Xuất khẩu văn hóa- đến bao giờ mới thành hiện thực?

Thứ năm, ngày 23/04/2015 14:52 PM (GMT+7)
Cách đây hơn 10 năm,"ngành công nghiệp văn hóa” với người Việt vẫn còn là một khái niệm rất mơ hồ. Bây giờ, nhiều người đã không còn xa lạ gì với khái niệm ấy, nhưng một băn khoăn lớn đang được đặt ra là sau khi Chiến lược văn hóa đối ngoại Việt Nam (đến năm 2020) vừa được phê duyệt. Và câu hỏi phải làm gì để xuất khẩu được văn hóa Việt vẫn còn bỏ ngỏ? 
Bình luận 0

img

Phim "Người cộng sự” - sản phẩm hợp tác giữa VTV và đối tác Nhật Bản 

Kỳ vọng vào điện ảnh, âm nhạc

Xu hướng hợp tác làm phim, thu âm các sản phẩm âm nhạc giữa Việt Nam với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản đang được tiến hành trong 1, 2 năm trở lại đây. Nhưng theo đánh giá, đó mới chỉ là những dự án đơn lẻ, thậm chí là tự phát chứ chưa được coi là một hướng đi của ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) và chiến lược xuất khẩu văn hóa.

Trong số 11 lĩnh vực của ngành CNVH (bao gồm: quảng cáo, kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính), thì điện ảnh và âm nhạc đang có nhiều cơ hội trở thành sản phẩm hợp tác và xuất khẩu hơn cả.

Sau những bộ phim "Người cộng sự”, "Tuổi thanh xuân”… sản phẩm hợp tác giữa  VTV với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, năm 2015 tiếp tục có nhiều dự án hợp tác làm phim giữa Việt Nam với các đối tác Thái Lan, Trung Quốc đang triển khai. Chẳng hạn như bộ phim "Oan hồn” (hợp tác giữa Metal Film - Việt Nam với Suptar House - Thái Lan) dự kiến ra mắt khán giả Việt vào ngày 28-4 tới đây; hoặc dự án phim "Tình xuyên biên giới”, dự kiến công chiếu vào khoảng tháng 8-2015 là sản phẩm hợp tác giữa Công ty Nghiệp Thắng - Việt Nam và Công ty Seoul Quảng Tây - Trung Quốc.

Ngoài ra, còn một dự án phim khác là "I am wanted” (nữ đạo diễn người Thụy Điển Beata Gardeler) của nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh với kinh phí 85 tỉ đồng. Theo kế hoạch sẽ khởi quay đầu tháng 11-2015.

Những phim hợp tác đã ít nhiều mang tới làn gió mới, không khí mới, màu sắc mới cho điện ảnh Việt. Nhưng phân tích từ các đạo diễn gạo cội, những phim dạng hợp tác đang chỉ cho khán giả nhìn rõ 2 điểm yếu.

Thứ nhất về diễn xuất diễn viên Việt có phần "đuối” hơn hẳn so với diễn viên nước ngoài. Thứ hai là không nhìn rõ đâu là bản sắc Việt trong phim hợp tác, kể cả những cảnh quay được thực hiện tại Việt Nam. Vì thế, những phim có cảnh quay đẹp như "Người cộng sự”, "Hai phía chân trời”, "Tuổi thanh xuân”… chỉ dừng lại ở mức xem được. 


Cùng với điện ảnh, âm nhạc Việt cũng đang manh nha tìm đường ra những thị trường lớn. Từ năm 2007, ca sĩ Mỹ Linh đã có nhiều nỗ lực để đưa sản phẩm âm nhạc của mình ra thị trường Nhật Bản.

Khi ấy chị đã phát hành cùng lúc 3 album "Made in Vietnam”, "Chat với Mozart” và "Để tình yêu hát”. Thêm vào đó, từ năm 2012, Mỹ Tâm là ca sĩ Việt Nam đầu tiên có kênh quảng bá riêng trên YouTube, điều đó đã giúp cho tên tuổi cũng như sản phẩm âm nhạc của ca sĩ này có sức ảnh hưởng hơn ở thị trường nước ngoài.  

Gần đây, chương trình và album "Độc đạo” của Nguyên Lê – Tùng Dương đã được mang sang Nhật, sang Pháp giới thiệu với công chúng trong 2 năm 2014, 2015. Tất nhiên, với trường hợp của "Độc đạo”, còn có một yếu tố may mắn khác là nhạc sĩ Nguyên Lê sinh ra và lớn lên tại Pháp. Vì thế việc đưa sản phẩm âm nhạc "Độc đạo” tới  Paris với anh cũng như một cuộc về nhà, bởi anh là một trong những tên tuổi được biết đến trong giới âm nhạc Pháp.

Phân tích như vậy để thấy rằng, tất cả những nỗ lực xuất khẩu âm nhạc cũng mới chỉ là những cố gắng từ các dự án cá nhân chứa chưa đủ sức chảy thành dòng hoặc định hình một phong cách, một trường phái âm nhạc Việt Nam ở thị trường nước ngoài. Điều đó góp phần làm cho những ca sĩ, nhạc sĩ và những nhà sản xuất âm nhạc Việt Nam nhìn lại để thấy rằng xuất khẩu nhạc Việt vẫn đang là một giấc mơ.

img

Tùng Dương- Nguyên Lê mang chương trình âm nhạc "Độc đạo” đi Pháp 

Mới là quảng bá văn hóa Việt

Tại Chiến lược văn hóa đối ngoại Việt Nam (đến năm 2020) vừa được phê duyệt, một trong những mục tiêu đặt ra là phát triển ngành CNVH Việt Nam, xây dựng biểu tượng văn hóa quốc gia và một số thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia.

Tiến hành xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, xây dựng thị phần cho công nghiệp văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế… Như vậy, mục tiêu cho ngành công nghiệp văn hóa cũng đã được đặt ra rõ ràng. Nhưng cách thức thực hiện ra sao, trên thực tế còn là một bài toán chưa có đáp số. 

Câu hỏi xuất khẩu văn hóa- đến bao giờ mới thành hiện thực cũng đã được chúng tôi đặt ra ở những bài viết trước đó. Bởi người Việt đang phải nhập khẩu nhiều thứ, trong đó buồn nhất là phải nhập khẩu văn hóa. Mới nghe thấy lạ, nhưng sự thực thì không sai. Lâu nay các nhà đài vẫn lý giải về việc chiếu phim nước ngoài tần suất lớn trên sóng là phim dạng trao đổi, nhưng khán giả cũng rất băn khoăn: Vậy tỉ lệ trao đổi là thế nào?

Có bao nhiêu phim Việt Nam (thuộc các thể loại) đang được phát sóng trao đổi ở các quốc gia khác. Chắc khó có thống kê cụ thể, chỉ biết rằng bao năm qua, điện ảnh Hàn Quốc đã và đang làm được một công việc cực kỳ vĩ đại là trở thành Đại sứ du lịch của đất nước họ. Thế nên người Hàn Quốc đâu có phải trầy trật kiếm tìm đại sứ du lịch như cách mà ta đang làm. 

Đánh giá một cách công bằng, làn sóng văn hóa và những xu hướng âm nhạc Hàn Quốc đổ bộ vào Việt Nam thời gian qua, đáng để học hỏi hơn là đáng lo ngại. Vậy trước sự đổ bộ của làn sóng Hàn Quốc có gì cấn cá không? Các nhà nghiên cứu văn hóa đều cho rằng, chỉ cần tự tin và bình tĩnh trước những xâm lấn "mềm” về văn hóa.

Điều đáng ngại ở đây là chúng ta không có đủ nội lực để học hỏi và biến cái hay của họ thành của mình, tạo ra sự ảnh hưởng ngược lại tới họ, mà thay vào đó lại đang copy, lai tạp và biến nó trở thành một sản phẩm nhái chất lượng kém.

Đấy chính là việc làm không có gì là hay ho. Vì thế cũng chẳng có gì là ngại ngần khi phải đối mặt với sự thật là người Việt Nam mới dừng lại ở quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Còn khi nào xuất khẩu được văn hóa, thu lợi nhuận từ văn hóa, thì bước đi phía trước còn dài. Thậm chí là còn chông chênh nữa.

(Theo Báo Đại Đoàn Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem