Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh khác nhau. Có người có nhà cửa, gia đình đầy đủ tại quê nhà. Lại có người sống trong cảnh cô đơn, lặng lẽ. Ẩn sau họ đều là những uẩn khúc mà chúng ta khó có thể hiểu được.
Bươn chải ngoài phố thị với mong muốn kiếm được miếng ăn qua ngày. họ nhặt rác, đẩy hàng thuê… là những công việc mà những người vô gia cư thường hay làm. Thu nhập khoảng 30.000đ – 50.000đ/ngày.
Sinh ra trong một gia đình khá giả tại tập thể Nguyễn Công Trứ, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, mọi người đều nghĩ chú Lê Hoàng Hải (sinh năm 1968) rồi sẽ có cuộc sống sung sướng. Thế nhưng, tai họa ập tới, chú mồ côi bố mẹ từ khi còn nhỏ và mang trong mình căn bệnh thần kinh. Do không chịu tắm rửa nên người em gái không cho chú ở trong nhà. Mái hiên trước của hàng Dệt may Đồng xuân ở ngã ba Ngô Thị Nhậm - Nguyễn Công Trứ là nhà của chú đã gần 20 năm nay.
Những người bán hàng nước xung quanh thương tình nên thuê chú đẩy xe hàng. Tiền công được trả bằng đồ ăn vì nếu trả tiền thì chú Hải sẽ đi uống rượu. “Khi uống rượu say Hải chỉ ngủ và rất nhiều lần bị những người vô gia cư khác cướp đồ ăn và đánh đập”, cô Vũ Thị Liên, bán hàng gần đó cho biết.
Chú Trần Anh Tuấn (sinh năm 1962) quê ở Móng Cái, Quảng Ninh từng là công nhân mỏ từ năm 18 tuổi. Làm được 6 năm, chú chuyển vào Sài Gòn làm nhân viên bảo vệ. Nhưng không may mắn bị tai nạn lao động phải quay về quê. Bị mất sức lao động, nên chỉ còn cách ra Hà Nội nhặt rác.
Đi nhặt rác từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, chú sẽ về vườn hoa Con Cóc trên đường Lý Thái Tổ nghỉ ngơi. Buổi tối, chú đi bộ về phố Trần Xuân Soạn để ngủ. Ăn uống tiết kiệm, chú có thể tiết kiệm được 10.000đ – 20.000đ/ngày. Do em trai mới mất và mẹ ở một mình nên chú thường xuyên về nhà. Tiền tiết kiệm được cũng chỉ đủ tiền xe và mua cho mẹ ít quà. Thời gian tới, chú sẽ làm lại giấy tờ và về hẳn quê để chăm sóc mẹ.
Ly dị vợ, con trai bị điện giật mất, ông Nguyễn Hữu Tiến (sinh năm 1947) quê ở Diễn Châu, Nghệ An rời bỏ quê hương vì không muốn đối mặt với sự thật. Hằng ngày ông đi dọc con đường Điện Biên Phủ để nhặt rác. Trong ảnh: Ông bán lại chiếc kính mát nhặt được cho một người lái xe ôm với giá 10.000đ.
Nơi quen thuộc của ông là ngã năm Cửa Nam, ông sẽ nghỉ trưa và ăn uống ở đó, nhưng buổi tối ông lại quay về phố Phùng Hưng (Hàng Bông) để ngủ vì ở đó yên tĩnh.
Chiếc xe đạp cùng đồ đạc nặng gần 40 kg, ông Lương Mạnh Hùng (sinh năm 1946) quê ở phường Cửa Bắc, thành phố Nam Định rong ruổi khắp các phố ở quận Cầu Giấy để nhặt rác. Có vợ và hai con nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông không muốn phụ thuộc vào con cái nên đã ra Hà Nội từ năm 2003.
Còn sức lao động thì ông sẽ cố gắng làm. “Thỉnh thoảng, có nhiều người thấy tôi già cả mà vẫn đi nhặt rác thì họ cho vài chục ngàn”, ông Hùng thật thà nói. Buổi tối, ông thường ngủ ở vỉa hè trước nhà có mái hiên rộng trên đường Trần Đăng Ninh.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn (sinh năm 1932) quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định đang chơi đùa với còn mèo tên Mít trong căn lều tạm gần đường sắt trên phố Nguyễn Thái Học. Bắt gặp vợ ngoại tình khiến ông suy sụp, với cái thẻ thương binh ông xin làm gác tàu ở đây.
Khi còn khỏe mạnh, bà Nguyễn Thị Mận( sinh năm 1939) mò cua, bắt ốc ở Hồ Tây rồi đem vào phố bán, nhưng giờ già yếu bà chỉ có thể đi nhặt rác. Chăm chỉ thì cũng được vài chục nghìn một ngày. Quê bà ở Bình Giang, Hải Dương, bà bỏ lên Hà Nội vì sau khi chồng đi bộ đội về đã lấy vợ khác.
Ông Sơn và bà Mận gặp nhau vào năm 2011, cảm mến nhau và về sống trong căn lều tạm của ông. Sau khi bị tai biến, ông Sơn không còn làm gác tàu nữa. Hai thân già sống nương tựa bên nhau những ngày cuối đời cạnh đường ray.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.