Xuất khẩu tôm, cá ngừ sang EU tăng chóng mặt

22/09/2020 19:00 GMT+7
Xuất khẩu tôm, cá ngừ sang EU hai tháng vừa qua tăng chóng mặt, đặc biệt là khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.

Xuất khẩu cá ngừ sang EU đảo chiều tăng mạnh

Xuất khẩu cá ngừ sang EU tuy giảm nhiều trong những tháng nửa đầu năm nhưng đến tháng 7 đã tăng trưởng mạnh trở lại với mức 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sang tháng 8, khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, xuất khẩu cá ngừ sang EU tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức chóng mặt. Chỉ tính trong nửa đầu tháng 8, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang EU đạt gần 6,3 triệu USD, tăng 11% so với tháng 7 và tăng tới 65% so với nửa đầu tháng 8 năm 2019.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu cá ngừ sang EU tăng trưởng mạnh như vậy chủ yếu do được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA.


Xuất khẩu tôm, cá ngừ sang EU tăng chóng mặt - Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm, cá ngừ sang EU tăng chóng mặt từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực

Cụ thể, từ ngày 1/8, các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh) của Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ được xóa bỏ thuế quan.

Ngoài ra, EU phân bổ hạn ngạch thuế quan (TRQ) cho một số sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam. Ví dụ như cá ngừ ngâm dầu thực vật đóng hộp; cá ngừ vằn được chế biến hoặc bảo quản, trừ thịt cá xé vụn, philê/loin và các sản phẩm tương tự ngâm dầu thực vật; cá thuộc họ cá ngừ bonito chế biến hoặc bảo quản, nguyên con hoặc cắt miếng, trừ thịt cá ngừ xé vụn…

Các hợp đồng xuất khẩu cá ngừ sang EU trong thời gian gần đây cũng tập trung vào các sản phẩm đã được miễn thuế hoàn toàn hoặc miễn thuế theo hạn ngạch thuế quan như thịt cá ngừ đông lạnh, thịt cá ngừ hấp đông lạnh, cá ngừ ngâm dầu/sốt đóng hộp …

Từ ngày 1/8 đến 31/12, 4.791 tấn cá ngừ chế biến và đóng hộp Việt Nam sẽ được nhập khẩu miễn thuế vào EU. Từ năm 2021, mỗi năm, hạn ngạch thuế quan cho cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam nhập vào EU là 11.500 tấn.

Dự báo trong những tháng tới đây, với tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu cá ngừ sang EU sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Lợi thế tôm Việt tại thị trường EU

Tương tự, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU cũng quay đầu tăng trưởng trở lại và tăng liên tiếp trong hai tháng 7 và 8 vừa qua sau sụt giảm những tháng đầu năm. Cụ thể, xuất khẩu tôm sang EU tháng 7 đạt 54,2 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tính trong nửa đầu tháng 8, xuất khẩu tôm sang EU đạt 29,4 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 8 đạt mức tăng trưởng 15,7%, cao nhất kể từ đầu năm.

Với tổng giá trị xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm nay, EU hiện đang là thị trường lớn thứ 4 của tôm Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân tăng trưởng do các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm ở khu vực này đang từng bước mở cửa trở lại. Ngành du lịch cũng đang bắt đầu khởi động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 đã mang lại những lợi thế không nhỏ cho tôm Việt Nam tại thị trường EU.

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, tôm sú lặt đầu còn vỏ, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm sú HLSO tươi đông lạnh, tôm sú đông IQF, tôm thẻ thịt đông lạnh… từ Việt Nam nhập vào EU đã được giảm từ mức thuế GSP (hệ thống ưu đãi phổ cập) 4,2% về 0%.

Với mặt hàng tôm chân trắng đông lạnh, thuế của Việt Nam giảm xuống còn 0% trong khi của Ấn Độ, Thái Lan và Ecuador đang phải chịu thuế cơ bản 12%, tôm chân trắng đông lạnh Indonesia chịu thuế cơ bản 12% và thuế GSP

Theo hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, với lợi thế về thuế nhập khẩu do Hiệp định EVFTA mang lại, dự báo trong các tháng tới, xuất khẩu tôm sang EU sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Lô gạo thơm đầu tiên sang EU theo Hiệp định EVFTA

Ngày 22-9, Tập đoàn Lộc Trời tổ chức lễ công bố xuất khẩu hơn 126 tấn gạo thơm sang Châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Đây là lô hàng đầu tiên được hưởng thuế suất 0% kể từ khi EVFTA được ký kết.

Lô hàng lần này là 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18 kg, sẽ lên đường sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9 này.

Trước đó, trung tuần tháng 9 mới đây, lô hàng cà phê gần 300 tấn, hưởng thuế 0% cũng được Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) xuất đi EU.

Trong các ngày 16, 17/9, 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long được Công ty Vina T&T xuất khẩu sang EU bằng đường tàu biển và hàng không. Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cũng xuất khẩu 100 tấn chanh leo cô đặc đi EU.

Hoạt động xuất khẩu sang EU được đánh giá có nhiều khởi sắc bởi từ đầu tháng 9 đến nay. Các doanh nghiệp liên tục thực hiện các lô hàng xuất khẩu tận dụng lợi thế từ Hiệp định EVFTA với các mặt hàng nông thủy sản quan trọng như tôm, trái cây cà phê...

Dung Nhi
Cùng chuyên mục