Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sáng một ngày cận Tết Nguyên đán 2024, thi thoảng lại có người đến gõ cửa Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. Họ đến đây để đăng ký hiến tạng để nếu một ngày mai không may xảy ra chuyện gì họ có thể trao gửi một phần bộ phận thân thể mình cho những số phận kém may mắn khác.
Với ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cũng như nhiều cán bộ công tác tại đây sẽ không quên được những câu chuyện xúc động về những người từng hiến tạng. Với ông Phúc, mỗi ca điều phối hiến tạng là một câu chuyện mà không thể kể hết được bằng lời. Nếu không đủ trái tim rộng mở cảm nhận sự yêu thương, sự tử tế và tình người thì không thể cảm nhận được những câu chuyện như thế.
Tại chính căn phòng nhỏ rộng vài mét vuông nơi làm việc, ông Phúc từng chứng kiến những câu chuyện mà mỗi lần nhắc lại là một lần xúc động. Đó là câu chuyện những ngày cuối năm 2023 vừa qua, Đơn vị Tư vấn và điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức nhận được thông tin từ phòng khám Cấp cứu của bệnh viện về 2 trường hợp bệnh nhân chấn thương sọ não nặng.
Đơn vị Tư vấn và điều phối ghép tạng đã nhanh chóng có cuộc gặp mặt và chia sẻ kịp thời với gia đình của 2 bệnh nhân N.T.T (25 tuổi, ở Thái Nguyên) và P.V.G (32 tuổi, ở Phú Thọ).
Hai bệnh nhân đều bị tai nạn giao thông xe máy và được trung tâm y tế tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện hữu nghị Việt Đức trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, hôn mê sâu, Glasgow 3 điểm. Sau khi điều trị và hồi sức tích cực, các y bác sĩ đã cố gắng hết sức tìm cơ hội sống cuối cùng cho 2 bệnh nhân nhưng kỳ tích đã không đến với gia đình. Hội đồng đánh giá chết não được thành lập, 3 lần test chết não, kết quả đều dương tính.
Sau khi nghe bác sĩ giải thích về tình trạng của bệnh nhân, gia đình của 2 bệnh nhân rất đau lòng do người thân không còn cơ hội qua khỏi. Khi được đề cập đến việc hiến mô tạng sau khi chết não, gia đình 2 bệnh nhân thấu hiểu việc hiến tạng có thể cứu sống nhiều cuộc đời khác nên đồng ý hiến mô, tạng.
Ban Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Đức chỉ đạo ca ghép với sự tham gia của nhiều đơn vị chuyên môn như: Trung tâm Ghép tạng, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Gây mê hồi sức ngoại khoa, Khoa Giải phẫu bệnh cùng các khoa, phòng, ban liên quan khác. Bệnh nhân được đưa lên phòng mổ. Trước khi tiến hành lấy mô, tạng, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế có buổi lễ mặc niệm, cảm ơn bệnh nhân đã hiến mô, tạng của mình để cứu chữa những bệnh nhân khác.
2 cuộc đại phẫu được tiến hành liên tiếp trong 24 giờ, vào 20 giờ 40 ngày 3/1 và 9 giờ 30 ngày 4/1/2024. Tạng và mô hiến của hai bệnh nhân bao gồm: 2 tim, 2 gan, 4 thận, 2 tĩnh mạch chủ chậu, 2 khí quản, 4 giác mạc, 11 đoạn gân. Cùng lúc đó, các bệnh nhân nhận tạng cũng được chuẩn bị để tiến hành ghép tạng.
Từ tạng hiến của bệnh nhân N.T.T (25 tuổi, Thái Nguyên) và P.V.G (32 tuổi, Phú Thọ) các bác sĩ đã thực hiện các ca ghép tạng, đã hồi sinh sự sống cho tám người. Trong đó, có hai bệnh nhân được ghép tim, hai bệnh nhân được ghép gan và bốn bệnh nhân được ghép thận.
"Khi tiếp cận với gia đình chúng tôi mới hiểu rằng tình yêu thương của họ lớn vô cùng. Tình yêu ấy lớn tới mức họ vượt qua nỗi sợ hãi, nỗi đau mất mát để chúc cho người thân của mình được sống trên thân thể người khác. Đấy là cách giúp cho họ được thấy người thân của mình vẫn còn được tồn tại trên cõi đời này khi trái tim còn đập, đôi mắt nhìn cuộc đời… Đó cũng là những điều thực sự vô cùng trân quý. Bằng cách đó, nỗi đau của họ nguôi ngoai đi rất nhiều bởi trong cảm xúc, suy tư, tình yêu của họ thì người thân của mình vẫn còn sống", ông Phúc xúc động.
Ông Phúc cho rằng, đó là điều hết sức lớn lao. Nếu chúng ta đều hiểu, cảm thông điều đó thì chắc câu chuyện hiến tạng từ người chết não không còn là điều gì khó. Bởi lẽ rất đơn giản trên cuộc đời này không ai mong muốn bản thân hay người thân của mình ra đi bất chợt như vậy. Ai sinh ra chẳng muốn mình được khoẻ mạnh, may mắn, giàu sang và giúp cho nhiều người.
"Không ai mong muốn mình ra đi một cách đột ngột như vậy nhưng vô thường không ai nói trước được điều gì. Khi họ ra đi mà bản thân đã khởi tâm từ đầu, mong muốn trao đi một phần sự sống cho người khác thì tâm nguyện đó sẽ được trọn vẹn. Đó không chỉ là cách họ cứu giúp được đồng loại mà cũng là cách cao thượng. Sự ra đi đem lại sự sống cho nhiều người khác thì vô cùng ý nghĩa. Rất nhiều câu chuyện đã xảy ra, nhiều người được hồi sinh từ hiến tạng vô cùng ý nghĩa", ông Phúc chia sẻ.
Theo ông Phúc, gần đây nhất có cháu bé ở Lai Châu, con của một cán bộ biên phòng bị suy tim. Con đường sống duy nhất của cháu bé đó là chỉ định ghép tim.
"Cán bộ Hội chữ thập đỏ tỉnh Lai Châu biết chuyện đó, mong muốn cháu có cơ hội được ghép tim. Khi biết câu chuyện đó chúng tôi tư vấn con ở cơ sở y tế gần nhất ở Hà Nội để thăm khám xem có chỉ định ghép tim được hay không. Khi ấy sẽ chờ ghép khi có cơ hội. Bằng cách đó, phòng chết não chọn ra người chết não hiến mô tạng phù hợp vì trẻ em là đối tượng được ưu tiên số 1.
Dưới bàn tay khéo léo của các y, bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, ca ghép đã thành công. Trái tim mới đã đập trong lồng ngực của bé. Không thể cảm nhận được hết cảm xúc hạnh phúc, may mắn, xúc động của người nhận trái tim đó. Không thể nói hết cảm xúc của gia đình nạn nhân nhưng chắc chắn một điều rằng, người thân của người chết não ấy cũng cảm thấy ấm lòng vì trái tim vẫn còn tiếp tục nhịp đập", ông Phúc bày tỏ.
Ông Phúc vẫn nhớ câu chuyện của thiếu tá Lê Hải Ninh (45 tuổi, quê ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), cán bộ thuộc Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202, Quân đoàn 1 - người đã hiến tạng cứu 6 người.
"Đến nay dù chuyện hiến mô tạng của thiếu tá Hải Ninh đã xảy ra 6 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in và vô cùng xúc động. Khi ấy, bố của thiếu tá Hải Ninh nói: 'Con tôi là một quân nhân chưa kịp cống hiến hết tuổi thanh xuân cho Tổ quốc nhưng con ra đi vẫn tiếp trao sự sống cho người khác. Đó cũng là cách con tiếp tục cống hiến cho đất nước'. Sau đó cả bố mẹ và chị gái của anh đều đăng ký hiến mô tạng. Cách đây không lâu, bố anh ra đi, hai giác mạc của ông cũng mang lại ánh sáng cho hai người mù", ông Phúc nói.
Sáng 22/2/2018, đường dây nóng của Trung tâm Điều phối tạng Hà Nội nhận một cuộc điện thoại đặc biệt. Đầu dây bên kia tự xưng tên Nguyễn Trần Thùy D. (ở thôn Tân Mỹ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Chị Dương nghẹn ngào đưa lời:
"Anh ơi con em là bé Nguyễn Hải A. (7 tuổi, 3 tháng) đang trong tình trạng hôn mê do u cầu não xâm lấn. Các bác sĩ thông báo con chết não rồi không thể sống được nữa. Gia đình có nguyện vọng hiến tặng nội tạng của cháu cho những bạn nhỏ khác đang bị bệnh chờ ghép tạng, muốn sẽ được nghe tiếng trái tim của con gái mình còn đập trong lồng ngực một bạn trẻ nào đó…". Nghe xong cuộc điện thoại, ông Phúc như nghẹn đắng.
"Một người mẹ mất con chỉ còn ít phút con sẽ ra đi mà còn đủ dũng cảm để gọi điện đến trung tâm thực hiện tâm nguyện của con, của chính mình. Nếu bạn là người nhận cuộc điện thoại đó, bạn sẽ cảm xúc như thế nào. Đó không phải câu chuyện trên phim ảnh mà là câu chuyện đời thường. Nhờ giác mạc của bé Hải A. mà hai người đã được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Nhờ Hải A. mà đã mang lại nguồn cảm hứng với bao thế hệ. Dù Hải A. đã ra đi những gì cháu để lại vẫn mãi hiện hữu trong cuộc đời này", ông Phúc nghẹn ngào nhớ lại.
Nhiều người đặt ra câu hỏi đặt ra câu hỏi tại sao lại có những câu chuyện tuyệt vời, xúc động như vậy? Ông Phúc đáp, bởi chúng ta đều hiểu câu chuyện rất đơn giản đó là nếu như không cảm nhận giá trị tốt đẹp, ý nghĩa nhân văn đó chúng ta khó thực hiện. Thế nhưng khi chúng ta hiểu thấu đáo chuyện đó rồi thì việc hiến tạng không còn khó khăn.
"Từ đó cho chúng ta góc nhìn khác phải chăng không phải những người đăng ký hiến mô tạng ngày hôm nay là việc làm vô nghĩa. Không phải người được ghép tạng là người được may mắn nhất trong cuộc đời này. Mà chính những người đặt bút ký vào những tờ giấy hiến mô tạng là những người vô cùng may mắn và hạnh phúc.
Bởi, họ là người đã vượt qua nỗi sợ hãi về cái chết, về tư tưởng nặng nề trong cộng đồng xã hội là chết phải toàn thây. Họ hiểu được rằng nếu không may qua đời do chết não hoặc chết do tuổi già thì họ vẫn còn cơ hội trao lại một món quà, sự sống vô giá cho người ngoài.
Bằng cách đó họ tạo phước báu cho mình. Khi họ đăng ký hiến thì họ cũng trao một niềm tin cho cộng đồng, ngành y tế và những con người xung quanh để hướng tới bệnh nhân suy tạng có thêm niền tin trong cuộc sống" ông Phúc bày tỏ.
Từ những câu chuyện xúc động trên hành trình của những trái tim và sự tử tế đã lan tỏa khắp cộng đồng. Chưa bao giờ số lượng người đăng ký hiến tạng tại Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia lại nhiều như những năm vừa qua.
Tính đến 31/2023, cả nước có 84.312 trường hợp đăng ký hiến mô tạng. Đến ngày này, cả nước cũng đã ghép được hơn 8.300 trường hợp, trong đó chủ yếu từ nguồn ghép thận. Ông Phúc cũng hy vọng rằng số lượng ấy sẽ tiếp tục tăng dần theo năm tháng để nối dài sự sống cho nhiều người khác…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.