Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tư Mã Ý phò tá Tào Tháo kể từ khi ông mới nhậm chức Thừa tướng nhà Hán. Ở dưới trướng một kẻ được mệnh danh là đa nghi nhất thời Tam Quốc như Tào Tháo, Tư Mã Ý ắt hẳn sống không dễ dàng gì.
Dân gian tương truyền, đầu của Tư Mã Ý có thể quay được 180 độ như loài cú. Theo Tấn thư, Tào Tháo đã từng nhận xét Tư Mã Ý là người ẩn giấu tham vọng rất lớn.
Nhờ tầm nhìn xa trông rộng, Tư Mã Ý đã chọn đúng phe khi ủng hộ Tào Phi kế nghiệp Tào Tháo và bước đầu nhận về sự tin tưởng của gia tộc họ Tào.
Theo Tam Quốc Chí, năm 216, Tào Phi cướp ngôi Hán Hiến Đế, lập ra nước Ngụy. Tư Mã Ý nắm quyền Thượng thư nước Ngụy, rất được Tào Phi tin tưởng và ví như Tiêu Hà – người góp công thầm lặng giúp Lưu Bang lập ra nhà Hán.
Tào Phi chết, giao lại con nhỏ là Tào Duệ cho Tư Mã Ý trông nom. Tư Mã Ý phò Tào Duệ trở thành Ngụy Minh Đế. Tài trí và năng lực của Tư Mã Ý được xem là thể hiện rực rỡ nhất trong giai đoạn này.
Tư Mã Ý giúp củng cố thế lực của nhà Ngụy trước Thục, Ngô. Với chức Phiêu kỵ Đại tướng quân, Tư Mã Ý nắm quyền kiểm soát quân đội nhà Ngụy. Ông đánh bại mưu đồ tạo phản của Mạnh Đạt trong trận Tân Thành. Đặc biệt giữ yên bờ cõi nước Ngụy khỏi những cuộc bắc phạt của Gia Cát Lượng.
Công lớn như vậy, nhưng sau khi Tào Duệ qua đời, Tư Mã Ý lại bị gạt ra khỏi chính quyền và thậm chí còn suýt mất mạng dưới tay Tào Sảng. Năm 249, Tư Mã Ý tổ chức một cuộc chính biến ngoạn mục, tiêu diệt diệt toàn bộ phe cánh Tào Sảng và chính thức nắm quyền chi phối nước Ngụy cả về quân đội lẫn chính trị. Ngụy Phế Đế Tào Phương khi đó chỉ còn là vua bù nhìn mà thôi.
Năm 251, Tư Mã Ý qua đời, hai con trai của ông là Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu thay nhau nắm quyền nước Ngụy. Trong giai đoạn này, Ngụy đã đánh bại nước Thục do Lưu Bị khổ công gây dựng.
Sau khi Tư Mã Chiêu qua đời, con ông là Tư Mã Viêm phế bỏ hoàng đế Ngụy là Tào Hoán, thành lập nhà Tây Tấn. Năm 280, Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm chinh phục nốt nước Ngô, chính thức thống nhất toàn bộ Trung Quốc.
Tư Mã Ý được tôn là Tấn Tuyên Đế. Tài trí và khả năng quân sự của Tư Mã Ý thường được người đời so sánh với Gia Cát Lượng – một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả người có tầm nhìn xa trông rộng như Tư Mã Ý cũng không ngờ có một ngày cơ đồ Tây Tấn do ông vất vả gây dựng lại rơi vào tay những kẻ ngoại bang.
Theo bách khoa toàn thư lịch sử Trung Quốc, đầu những năm 300, nhà Tây Tấn ngày càng suy yếu do sự tranh giành quyền lực trong nội bộ, đặc biệt là sự kiện Loạn bát vương.
Tấn Vũ Đế sau khi thống nhất Trung Quốc không lo củng cố thế lực mà có ý hưởng lạc. Con cả của ông – Thái tử Tư Mã Trung – vốn là người đần độn. Sau khi Tấn Vũ Đế qua đời, Tư Mã Trung kế nghiệp lấy hiệu là Tấn Huệ Đế.
Tấn thư chép, thời Tấn Huệ Đế có thiên tai, dịch hại làm cho mất mùa, dân bị đói. Quần thần tâu việc dân đang không có gạo ăn, Tấn Huệ Đế hỏi: “Dân không có gạo ăn, sao không ăn thịt?”
Có lần, nghe tiếng ếch kêu, ông ta lại thắc mắc: “Ếch kêu vì việc công hay tư thế?”
Tấn Huệ Đế ngu dốt, nhu nhược nên quyền hành đều tập trung vào tay vợ ông ta là Giả Nam Phong hoàng hậu. Vốn tính đa nghi, dâm tà, Giả hậu muốn lợi dụng sự mâu thuẫn của các vương gia nhà Tấn để họ tự trừ khử lẫn nhau, củng cố quyền hành cho bà ta.
Những cuộc thanh trừng, lật đổ dưới thời Tấn Huệ Đế xảy ra liên miên. Năm 300, Triệu Vương Tư Mã Luân cướp ngôi Tấn Huệ Đế, giết Giả hậu. Các vị vương gia khác không phục Tư Mã Luân, đua nhau khởi binh chống lại với danh nghĩa phò trợ Tấn Huệ Đế. Tất cả có 8 vị vương gia nhà Tấn đã tham gia vào cuộc nội loạn này, trong đó có cả Tư Mã Lượng – con út Tư Mã Ý.
Loạn bát vương khiến nhà Tây Tấn rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Đói kém, mất mùa, thiên tai liên tiếp xảy ra lại thêm nạn binh đao, làm ít nhất 20 – 30 vạn người bỏ mạng.
Nhân cơ hội này, các bộ ngoại bang đẩy mạnh xâm nhập và khiến đất Trung Quốc càng thêm náo loạn.
Sự xâm nhập của các bộ tộc ngoại bang vào Trung Quốc đã có từ thời Tam Quốc. Chiến tranh liên miên, dân số sụt giảm, Ngụy –Thục – Ngô đều muốn lợi dụng người của các dân tộc thiểu số để tăng cường lực lượng.
Theo Qulishi, thời Tấn Vũ Đế, các bộ tộc người Yết, người Khương, Hung Nô đã nhiều lần xâm phạm Trung Quốc nhưng đều bị đánh bại. Nhiều đại thần khuyên Tấn Vũ Đế nên đuổi tất cả người không phải Hán tộc ra khỏi Trung Hoa nhưng ông không chấp nhận vì không muốn gây bất ổn xã hội. Thời Tấn Huệ Đế, chính sách này lại một lần nữa được đem ra bàn luận, nhưng cũng không được thi hành.
Trong loạn bát vương, vì mất mùa, đói kém, dân tộc Tung có tới hàng chục vạn người kéo vào Ích Châu (đất Thục nơi Lưu Bị chiếm cứ thời Tam Quốc) để kiếm ăn. Nhà Tấn lo ngại, đưa quân xua đuổi, bắt người Tung đi khỏi Ích Châu ngay.
Người Tung xin được đợi đến khi gặt lúa xong rồi sẽ đi. Nhà Tấn không bằng lòng, mang quân đến đánh đuổi. Thủ lĩnh người Tung là Lý Đặc tập hợp quân dân đánh lại, chiếm hẳn đất Ích Châu. Nhà Tấn không đủ sức đánh đẹp, đành bỏ mặc cho người Tung hoành hành. Sau này Lý Hùng – con trai Lý Đặc tuyên bố thành lập nước Thành Hán, nhà Tấn mất hẳn đất Thục vào tay ngoại bang.
Vì chiến tranh liên miên, thiếu binh lực nghiêm trọng nên các vương gia nhà Tấn cũng học theo cách xưa, sử dụng cả những người dân tộc thiểu số làm binh sĩ dưới quyền.
Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh (một trong những vương gia tham chiến loạn bát vương) có một bộ tướng là Lưu Uyên – người tộc Hung Nô. Trong loạn bát vương, Tư Mã Dĩnh bị giết hại, Lưu Uyên nắm quân quyền của chủ nhân, tự phát triển thế lực riêng cho mình.
Năm 304, Lưu Uyên xưng vua, lập nước Hán Triệu, đem quân chiến đấu trực tiếp với nhà Tấn. Lúc này hoàng đế ngốc là Tư Mã Trung đã không còn, Tư Mã Xí lên ngôi, lấy hiệu là Tấn Hoài Đế.
Vì nhà Tấn suy yếu nghiêm trọng, quân Hán Triệu đánh đâu thắng đó, thế như chẻ tre. Năm 309, Lưu Uyên đã đánh đến sát kinh đô Lạc Dương của nhà Tấn nhưng chưa hạ được thành thì qua đời (năm 310). Sau khi Lưu Uyên chết, con là Lưu Thông kế vị, tiếp tục sự nghiệp của cha.
Cuối năm 310, quân Hán Triệu lại đánh đến Lạc Dương. Tướng của nhà Tấn là Tư Mã Việt sợ chống không nổi, bèn tự ý rút 4 vạn quân từ Lạc Dương về Hứa Xương, bỏ mặc Tấn Hoài Đế bơ vơ ở kinh thành.
Tuân Hi – một viên tướng trung thành của nhà Tấn – nhân lúc quân Hán Triệu mải đánh nhau với Tư Mã Việt ở Hứa Xương, bèn cử người lẻn về kinh thành đón Tấn Hoài Đế rời đi gấp. Nhưng đám đại thần dưới quyền Tấn Hoài Đế vì tiếc gia sản, nhất định không chịu nghe kế của Tuân Hi. Người do Tuân Hi cử đi đón vua đành bất lực quay về.
Tấn Hoài Đế do dự mãi không quyết. Đến khi người của Tuân Hi bỏ về rồi gắng đi bộ cùng mấy quan viên trung thành lén rời Lạc Dương. Chưa ra đến ngoài thành, Tấn Hoài Đế đã chạm mặt với nạn dân đói khát. Tấn Hoài Đế bị dân đen đánh đuổi, lột hết đồ đạc mang theo đành phải ôm hận quay ngược trở về.
Tháng 6/311, Thạch Lặc, viên tướng có nhiều công lao trong chiến tranh Tấn - Hán Triệu, đánh vào Lạc Dương, giết tới 3 vạn quân dân nhà Tấn. Tấn Hoài Đế bị bắt sống sau đó bị giết hại.
Đến năm 313, một số viên tướng vẫn trung thành với nhà Tấn chiếm được Trường An, lập Tư Mã Nghiệp lên ngôi, lấy hiệu là Tấn Mẫn Đế. Tấn Mẫn Đế soạn chiếu cần vương, kêu gọi quân dân địa phương cùng đánh đuổi Hung Nô.
Theo bách khoa toàn thư lịch sử Trung Quốc, năm 316, quân Hán Triệu đánh tới Trường An, lập kế bao vây kéo dài. Trong thành hết lương, người dân phải ăn thịt lẫn nhau. Tấn Mẫn Đế mang ngọc tỷ ra hàng nhưng về sau cũng bị giết. Tây Tấn chính thức diệt vong.
Sau khi diệt xong nhà Tây Tấn, Lưu Thông tự thỏa mãn, không chú tâm vào chính sự mà chỉ ham chơi hưởng lạc. Nhân thời cơ Hán Triệu chính sự rối ren, Thạch Lặc – viên tướng dân tộc Yết – cầm quân ở ngoài tự xưng vua, lập ra nhà Hậu Triệu.
Lợi dụng bối cảnh chính trị đương thời rối như tơ vò, năm 338, Thập Dực Kiền, thủ lĩnh của Thác Bạt vốn sống ở đất Đại (phía Bắc Trung Quốc), cũng tuyên bố lập ra nhà Bắc Đại, quân lực có khoảng 30 – 40 vạn người.
Năm 337, Mộ Dung Hoảng người tộc Tiên Ty sống ở vùng Đông Bắc Trung Quốc cũng tuyên bố lập nhà nước riêng. Sử cũ gọi là nước Tiền Yên.
Sau khi Tây Tấn sụp đổ, các tướng trung thành lập Tư Mã Duệ lên ngôi lấy hiệu là Tấn Nguyên Đế, thành lập Đông Tấn, cố thủ ở vùng Giang Nam. Đông Tấn cùng các nước do người dân tộc thiểu số cai trị tiếp tục phân tranh, tạo ra một thời kỳ lịch sử đầy biến động trong lịch sử Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.