|
Bà Nguyễn Thị Thiển chỉ đạo sản xuất tại công ty. |
Phải có cơm ăn cái đã
Năm 1984! Đó là lúc kinh tế đất nước cũng như gia đình nằm trong cái hố sa sút nhất của nền kinh tế bao cấp. Tại vùng Đông Triều xuất hiện hai sự ngỡ ngàng. Bà Thiển khi đó mới 37 tuổi, là kế toán trưởng của Xí nghiệp cát số 3, thuộc Bộ Xây dựng bỗng nhiên xin nghỉ mất sức. Cũng năm đó, bà Thiển là người đầu tiên của huyện lập tài khoản cá nhân.
Nhắc đến thời kì không xa ấy, ấn tượng mạnh nhất của bà Thiển là chiếc bánh sắn, nó là nỗi ám ảnh, là động lực để bà một mình xông ra thương trường. Bà kể: "Lần ấy có một đồng chí chuyên gia Đông Âu đến chỉ đạo lắp máy cho công ty tôi. Con trai đồng chí ấy trạc tuổi con trai lớn của tôi, nhưng cháu to khoẻ gấp đôi và thông minh, ngộ nghĩnh lắm, ở đây chưa đầy nửa tháng đã nói tiếng Việt lem lẻm".
Thoạt đầu bà Thiển nghĩ có sự khác biệt ấy là do nòi giống, kiểu gen nhưng sau thấy khẩu phần ăn của cháu bé, bà mới thấy giật mình. Giá con bà ăn với khẩu phần như thế thì chắc cũng chẳng kém ai. Về nhà nhìn con bên mâm cơm với đĩa bánh sắn khốn khổ. Thế thì cao to làm sao, thông minh làm sao được. Vì cái lý do tưởng chừng vụn vặt nhưng chứa chan tình mẫu tử ấy, bà Thiển chấp nhận mang tiếng "tư thương".
Ông Phạm Hữu Tiến - chồng bà Thiển vốn là Trưởng phòng công trình Công ty Than Mạo Khê đã nghỉ hưu, cười khà khà khi nhắc lại thời kì ấy: Cũng ghê chứ anh, mình là cán bộ, đảng viên mà vợ bỏ việc nhảy phốc ra ngoài làm cái "anh" tư thương, cũng nhiều điều ra tiếng vào nhưng nghe bà ấy nói quá có lý, con cái cứ dư dả cái ăn, cái mặc thì đôi ba điều tiếng có đáng kể gì.
Cả một quãng đường dài làm "tư thương" đến năm 1996 khi mua lại một doanh nghiệp giải thể, Công ty TNHH Xây dựng Đông Triều mới được ra đời. Với 50 lao động, mức thu nhập cao nhất cho một công nhân là 4 triệu đồng/tháng, Công ty TNHH Xây dựng Đông Triều trở thành một công ty có tên có tuổi ở Đông Triều. Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ bởi bà Thiển bảo: "Hơn chục năm tôi chấp nhận mang tiếng dân phe phẩy đâu phải vì chuyện đó. Con cái thành đạt mới là điều làm tôi tự hào nhất".
Gia đình 6 cử nhân - 2 chi bộ
Những tháng năm cay đắng vì chết tiếng "tư thương" giờ đã qua đi, chỉ còn tiếng cười và niềm hạnh phúc tràn ngập căn nhà của bà Thiển.
Chẳng hiểu có phải vì thoát khỏi món bánh sắn (nỗi ám ảnh của những đứa bé thời bao cấp) hay không nhưng ba người con của "bà tư thương số 1 Đông Triều" lần lượt tốt nghiệp đại học, rồi con dâu con rể nhà bà cũng đều là cử nhân, đến nỗi nhiều lần bà Thiển nói mát yêu với cả nhà: "Vâng, cả cái nhà này đều là cử nhân, học cao hiểu rộng, chỉ có tôi là dốt nát thôi".
Lần lượt các người con của bà (cả dâu rể) được khuyến khích, động viên vào Đảng. Theo điều lệ, gia đình này vừa vặn thành lập được hai chi bộ với 6 đảng viên. 3 đảng viên làm nhà nước và 3 đảng viên đang làm kinh tế tư nhân.
Ông Phạm Hữu Tiến - khi về với công ty của vợ, ông nhận chức danh Trợ lý giám đốc mà bà Thiển gọi lịch sự là "cố vấn đặc biệt" kể công: "Những ngày bà ấy vất vả bên ngoài làm kinh tế, mấy bố con cứ phải động viên nhau cố gắng học hành phấn đấu để đỡ phụ công mẹ. Cũng may là các cháu biết thương bố, thương mẹ nên cố gắng học hành, phấn đấu. Trong một gia đình mà mọi người biết thương yêu nhau thì chả việc gì mà không làm được".
Nam Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.