Yêu cầu EC chấm dứt áp thuế chống phá giá xe đạp

Thứ tư, ngày 30/06/2010 06:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 29-6, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, việc Uỷ ban Châu Âu (EC) áp thuế chống bán phá giá xe đạp xuất khẩu của Việt Nam là một quyết định sai trái và Việt Nam yêu cầu EC chấm dứt khi quyết định này hết hiệu lực.
Bình luận 0

Ngày 15-7, thuế chống bán phá giá của Uỷ ban Châu Âu (EC) đối với xe đạp xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU) sẽ hết hạn và EC sẽ quyết định có tiến hành rà soát cuối kỳ để xem xét việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng này hay không.

img
Xe đạp Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu.

Trong thời gian vừa qua, các Cơ quan Đại diện của Việt Nam tại các nước EU, đặc biệt tại Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Italia - những nước có liên quan trực tiếp - đã chủ động gặp Tổng vụ Thương mại EC, Hiệp hội các nhà sản xuất xe đạp Châu Âu, các cơ quan hữu quan và hiệp hội xe đạp sở tại để vận động về việc này.

Việc EC áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng xe đạp xuất khẩu của Việt Nam là một quyết định sai trái, bất công và mang tính áp đặt, không phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và EU, đồng thời nêu rõ việc áp thuế này đã có tác động hết sức tiêu cực đối với ngành sản xuất, kinh doanh xe đạp của Việt Nam cũng như đời sống của những người lao động, gây nhiều tác động xấu về mặt xã hội.

Do đó, Việt Nam yêu cầu EC chấm dứt việc áp thuế chống bán phá giá ngay sau khi quyết định này hết hiệu lực và không tiến hành rà soát cuối kỳ đối với mặt hàng xe đạp xuất khẩu của Việt Nam.

Năm năm qua, kể từ khi EU áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng xe đạp xuất khẩu của Việt Nam, lượng xe đạp xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã giảm tới gần 50 lần, từ 1.067.772 chiếc năm 2005, chiếm 11,69% thị phần xe đạp nhập khẩu vào EU, xuống còn 21.421 chiếc năm 2009 với thị phần không đáng kể.

Do đó, ngành sản xuất, kinh doanh xe đạp của Việt Nam đã lâm vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp đã phá sản hoặc phải chuyển đổi loại hình sản xuất. Đặc biệt, số lượng lao động trong ngành đã giảm rõ rệt, từ 210.000 người tại thời điểm năm 2005 xuống còn 5.000 người vào đầu năm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem