Ủy ban đặc biệt về POW/MIA
Đầu năm 1993, khi mà quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước tiến lớn, việc tìm kiếm người Mỹ mất tích đã đạt được những bước đi đáng kể, tôi lại có dịp trò chuyện với Thứ trưởng Lê Mai. Ông cho biết, suốt 2 năm qua phái đoàn Việt Nam đã làm hết sức mình để có được những thành quả như ngày hôm nay. Đáp lại, phía Mỹ cũng đã có nhiều cố gắng.
Tổ chức trao hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Rút kinh nghiệm về những bước đi thất bại trong việc cải thiện quan hệ với Việt Nam ở những năm cuối của chính quyền Tổng thống Ronalt Reagan (1980-1988), chính quyền của Tổng thống G. Bush (1988-1992) đã giao công cuộc tìm kiếm POW/MIA cho Bộ Quốc phòng, nhằm tránh những chống đối nhắm vào chính quyền.
Năm 1991, theo đề nghị của TNS Bob Smith, Thượng viện Mỹ đã thành lập Ủy ban đặc biệt về vấn đề POW/MIA, do TNS John Kerry - một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam làm Chủ tịch. Cùng năm đó và các năm tiếp theo TNS John Kerry cùng với một TNS khác (cũng là tù binh trong chiến tranh Việt Nam) là John McCain đã nhiều lần sang Việt Nam. Theo nhận xét của Thứ trưởng Lê Mai thì đây là hai nhân vật có uy tín và có tầm ảnh hưởng lớn, tác động rất tích cực đến tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt- Mỹ. Ông khuyên tôi nên tranh thủ tiếp cận và phỏng vấn các TNS John Kerry và John McCain, nhất là Kerry.
Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với ông John Kerry là khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam- Tướng Đoàn Khuê tiếp ông tại trụ sở Bộ Quốc phòng. Đây là một bước tiến lớn. Là phóng viên được phân công trực tiếp theo dõi quan hệ Việt -Mỹ, tôi đã có nhiều dịp tiếp xúc, làm việc với nhiều quan chức Bộ Quốc phòng Việt Nam, tôi có cảm nhận rằng có một số người rất thận trọng trong quan hệ Việt- Mỹ. Thậm chí có quan chức còn bày tỏ quan điểm là “cần xem xét lại thái độ chính trị của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai”: Vì sao ông Thứ trưởng này lại “nóng vội” trong quan hệ với Mỹ như vậy. Sau này, khi quan hệ Việt- Mỹ đã được bình thường hóa, tôi có kể chuyện này cho Thứ trưởng Lê Mai, ông cười: “Không riêng gì Bộ Quốc phòng đâu. Có vị ở nơi khác còn nhận xét nặng lời hơn ấy chứ”.
Những thành quả đầu tiên
Mặc dù đã có những bước tiến như vậy nhưng chính quyền Mỹ liên tục bị chỉ trích là đã che giấu thông tin về vấn đề POW/MIA.
Cuối tháng 7.1991. Vào một buổi sáng đầu tuần, tôi vừa tới tòa soạn Báo QĐND (số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội) thì Trưởng phòng Quốc tế Trần Nhung nói tôi lên ngay Bộ Ngoại giao gặp Thứ trưởng Lê Mai. Khi tôi tới, ông Lê Mai đưa cho tôi tờ “Wall Street Journal” kèm theo bản dịch của Bộ Ngoại giao. Một cuộc thăm dò trên tạp chí này cho thấy 3/4 số người Mỹ được hỏi cho rằng chính quyền Mỹ đã không làm đủ những điều cần thiết để tù binh được trao trả. Tôi đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Lê Mai trọn cả buổi sáng hôm đó. Bài phỏng vấn Thứ trưởng Lê Mai về những cố gắng của hai bên trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA) đã và đang được tiến hành có hiệu quả rõ rệt. Báo QĐND đã đăng bài phỏng vấn kèm các bức hình trao trả hài cốt lính Mỹ trước khi ông Lê Mai bước vào vòng đàm phán tiếp theo với phía Mỹ một tuần sau đó.
Có thể nói rằng, vào cuối nhiệm kỳ của mình chính quyền của Tổng thống G.Bush đã đi được những bước dài đến bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Đổi lại việc Việt Nam chúng ta chấp nhận cho phía Mỹ mở một Văn phòng POW/MIA tại Hà Nội, Mỹ đã bãi bỏ lệnh hạn chế đi lại trong bán kính 25 dặm đối với các nhà ngoại giao Việt Nam ở Liên Hợp Quốc, đồng thời cho phép người Mỹ được đi đến Việt Nam một cách có tổ chức, thay vì chỉ được đi theo từng cá nhân. Cuối năm 1991, các công ty Mỹ được phép có một số hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Một năm sau đó, cuối 1992, lệnh hạn chế liên lạc điện thoại được bãi bỏ, dịch vụ gọi điện trực tiếp giữa Mỹ và Việt Nam được thiết lập.
Sự xuyên tạc trắng trợn
Theo Thứ trường Lê Mai thì lệnh cấm vận có thể đã được bãi bỏ ngay từ cuối năm 1992, chậm lắm là đầu năm 1993, chứ không phải đợi đến tận ngày 3.2.1994, nếu như ông G.Bush tái đắc cử. Việc ông Bill Clinton thắng cử đã làm chậm lại quá trình bình thường hóa. Một phần phải tập trung giải quyết những vấn đề nội tại của nước Mỹ, phần khác ông Clinton cũng tránh đi quá nhanh trong việc bãi bỏ cấm vận thương mại cho Việt Nam vì một vấn đề nhạy cảm, đó là ông “trốn quân dịch”.
Cuối năm 1992, lần thứ hai trở lại Việt Nam, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê, ông John Kerry đã có một “sáng kiến độc đáo”: Để chấm dứt những nghi ngờ Việt Nam còn giam giữ tù binh Mỹ, phía Việt Nam nên cho phép ông Bob Smith - TNS thuộc phái “diều hâu” xuống hệ thống hầm ngầm trong thành (Bộ Quốc phòng), nơi mà nhiều chính trị gia Mỹ vẫn cho rằng tù binh Mỹ còn bị giam cầm, để “mục sở thị”. Ý kiến này được chuyển lên cấp trên là mấy ngày sau đã được chuẩn y. Sau khi “mục sở thị”, TNS Bob Smith đã có những tuyên bố nhằm chấm dứt nghi ngờ của dư luận Mỹ.
Ngày 12.4.1993, tờ “Wall Street Journal” trên trang nhất đăng bài bình luận: “Tổng thống Bill Clinton đã ở rất gần đoạn kết cuộc chiến Việt Nam”. Sáng hôm sau, khi tới tòa soạn, đọc bản tin nhanh của TTXVN, thấy tin này tôi đã gọi điện cho Thứ trưởng Lê Mai, thư ký của ông thông báo ông đang làm việc với Bộ trưởng. 10 giờ ông điện lại. Tôi chưa kịp hỏi thì ông nói ngay, có một sự kiện gây bất lợi đã xảy ra. Rồi ông kể vắn tắt rằng cũng ngày hôm đó tờ “New York Times” đã giật title trên trang nhất: “Có nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền Hà Nội đã dối trá về số lượng tù binh vào năm 1972”. Ông nói thêm: Theo báo cáo của sứ quán ta tại Nga thì đây là bài báo do Celestine Bohlen - Trưởng văn phòng đại diện “New York Times” tại Moscow viết. Tôi báo cáo lại với Trưởng phòng Quốc tế Báo QĐND. Ngay trong chiều hôm đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta đã ra tuyên bố đây là tài liệu hoàn toàn bịa đặt.
Khi tờ “New York Times” đăng thông tin bịa đặt, Tướng John Vessey đang ở thăm và làm việc tại Hà Nội. Ông đã lên đường về Washington và báo cáo với Tổng thống Bill Clinton - không có cơ sở để tin là vẫn còn người Mỹ bị giam giữ ở Việt Nam. Tuy nhiên tuyên bố này của Tướng Vessay tiếp tục bị các tổ chức hoạt động chống Việt Nam trong vấn đề POW/MIA phản đối.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.