Xuất nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam giảm mạnh

04/02/2023 15:03 GMT+7
Năm 2022, lượng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của Việt Nam giảm 3,3%, nhập khẩu giảm 6,1% so với năm 2021. Trong tháng 01/2023, giá lợn hơi và thịt lợn trong nước không có nhiều biến động...

Giá lợn hơi hôm nay 4/2: Ghi nhận mức cao nhất 54.000 đồng/kg

Giá lợn hơi hôm nay 04/02/2023, xu hướng đi ngang trở lại. Toàn quốc vẫn dao động nhỏ trong khoảng 51.000-54.000 đồng/kg. Mức giá trung bình toàn quốc không có biến động nhiều trong 2 tháng gần đây. Thị trường khá yên tĩnh, mức giá lợn Trung Quốc cũng tụt giảm nhẹ sau Tết, hiện đứng ở mức 49.200 đồng/kg, thấp hơn cả giá lợn hơi của Việt Nam.

Ngày 4/2 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam vẫn giữ ổn định ở mức thấp sau khi liên tục giảm từ cuối năm ngoái. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 59.000 đồng/kg. Tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 57.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 51.000 - 53.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá thấp nhất khu vực 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Ở chiều ngược lại, mức giá cao nhất khu vực 53.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang. Các tỉnh thành còn lại duy trì giao dịch ổn định ở mức 52.000 đồng/kg.

Cung chung xu hướng thị trường với khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn  hơi hôm nay không ghi nhận sự biến động và dao động trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg. Trong đó, 53.000 đồng/kg là mức giao dịch cao nhất được ghi nhận tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng và Bình Thuận. Mức giá 52.000 đồng/kg được ghi nhận ở các địa phương gồm Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Ninh Thuận.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay cũng đứng yên theo xu hướng chung của thị trường và dao động trong khoảng 52.000 - 54.000 đồng/kg. Cụ thể, các tỉnh Long An, Đồng Tháp và Bến Tre đang cùng thu mua lợn hơi ở ngưỡng 54.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất khu vực 52.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Thương lái tại các tỉnh thành còn lại vẫn duy trì giao dịch ổn định trong khoảng 53.000 đồng/kg.

Xuất nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam giảm mạnh - Ảnh 1.

Giá lợn hơi hôm nay 4/2: Ghi nhận mức cao nhất 54.000 đồng/kg.

Xuất nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam giảm mạnh - Ảnh 2.

Giá lợn hơi hôm nay 4/2: Ghi nhận mức cao nhất 54.000 đồng/kg.

Trong tháng 01/2023, giá lợn hơi và thịt lợn trong nước không có nhiều biến động. So với cuối năm 2022, giá giảm tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, trong khi tăng tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam. Tại khu vực miền Bắc, hiện giá lợn hơi ở hầu hết các tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 51.000- 53.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 12/2022. Tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam, hiện giá lợn hơi dao động trong khoảng 51.000-54.000 đồng/kg, tăng từ 1.000- 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 12/2022. 

Trong quý 1/2023, mức tiêu thụ thịt nhiều khả năng ở mức thấp theo thông lệ hàng năm, giá lợn dự báo vẫn ở mức thấp.

Xuất nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam giảm mạnh - Ảnh 3.

Nguồn: Trung tâm Công nghiệp và Thương mại tổng hợp

Trong năm 2023, nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm khi thu nhập thực tế tăng nhờ kế hoạch tăng lương cơ bản của chính phủ và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi 84% trong quý II/2023 và 100% trong quý IV/2023, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn gặp một số khó khăn như: Căng thẳng kéo dài giữa Nga và U-crai-na ảnh hưởng đến hoạt động vận tải trên Biển Đen có thể gây áp lực tăng giá ngũ cốc toàn cầu. Bên cạnh đó, do khoảng 80% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu nên tỷ giá USD/VND tăng sẽ kéo theo giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng. Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn vào năm 2023. Trong bối cảnh vắc xin chưa cho kết quả tích cực cụ thể, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ làm giảm nguồn cung lợn.

Về xuất khẩu: Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 18,87 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 84,6 USD, giảm 3,3% về lượng, nhưng tăng 3,6% về trị giá so với năm 2021. 

Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường như Hồng Công, Thái Lan, Bỉ, Pháp, Lào... Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Công chiếm 40,72% tổng lượng thịt xuất khẩu của cả nước với 7,68 nghìn tấn, trị giá 42,61 triệu USD, giảm 21,5% về lượng và giảm 16,3% về trị giá so với năm 2021. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hồng Công chủ yếu là thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh...

Xuất nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam giảm mạnh - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Năm 2022, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu gồm các chủng loại như: Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là thịt lợn tươi, thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con; thịt lợn nguyên con đông lạnh); Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là đùi ếch đông lạnh); Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là chân gà đông lạnh)… 

Trong đó, thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 10,49 nghìn tấn, trị giá 50,78 triệu USD, tăng 75,9% về lượng và tăng 16,5% về trị giá so năm 2021. Thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang 6 thị trường, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hồng Công chiếm 67,46% tổng lượng thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh của cả nước trong năm 2022. 

Đứng thứ hai là thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh.

Năm 2022, xuất khẩu thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 5,16 nghìn tấn, trị giá 23,94 triệu USD, tăng 130% về lượng và tăng 88,6% về trị giá so với năm 2021, được xuất khẩu sang 24 thị trường, trong đó xuất khẩu sang Bỉ chiếm 30,22% tổng lượng thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh của cả nước trong năm 2022. 

Về nhập khẩu: Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 680,03 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,49 tỷ USD, giảm 6,1% về lượng, nhưng tăng 7,3% về trị giá so với năm 2021. 

Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 56 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, với 151,43 nghìn tấn, trị giá 482,98 triệu USD, tăng 49,8% về lượng và tăng 49,9% về trị giá so với năm 2021, chiếm 22,27% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam.

Xuất nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam giảm mạnh - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt lợn và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh giảm so với năm 2021; Trong khi nhập khẩu thịt gia cầm, thịt trâu và thịt bò tăng so với năm 2021. 

Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 114,66 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 249,35 triệu USD, giảm 29,8% về lượng và giảm 33,6% về trị giá so với năm 2021.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục