Ai đã hủy hoại Ukraine? - Ảnh 1.

Ai đã hủy hoại Ukraine? - Ảnh 2.

Cờ Ukraine trên cột cờ cao nhất của đất nước này và tượng đài "Tổ quốc" khổng lồ tại một khu bảo tàng Thế chiến II ở Kiev, Ukraine ngày 16/12. Ảnh AP.

Theo National Interest, Ukraine đang ra sức kêu gọi Mỹ và NATO can thiệp, bảo vệ nước này trước các mối đe dọa từ Nga bất chấp Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng nước này không có ý định tấn công bất cứ ai và không có kế hoạch gây hấn.

Động thái của Ukraine dễ dàng khiến nhiều người bỏ qua một thực tế rằng, cách thức ngoại giao của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tạo tiền đề cho sự bất ổn của Ukraine và xung đột kéo dài gần 8 năm qua ở vùng Donbass của nước này.

Bởi những đòi hỏi thái quá trong các cuộc đàm phán với Ukraine, các nhà ngoại giao ở Brussels, được Washington hỗ trợ đã trao cho Nga cơ hội vàng để lấy lại Crimea và khiến Ukraine bất ổn.

Nếu không vì những yêu cầu đàm phán quá mức của Brussels, thì sự bất ổn của Ukraine, cùng với tất cả những hậu quả tiêu cực xảy ra sau đó - đã có thể tránh được.

Mặc dù sau đó Ukraine đã ký được quy chế liên kết của EU, nhưng nước này đã phải trả một cái giá quá đắt: Mất Crimea, nội chiến bế tắc ở Donbass và 14.000 sinh mạng đã mất đi vì xung đột, chiến tranh.

Câu chuyện thực sự bắt đầu với Yanukovych, một người dân tộc Nga, được bầu làm tổng thống Ukraine vào năm 2010 - chủ yếu là từ các khu vực nói tiếng Nga, Donbass và Crimea.

Ai đã hủy hoại Ukraine? - Ảnh 3.

Chân dung Viktor Yanukovych. Ảnh Reuters.

Thời điểm đó, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu đánh giá rằng “cuộc bỏ phiếu đáp ứng hầu hết các tiêu chuẩn quốc tế về bầu cử dân chủ và tiến bộ".

Sau khi đắc cử, thách thức của tân Tổng thống là phải đàm phán về việc Ukraine trở thành thành viên EU, đồng thời đối phó với áp lực ngày càng nặng nề từ Nga (Nga không muốn Ukraine gia nhập EU). Moscow đã mở cuộc chiến thương mại chống lại Ukraine vào năm 2013.

Khi Tổng thống Putin đến thăm Kiev vào tháng 7/2013, nhà lãnh đạo Nga thậm chí còn không nói chuyện với ông Yanukovych khi hai người đứng cạnh nhau trong các buổi lễ chính thức.

Bất chấp áp lực từ Nga, trong các bài phát biểu trước công chúng vào thời điểm đó, ông Yanukovych vẫn khẳng định quyết tâm của Ukraine để theo đuổi tư cách thành viên EU, đồng thời ban hành các cải cách tư pháp và quản trị gây tranh cãi trong nước theo yêu cầu của Brussels.

Nhưng Tổng thống Yanukovych lại bị Brussels gây áp lực để bỏ truy tố hình sự cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko.

Thậm chí, thời điểm năm 2013, Brussels đã nhất quyết yêu cầu chính quyền Yanukovych thả Tymoshenko để bà ra nước ngoài chữa bệnh.

Yêu cầu đó hóa ra lại là "một viên thuốc độc" cực mạnh khiến chính trị nội bộ Ukraine rối loạn.

Ukraine bắt đầu mất ổn định nghiêm trọng. Vào ngày 21/11/2013, Quốc hội Ukraine đã không thông qua yêu cầu trả tự do cho Tymoshenko để điều trị y tế, có nghĩa là đòi hỏi của EU không được Ukraine đáp ứng.

Cùng lúc đó, chính quyền Yanukovych đối mặt thêm với sức ép khi các cuộc biểu tình Maidan nổ ra, được truyền thông phương Tây đưa tin rộng rãi.

Hàng nghìn người đã xuống đường ở thủ đô Kiev phản đối dữ dội bất kỳ sự thoái lui nào của chính phủ để hoàn tất thỏa thuận liên kết EU và kêu gọi cải cách để có nền dân chủ kiểu phương Tây đầy đủ.

Đến ngày 26/11/2013, những rạn nứt trong quyết tâm của Tổng thống Yanukovych để thúc đẩy tiến trình hợp tác với Brussels bắt đầu xuất hiện.

Ông Yanukovych đã không ký thỏa thuận liên kết tại hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tháng 11 năm đó vì áp lực từ Nga. 

Thừa nhận rằng Nga đã yêu cầu Ukraine hoãn ký kết thỏa thuận, ông Yanukovych đề nghị EU đàm phán thêm về các điều khoản của thỏa thuận, yêu cầu EU bồi thường thỏa đáng cho Ukraine để bù đắp những chi phí thương mại bị mất đi với Nga nếu Ukraine tiếp tục hướng về Brussels.

Chính quyền Yanukovych cũng yêu cầu các cuộc đàm phán 3 bên giữa Ukraine, Nga và EU để cố gắng giải quyết về mặt ngoại giao tất cả các vấn đề và tranh cãi còn tồn tại.

Nhưng EU lại từ chối tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán 3 bên nào và thay vào đó yêu cầu ông Yanukovych ký ngay thỏa thuận.

Từ thời điểm này trở đi, Ukraine bắt đầu chìm vào hỗn loạn và rạn nứt. Phong trào biểu tình ở Quảng trường Maidan ngày càng sôi nổi khi Mỹ công khai thổi bùng ngọn lửa phản đối Yanukovych.

Thời điểm đó, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu đã công khai xuất hiện trên Quảng trường Maidan cùng với đại sứ Mỹ tại Ukraine để khuyến khích, cổ vũ người biểu tình bất chấp Điều 41 của Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao yêu cầu các nhà ngoại giao “không can thiệp vào... công việc nội bộ” của quốc gia khác.

img
img
img

Phong trào biểu tình Maidan ở Ukraine cuối năm 2013 đầu năm 2014. Ảnh IT

Biểu tình sau đó dẫn đến các cuộc đụng độ mất kiểm soát giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động khiến hơn 130 người chết, trong đó có 18 cảnh sát.

Ukraine có thể sẽ yên ổn hơn nếu nước này chưa bao giờ bắt đầu đàm phán quy chế liên kết với EU"

Ramon Marks, nhà bình luận chính trị cho National Interest nêu quan điểm.

Vào ngày 22/2/2014, ông Yanukovych bỏ trốn khỏi Kiev khi đám đông người biểu tình giận dữ xông vào lục soát nơi ở chính thức của ông. Cùng ngày, Quốc hội Ukraine miễn nhiệm quyền tổng thống của Yanukovych, tuyên bố rằng ông đã từ bỏ quyền lực và “không hoàn thành nghĩa vụ của mình”.

Quốc hội ấn định cuộc bầu cử tổng thống mới vào ngày 25/5/2014 và một chính phủ lâm thời được thành lập. Cuối cùng, Ukraine "cúi đầu" trước yêu sách của EU, chính phủ lâm thời quyết định thả bà Tymoshenko.

Nga đã phản đối mạnh mẽ vụ lật đổ Tổng thống Yanukovych. Đồng thời, các cuộc biểu tình ủng hộ Nga nổ ra ở Sevastopol, Crimea - nơi đa số là người gốc Nga sinh sống. Những gì diễn ra sau đó là Crimea được sáp nhập vào Nga, còn Donbass thì chìm trong xung đột đến nay vẫn chưa kết thúc.

Ai đã hủy hoại Ukraine? - Ảnh 6.

img
img

Ảnh trái các quân nhân Ukraine trong chiến hào gần thị trấn New York (Novhorodske) ở vùng Donetsk, Ukraine ngày 17/12. Ảnh phải: Cư dân tập trung bên ngoài một cửa hàng ở ngôi làng Alexandrovka (Oleksandrivka), vùng Donetsk, Ukraine vào ngày 18/12.

Theo Ramon Marks, cựu luật sư quốc tế ở New York, hiện là nhà bình luận chính trị cho National Interest, Washington và Brussels lẽ ra nên cân nhắc rằng, việc thay đổi hiện trạng - bằng cách đưa Ukraine vào quy chế liên kết EU, kết hợp với cam kết sẽ kết nạp nước này làm thành viên NATO - có thể gây ra phản ứng cực đoan từ Nga.

Liên minh châu Âu, với sự hỗ trợ của Mỹ đã chơi quá tay, dẫn đến một thất bại ngoại giao gây ra sự bất định trong khu vực.

Theo Ramon Marks, hiện không quá muộn để phương Tây xem xét một cách tiếp cận ngoại giao cân bằng hơn để khôi phục tình hình ổn định hơn cho Ukraine. NATO không có lựa chọn quân sự thực tế nào để bảo vệ Ukraine (nếu Nga tấn công), thậm chí các nước đồng minh NATO ở châu Âu lẫn Mỹ cũng không có khả năng hoặc ý định để làm điều đó.

Việc Nga tập trung một lượng lớn binh sĩ cùng xe tăng, tên lửa ở biên giới phía tây giáp Ukraine những tuần qua đã thổi bùng lên nỗi lo sợ về một cuộc chiến lớn hơn ở Ukraine, thậm chí lan ra ngoài Ukraine.

Không ai biết ý định cũng như kế hoạch hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin là gì.

Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh NATO cáo buộc Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Ukraine - điều Moscow kịch liệt phủ nhận.

Ông Richard N. Haass, chuyên gia Viện Chính sách Chiến lược Australia cho rằng, những gì đang diễn ra ở biên giới Ukraine gợi nhớ ký ức về căng thẳng Iraq - Kuwait năm 1990.

Vào tháng 7 năm đó, Tổng thống Iraq Saddam Hussein bố trí lực lượng quân sự khá lớn dọc biên giới với Kuwait mà không ai lúc đó biết ý định thực sự của ông Hussein là gì.

Tổng thống Mỹ George H.W. Bush được trấn an là không nên phản ứng thái quá và rằng đây chỉ là tính toán của Hussein nhằm buộc Kuwait tăng giá dầu, qua đó giúp Baghdad phục hồi và xây dựng lại sức mạnh quân sự sau cuộc chiến tranh kéo dài với Iran.

Nhưng tới đầu tháng 8, Iraq bất ngờ tấn công Kuwait, buộc Mỹ phải phản ứng bằng cách thành lập một liên minh quốc tế lớn để đẩy lùi lực lượng của Hussein.

Tuy nhiên, ông Haass và nhiều nhà phân tích quốc tế khác cho rằng, kịch bản tương tự sẽ không lặp lại đối với Nga-Ukraine.

"Nếu có hành động quân sự với Ukraine, Nga sẽ đối mặt nguy cơ bị áp các lệnh trừng phạt có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế vốn phụ thuộc vào năng lượng của nước này", ông Haass cho hay.

Bản thân Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã nhanh chóng cảnh báo Nga sẽ phải trả cái giá rất đắt và thậm chí gửi cho Nga một danh sách các lệnh trừng phạt nặng nề Mỹ "chưa từng áp đặt trước đây" với Nga nếu nước này tấn công Ukraine.

Ai đã hủy hoại Ukraine? - Ảnh 8.

Mỹ đã cảnh báo Nga về những đòn trừng phạt kinh tế nặng nề chưa từng được áp dụng trước đây nếu nước này tấn công Ukraine. Ảnh WJS.

Theo ông Marks, Brussels, Moscow, Washington và Kiev cần đàm phán nhằm tìm cách cho phép các quan hệ thương mại cùng có lợi giữa các bên để phát triển thịnh vượng; để mang lại hòa bình cho Donbass.

Lần này, Brussels không nên ngạo mạn từ chối đàm phán theo quy trình ba hoặc bốn bên giữa tất cả các bên liên quan.

Theo Marks, Ukraine có thể sẽ yên ổn hơn nếu nước này chưa bao giờ bắt đầu đàm phán quy chế liên kết với EU, nhưng ông tin rằng vẫn còn đủ thời gian để tiến hành các biện pháp ngoại giao hiệu quả hơn trước khi một cuộc chiến thực sự nổ ra.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem