Xoá nhà tạm, "dột nát" cho 2 hộ nghèo ở huyện miền núi Bình Định, còn lâu hơn làm trụ sở Tỉnh uỷ

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 09/12/2024 19:36 PM (GMT+7)
Ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Bình Định thẳng thắn, đưa ra hình ảnh ví von về việc xây nhà mới cho 2 hộ nghèo (giai đoạn 2021-2023 nhưng đến nay mới hoàn thành), còn lâu hơn làm trụ sở Tỉnh uỷ, để phê bình tình trạng chậm trễ giúp người nghèo xoá nhà tạm, dột nát, tại huyện miền núi Vân Canh.
Bình luận 0

Bí thư Tỉnh uỷ buồn vì huyện ỷ lại, chờ tỉnh… "cho gì làm nấy"

Chiều 9/12, Tỉnh uỷ Bình Định khoá XX đã tổ chức Hội nghị lần thứ 19, tại đây ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định cho biết, trong nhiệm kỳ này, cá nhân ông đã 3 lần trực tiếp về làm việc với huyện Vân Canh, tuy nhiên phải nói rằng: "bộ máy của huyện rất yếu". Có tình trạng ỷ lại và cái gì cũng kiến nghị cấp tỉnh.

Ông Hồ Quốc Dũng nói rằng, vừa rồi họp xoá đói giảm nghèo, xoá nhà tạm, nhà dột nát, các địa phương hoàn thành tốt, nhưng riêng huyện Vân Canh "cái cũ làm không xong", lại tiếp tục đề nghị tăng thêm hơn 100 trường hợp mới cần hỗ trợ, trong khi danh sách đã chốt từ cuối năm 2021.

Xoá nhà tạm, "dột nát" cho 2 hộ nghèo ở huyện miền núi Bình Định, còn lâu hơn làm trụ sở Tỉnh uỷ- Ảnh 1.

Ông Phạm Trương - Bí thư thị uỷ Hoài Nhơn, Bình Định nêu vấn đề tại Hội nghị lần thứ 19. Ảnh: Dũ Tuấn.

"Đây là chủ trường lớn, không làm được thì người dân vẫn khổ, tôi không yên tâm nên sau cuộc họp đã đề nghị lực lượng quân đội, Tỉnh đoàn hỗ trợ cho huyện Vân Canh, giúp dân xoá nhà tạm, nhà dột nát. Tôi thấy có tình trạng, huyện ỷ lại và gần như thụ động, chờ tỉnh cho cái gì thì làm cái nấy. Tôi rất buồn. Nếu việc giảm nghèo đến năm 2025 không hoàn thành, thì Chính phủ sẽ kiểm điểm lãnh đạo tỉnh", ông Hồ Quốc Dũng cho hay.

Ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Bình Định kể rằng, trong chuyến tiếp xúc cử tri mới đây, Đảng uỷ, UBND xã Canh Hoà, huyện Vân Canh, đề nghị còn 2 căn nhà của hộ nghèo từ giai đoạn 2021-2023, bây giờ mới làm xong, nhưng không giải ngân được. Giai đoạn này, hộ nghèo nhận hỗ trợ khoảng 40 – 50 triệu đồng/trường hợp.

"Tôi hỏi Sở Xây dựng để tìm cách tháo gỡ, bằng cách bổ sung thêm 2 hộ nghèo trên vào giai đoạn này, rồi thanh toán. Làm nhà cho 2 hộ nghèo mà từ giai đoạn trước cho đến bây giờ mới xong, làm còn lâu hơn làm trụ sở Tỉnh uỷ, vậy thì thôi chứ làm cái gì?", ông Lê Kim Toàn chất vấn.

Xoá nhà tạm, "dột nát" cho 2 hộ nghèo ở huyện miền núi Bình Định, còn lâu hơn làm trụ sở Tỉnh uỷ- Ảnh 2.

Tỉnh uỷ Bình Định khoá XX đã tổ chức Hội nghị lần thứ 19. Ảnh: Dũ Tuấn.

"Xây nhà cho 2 hộ nghèo ở huyện miền núi, còn lâu hơn làm trụ sở Tỉnh uỷ"

Theo ông Lê Kim Toàn, Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cần sớm thống kê, phân loại các hộ nghèo cần xây nhà mới, trong đó hộ nào có khả năng và không có khả năng. Có báo cáo gửi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ để phân bổ cho các đơn vị đỡ đầu, hỗ trợ kinh phí và nhân công.

"Đây là chính sách hết sức nhân văn, năm 2025 mà cả nước làm xong nhưng riêng Bình Định không làm xong thì đừng ăn nói gì nữa. Phải tính toán cụ thể và quyết tâm. Tỉnh mình phải tự lo cho dân mình, nên các địa phương có nguồn thu mạnh phải chia sẻ với các địa phương khó khăn. Luật Ngân sách cho phép địa phương này hỗ trợ địa phương kia, cùng nhau đóng góp để thực hiện cho xong", ông Lê Kim Toàn yêu cầu.

Xoá nhà tạm, "dột nát" cho 2 hộ nghèo ở huyện miền núi Bình Định, còn lâu hơn làm trụ sở Tỉnh uỷ- Ảnh 3.

Ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh còn hơn 2.000 căn nhà tạm, nhà dột nát cần phải xây mới và sửa chữa, trong đó xây mới khoảng 1.500 căn. Tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng cho trường hợp xây mới và 30 triệu đồng cho sửa chữa.

"Tuy nhiên, 60 triệu đồng hỗ trợ để xây mới thì không làm được, nên bắt buộc phải có vốn đối ứng thêm từ bà con, hoặc vay mượn. Hiện nay, các địa phương đã phân loại, những nhà nào có nguồn lực bổ sung thì xây mới, còn nhà nào không có, thì chính quyền sẽ kêu gọi nhà hảo tâm, nguồn lực xã hội hoá, các doanh nghiệp địa phương góp thêm, vì thực tế có trường hợp người nghèo đến mức không thể xây mới được, mà vay không ai cho vay", ông Phạm Anh Tuấn lý giải.

Xoá nhà tạm, "dột nát" cho 2 hộ nghèo ở huyện miền núi Bình Định, còn lâu hơn làm trụ sở Tỉnh uỷ- Ảnh 4.

Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

Còn cán bộ né tránh, đùn đẩy

Năm 2024, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của Bình Định ước tăng 7,78%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 86,1 triệu đồng; thu ngân sách ước đạt 15.615 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 43,1% GRDP.

Tuy nhiên, ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định thừa nhận, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số công trình, dự án còn chậm; công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư hiệu quả chưa cao. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng chưa cao. Tình trạng lấn chiếm đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép, tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài chưa được xử lý dứt điểm. Tình trạng cán bộ, đảng viên, người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền chậm trễ, né tránh, đùn đẩy trong thực hiện nhiệm vụ vẫn còn xảy ra…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem