Xòe chá Điệu xòe trong hội

Thứ hai, ngày 02/08/2010 08:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Xòe chá" còn có tên "hết chá" là một lễ hội truyền thống độc đáo, hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc của đồng bào Thái trắng ở Sơn La.
Bình luận 0
img
 

Khi cây nêu - tâm điểm của lễ hội, vừa được dựng lên với nhiều loài động thực vật tượng trưng như: Ếch, nhái, chim muông, ve sầu, cỏ cây, hoa lá, trống chiêng, thuyền bè... ông thầy mo chủ tế đứng lên cất lời mời gọi thần linh xuống trần chứng giám cho lòng thành của bà con và cùng đánh trống đánh chiêng, múa xoè cho vui bản.

Đồng bào quan niệm rằng, thông qua lễ hội “xòe chá” thầy mo có thể truyền những thông điệp của các vị thần tới cộng đồng.

Lời hát vừa dứt, trống chiêng nổi lên vang động núi rừng, gái trai xúng xính áo quần, khăn váy, cùng xòe vòng, xòe hoa. Hết bài xòe tưng bừng, thầy mo vừa hát lễ vừa đi kiểm tra những phẩm vật tượng trưng cho sự no đủ trên cây nêu. Ông cầm kiếm đi vòng quanh, miệng hát theo nghi thức truyền thống. Trong lời hát có ý tứ nhắn nhủ: "Được ăn đừng quên đũa, được ở đừng quên ơn - Đất trời mưa gió thuận hòa, làm ăn chăm chỉ nghĩ ngày tạ ơn".

Sau khi thấy đồ lễ đã đủ, chủ tế cho phép thanh niên trai gái lần lượt lên dâng quà để tỏ lòng biết ơn những bậc cao niên, những thầy lang đã có công chữa bệnh, cứu độ dân làng. Quà thường là gạo, gà, cá, hay gói xôi, quả trứng.

Ai có thứ gì thì mang thứ đó, không câu nệ, nhưng người nào cũng phải có bởi tặng vật ấy coi như phần góp nhỏ để vui chung cả bản. Sau phần nghi thức là đến phần hội với những điệu xòe uyển chuyển, nhịp nhàng đôi lúc tung hứng nhộn nhịp, khỏe khoắn hòa cùng tiếng chiêng, trống rộn rã và âm thanh trầm bổng của đội nhạc "tắng bụ" (nhạc cụ gõ bằng tre) mời gọi…

Những hoạt cảnh mô phỏng sinh hoạt đời thường của người dân với những tình tiết dí dỏm, vui nhộn mà rất chân thực bởi những "nghệ sĩ" nghiệp dư. Người xem từ khắp bản trên, xóm dưới vừa kính cẩn lắng nghe những lời kể chuyện của thầy mo, lúc lại cười lên rộn ràng với những tích kịch câm, như Vực trâu đi cày vụ mới, Xúc cá, Tuần tra bảo vệ xóm làng… Tất cả đều gần gũi mà cũng rất sâu sắc, những thói hư tật xấu bị phơi bày, những nét đẹp, cái hay cái tốt trong cuộc sống được khích lệ.

Lễ hội diễn ra một vài ngày. Đây cũng là dịp để trai gái giao lưu, tìm hiểu nhau. Nhiều cặp uyên ương sau khi xòe chá đã xe duyên, kết tóc thành vợ, thành chồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem