay Long Thành sắp xây dựng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem