dd/mm/yyyy

Yên Châu nâng cao thu nhập cho nông dân để xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Châu (Sơn La) đã ban hành nhiều giải pháp đồng bộ trong phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La, với đa dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70% dân số toàn huyện, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cây ngô, sắn, lúa cho hiệu quả kinh tế thấp. Nhằm chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, giảm dần diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc chuyển sang trồng cây ăn quả như xoài, nhãn, bưởi, chuối… huyện Yên Châu đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Một số mặt hàng nông sản như xoài, chuối ở huyện Yên Châu đã được xuất khẩu.
Một số mặt hàng nông sản như xoài, chuối ở huyện Yên Châu đã được xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Như Huệ - Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Xây dựng nông thôn mới ở các xã chỉ thật sự thành công và bền vững khi sản xuất và thu nhập được nâng lên. Từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển cây ăn quả trên đất dốc phù hợp với lợi thế của từng vùng. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng nguồn thu trên một đơn vị diện tích.

Tổng diện tích gieo trồng, thực hiện 9 tháng đầu năm 2018 được 25.338 ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt 9 tháng đầu năm đạt 50.340 tấn, trong đó: Cây lương thực là 15.782 ha; cây ăn quả là 5.175 ha; cây chè là 329ha; cây cao su 746 ha; cây mía 2.050 ha; cây đậu tương 26 ha; cây bông 29 ha...

Xoài Yên Châu đã sang thị trường Úc.
Xoài Yên Châu đã sang thị trường Úc.

Một số xã vùng cao, biên giới đang từng bước phát huy lợi thế phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện 9 tháng đầu năm 447.803 con đạt 102% so với kế hoạch, tăng 3,9 % so với cùng kỳ năm 2017.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc của tỉnh Sơn La, hết 9 tháng đầu năm 2018, đã trồng mới được 537 ha gồm các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như: Xoài, nhãn, mận, chanh leo, sơn tra, chuối…).

Dự án trồng mới cây ăn quả gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới tại bản Lao Khô I, xã Phiêng Khoài, trong 9 tháng đầu năm đã triển khai trồng mới được 40 ha cây sơn tra, 10 ha cây bơ, 60 ha cây mận.

Bên cạnh việc tăng diện tích trồng cây ăn quả, Yên Châu tiếp tục thực hiện chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đến nay, huyện Yên Châu đã cung ứng ra thị trường được 545 tấn quả; 111,5 tấn rau; 81,8 tấn lợn thịt và lợn giống thương phẩm.

Cũng trong 9 tháng đầu năm nay, Yên Châu đã xuất khẩu được 34 tấn xoài tượng da xanh, xuất khẩu sang Úc 1,5 tấn, sang Trung Quốc 33,5 tấn; xuất khẩu được 41,5 tấn nhãn, sang Mỹ 1,5 tấn, Trung Quốc 40 tấn.

“Đến Yên Châu hôm nay, ai cũng cảm nhận được những khởi sắc trong bức tranh tam nông của huyện. Bây giờ đi dọc đường Quốc lộ 6 từ xã Chiềng Đông, Chiềng Pằn, Chiềng Hặc, Tú Nang kéo dài hàng chục km, không còn cảnh đất trống đồi trọc như ngày xưa nữa. Số diện tích đó nay đã được bà con phủ xanh từ hàng chục đến hàng trăm ha cây ăn quả các loại. Nhờ mối liên kết giữa HTX với công ty Agricare, công ty Thanh Tùng mà năm nay các hộ dân trồng xoài ở bản Văn Lùng đã xuất khẩu hàng tấn quả xoài tượng sang Úc và Trung Quốc, đem lại thu nhập bình quân từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/hộ” – anh Hà Văn Hải, Trưởng bản Văn Lùng, xã Chiềng Hặc vui mừng.

Một số xã vùng cao, biên giới ở Yên Châu đang tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Một số xã vùng cao, biên giới ở Yên Châu đang tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Ông Vũ Hải Yến – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Châu, cho biết: Để nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức tập huấn tự nguyện cho nông dân được 39 lớp với số người tham gia là 3.240 người. Đồng thời, triển khai xây dựng được 07 mô hình khuyến nông: Mô hình trồng cam Cao Phong, với diện tích 0,3 ha; mô hình thử nghiệm phân bón Thái Lan cho cây lúa, với diện tích 0,15 ha; mô hình ủ phân bằng chế phẩm EMIC với khối lượng 7 tấn; mô hình liên kết sản xuất giống lúa Nam Hương 4, với quy mô diện tích trên 22 ha; mô hình cấy lúa theo phương pháp SRI (giống lúa: LTH31, Nếp 86, ĐC2TBKT, TBR117, QL301), với quy mô 2,7 ha.

Công tác hướng dẫn hộ tham gia mô hình nuôi lợn đực giống ngoại chăm sóc, nuôi dưỡng và khai thác tinh đúng theo quy trình kỹ thuật, 6 tháng đầu năm 2018 khai thác được 145 liều tinh. Triển khai phối giống bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo cho bò cái có chửa được 98 con, bê lai sinh ra được 91 con. Tư vấn cho nông dân xây dựng bể khí sinh học trong xử lý bã thải chăn nuôi được 22 công trình trên địa bàn huyện huyện.

Theo ông Hải, một số mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế tiếp tục được nhân rộng như: Mô hình nhãn chín muộn, mô hình ghép xoài Đài Loan, mô hình chanh leo, mô hình cấy lúa theo phương pháp SRI, mô hình ủ phân bằng chế phẩm EMIC; phối hợp với Công ty Cổ phần giống cây trồng Nông lâm nghiệp Thái Bình xây mô hình thâm canh giống lúa Nam hương 4 theo hình thức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, với quy mô diện tích 22,1 ha tại các xã: Viêng Lán, Sặp Vạt, Chiềng Pằn, Chiềng Sàng.

“Toàn huyện Yên Châu hiện có 38 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện có một số HTX đã chủ động liên kết với doanh nghiệp bên ngoài để tiêu thụ sản phẩm, quảng bá sản phẩm, nâng dần thu nhập của các thành viên. Số HTX và diện tích cây ăn quả được công nhận VietGAP năm 2018 là 9 HTX, tăng 6 HTX so với năm 2017, diện tích tăng từ 35,9 ha lên 175,1 ha” – ông Nguyễn Văn Điện – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Châu, thông tin.

Tuệ Linh