dd/mm/yyyy

Xử lý rác thải phục vụ nông nghiệp sạch ở Thái Bình

Với nhiều người dân, khi nói đến rác thải là nghĩ đến sự gây hại vì ô nhiễm nguồn nước và không khí do khi đem đốt, hoặc chôn lấp không đúng qui trình. Nhưng cũng chính bởi vậy mà doanh nhân Đỗ Chí Lệ đã làm nên điều kỳ diệu, không những “giải quyết” được bài toán trên mà còn tạo ra nguồn vật tư hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Dây chuyền xử lý rác TTD01 đơn giản mà hiệu quả rất rõ rệt.

Rác cũng là... tiền

Tỉnh Thái Bình đất chật người đông, nhất là mấy năm trở lại đây kinh tế phát triển, dân số gia tăng khiến lượng rác thải tăng lên nhanh chóng. Rác sinh hoạt, rác công nghiệp, nông nghiệp... lẫn lộn với nhau; các bãi rác quá tải, gây ô nhiễm.

Dự án TTD01 có tổng mức đầu tư 21,7 tỉ đồng, hoàn thành và hoạt động từ tháng 7.2016. Hiện, nhà máy đang xử lý rác thải cho 16 xã, thị trấn của huyện Quỳnh Phụ, công suất 42 tấn rác/ngày. Sau hơn 1 năm hoạt động, nhà máy đã sản xuất ra khoảng 150 tấn hạt nhựa dùng cho sản xuất vật liệu nhựa; trên 300 tấn phân bón hữu cơ, đáp ứng phục vụ phát triển nông nghiệp sạch.

Lãnh đạo tỉnh đã nhận thức rõ vấn đề xử lý rác thải, nhưng vẫn loay hoay trong lựa chọn phương pháp xử lý. Bởi dùng công nghệ thiết bị ngoại nhập thì chưa rõ hiệu quả ra sao trong khi đang thiếu kinh phí; còn nếu để xử lý rác thải theo cách truyền thống, tức là đốt hoặc chôn lấp thì nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Ông Đỗ Chí Lệ - Giám đốc Công ty CP Thương mại Thành Đạt (TP.Thái Bình) đã xung phong “lãnh trách nhiệm” giải bài toán xử lý rác. Cần phải nói thêm là, doanh nghiệp của ông Lệ vốn chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông thôn, như đầu tư chợ dân sinh, cung cấp nước sinh hoạt, xây nhà ở xã hội, xây dựng nông thôn mới... nên tỉnh rất yên tâm khi giao cho Công ty Thành Đạt thực hiện. Bãi rác hàng chục nghìn tấn ở thị trấn Quỳnh Côi tại huyện Quỳnh Phụ được ông Lệ chọn làm nơi triển khai ý tưởng của mình.

Bắt tay thực hiện xử lý rác, vị doanh nhân Đỗ Chí Lệ đã bỏ thời gian, chi phí để đến nhiều nước trên thế giới như Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… tìm kiếm công nghệ xử lý rác. Ông cũng rong ruổi tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng cũng không tìm được mô hình công nghệ nào ưng ý. “Điều cốt lõi là các công nghệ này chưa giải quyết được loại rác thải sinh hoạt hỗn hợp ở Việt Nam nói chung, cũng như tại Thái Bình nói riêng. Ngoài ra, giá thành cũng là vấn đề khá nan giải, nếu nhập ngoại giá có thể lên đến hàng chục triệu đô la”, ông Lệ chia sẻ.

Khuôn viên xanh - sạch - đẹp của nhà máy xử lý rác thải.

Song, những chuyến đi ấy lại giúp ông xác định được ý tưởng của riêng mình. Đó là một công nghệ xử lý rác thải có giá thành thấp, không sử dụng công nghệ đốt, không chôn lấp và biến rác - một thứ nguy hại, gây ô nhiễm, mất mỹ quan… trở thành sản phẩm hữu ích cho nông nghiệp, thân thiện, có thể tái sử dụng đa mục đích.

Sau đó, Giám đốc Đỗ Chí Lệ chở hẳn một xe rác về tận sân công ty để nghiên cứu. Cuối cùng, ông đã tìm được điểm mấu chốt của vấn đề, đó là các thành phần trong rác ở nông thôn, theo tỷ lệ: Rác hữu cơ như rơm rạ, cỏ, lá cây, thịt, rau, hoa quả... (chiếm khoảng 40%); rác nilon (khoảng 30%); nước (khoảng 25%); còn lại là gạch đá, sắt thép, cao su, vải...

Những thông số trên là cơ sở để ông Lệ và các cộng sự bắt tay chế tạo công nghệ xử lý rác với tiêu chí xác định 3 đối tượng chính cần xử lý triệt để là rác hữu cơ, nilon và nước. “Xác định phương án là một chuyện, nhưng khi thực hiện thì khó khăn vô cùng, nhất là với những người không có một ngày học về cơ khí chế tạo máy như tôi…”, ông Lệ chia sẻ.

Sau gần một năm “đánh vật” với đống rác cùng sự nghiên cứu, tìm tòi máy móc thiết bị, cuối cùng, ông và nhóm thiết kế vỡ òa khi thử nghiệm thành công. Công nghệ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt được ông Lệ đặt tên là TTD01, đáp ứng các tiêu chí ban đầu đề ra: Chi phí đầu tư chỉ bằng 5% so với công nghệ có công suất tương đương của nước ngoài; không cần đốt, không cần chôn lấp; đặc biệt, với công nghệ tiên tiến này, rác thải sinh hoạt được tái chế thành hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón hữu cơ, hạt nilon, nước sạch,…

Sẽ nhân rộng công nghệ ra toàn tỉnh

TTD01 được lắp đặt và vận hành trong nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Quỳnh Côi (huyện Quỳnh Phụ). Sau hơn một năm hoạt động, ông Lệ cho biết hiệu quả lớn hơn rất nhiều so với mục tiêu, kỳ vọng đặt ra. Cả 4 hạng mục quy trình của TTD01, gồm phân loại rác, xử lý rác, sản xuất thành phẩm đều vận hành suôn sẻ, đúng như tính toán. Còn nước thải sau khi được xử lý đã đạt tiêu chuẩn loại B.

Quy trình công nghệ TTD01 rất tiết kiệm nước do được tuần hoàn, tái sử dụng trong dây chuyền, không cần thải ra môi trường.

Công nghệ TTD01 của Công ty Thành Đạt đã được đăng ký bản quyền của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); được Trung tâm Nghiên cứu khí tượng thủy văn và quan trắc quốc gia công nhận: “Công nghệ đã đạt tất cả các chỉ số về môi trường”.

Điểm ưu việt là: Công nghệ TD01 hiện đại, nhưng đơn giản trong vận hành, phù hợp với rác thải tại Việt Nam. Công nhân vận hành không phải đào tạo lâu, tiếp cận được nhanh trong mọi tình huống xử lý. Khi cần có thể tăng giảm công suất theo nhu cầu, từ 15 - 200 tấn/ngày. Hơn nữa, vật tư thay thế đơn giản, thuận tiện, không phải chờ đợi linh kiện từ nước ngoài. Nhà máy chỉ cần diện tích 2 ha (bằng diện tích một 1 lò đốt) cùng 30 công nhân là đã giải quyết gọn 50 tấn rác trong ngày.

Đặc biệt, khi đến thăm nhà máy xử lý rác thải ở thị trấn Quỳnh Phụ, có lẽ ai cũng không khỏi bất ngờ trước môi trường xanh - sạch - đẹp nơi đây. Không có mùi hôi “đặc trưng” của rác ngay cả khi bước gần đến khu vực sản xuất. Công ty Thành Đạt cũng chú trọng trồng rất nhiều cây xanh trong khuôn viên để tạo sự trong lành, mát mẻ. Nhờ đó, công nhân vận hành tránh được các tác động xấu tới sức khỏe; người dân xung quanh cũng không hề bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, rác vô cơ, nhất là nilon, nhựa được đưa vào dây chuyền tái chế thành hạt nhựa, phục vụ sản xuất công nghiệp, nhà máy sản xuất đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Còn đối với sản phẩm phân hữu cơ, với sự giúp đỡ của Viện Nông hóa thổ nhưỡng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành thử nghiệm tại cánh đồng lúa của xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ) cho năng suất lúa cao, không có sâu bệnh, thành công vượt mức đề ra. Bởi vậy các vụ lúa trong năm 2017, nông dân tại nhiều xã trong huyện đã được sử dụng sản phẩm phân hữu cơ, thân thiện với môi trường.

Từ những kết quả trên, UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản giao Công ty Thành Đạt nghiên cứu Dự án xử lý rác cho toàn tỉnh. “Trong thời gian tới, thực hiện cam kết với tỉnh, chúng tôi sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ để xây dựng các nhà máy xử lý rác theo công nghệ này tại các địa phương. Trước mắt, chúng tôi sẽ đầu tư 3 nhà máy tại những nơi có lượng rác thải lớn là: Các huyện Quỳnh Phụ, Vũ Thư và thành phố Thái Bình. Do đó, doanh nghiệp mong muốn được tỉnh có những cơ chế hỗ trợ phù hợp để phát triển theo quy mô lớn, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững”, ông Đỗ Chí Lệ cho biết.

Ngọc Tùng