Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính tới hết tháng 8, khối lượng xuất khẩu cà phê đạt 1,27 triệu tấn và 2,25 tỷ USD, tăng gần 40% về khối lượng và tăng 20,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đạt 9 1.754 USD/tấn, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2015. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với thị phần lần lượt là 15% và hơn 13%.
Giá xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu năm giảm 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Internet
Ông Nam Hải phân tích, dù kim ngạch XK cà phê từ đầu năm đến nay tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, song cà phê Việt Nam chủ yếu xuất dưới dạng thô, giá trị gia tăng thấp.
Vấn đề nổi cộm trong ngành cà phê hiện nay là quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt. Trong hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê, số cơ sở có thương hiệu bài bản, đăng ký kinh doanh khá ít.
Rất nhiều cơ sở chế biến rang xay cà phê tạo ra sản phẩm không đúng chất lượng, thậm chí là cà phê “bẩn” được mở ra, không chỉ tại khu vực có nhiều cà phê như Tây Nguyên mà ở hầu hết các tỉnh biên giới Tây Ninh và vùng ĐBSCL đều có.
“Hiện nay, đối với cà phê rang xay, chỉ cần diện tích khoảng 40-50m2, chi phí thấp, máy móc đơn giản là đã có thể sản xuất được khối lượng rất lớn cà phê đem đi tiêu thụ. Cà phê chủ yếu được bọc vào bao xi măng rồi chủ cơ sở đem đi bỏ mối, bán rộng rãi mà cơ quan quản lý Nhà nước không quản lý nổi”, ông Nam Hải nhấn mạnh.
Để tạo điều kiện phát triển cho các cơ sở cà phê rang xay uy tín, tập trung xuất khẩu, Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam đề nghị công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở rang xay, chế biến cà phê trên cả nước phải được triển khai sát sao, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Thanh Nguyễn (Báo Hải quan)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.