Sau các bài viết của báo điện tử Dân Việt phản ánh về dự án chỉnh trang tuyến đường Quang Trung trồng cây dưới lòng đường ở TP.Uông Bí, người dân cũng như nhiều chuyên gia về lĩnh vực giao thông và quy hoạch đô thị đặt câu hỏi vậy ý tưởng này do ai nghĩ ra?
Nhiều hố trồng cây dưới lòng đường đã chờ sẵn để trồng cây vào.
Để trả lời câu hỏi này, PV Báo điện tử Dân Việt đã trao đổi với ông Đinh Quang Nguyên - Giám đốc công ty cổ phần xây dựng Đại Việt, đơn vị tư vấn thiết kế dự án.
Ông Đinh Quang Nguyên cho biết, Công ty được Thành phố Uông Bí mời làm tư vấn thiết kế dự án từ những ngày đầu tháng 3.2018. Để ra thiết kế cuối cùng đã phải có rất nhiều cuộc họp, điều chỉnh của lãnh đạo thành phố và các phòng ban chuyên môn.
“Ban đầu lãnh đạo Thành phố Uông Bí chỉ yêu cầu làm thế nào để thiết kế vỉa hè tạo chỗ để xe cho phù hợp, đột phá và tạo cảnh quan. Từ những yêu cầu đó, chúng tôi đã thiết kế sơ bộ từ tháng 3.2018. Đến cuối tháng 7.2018, sau hàng chục cuộc họp, điều chỉnh mới chính thức có bản thiết kế hoàn chỉnh để trình thẩm định Sở Xây dựng. Ý tưởng không của riêng cá nhân nào nhưng người quyết định phê duyệt thiết kế là ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP.Uông Bí”, ông Nguyên nói.
Theo nguồn tin của Dân Việt, đầu tháng 8.2018, khi UBND TP.Uông Bí trình thiết kế dự án này đã bị Sở Xây dựng Quảng Ninh trả về để điều chỉnh lại. Sau đó đến này 29.8.2018 Sở Xây dựng Quảng Ninh mới chấp thuận bằng văn bản số 396/TĐ-SXD.
Tuy nhiên trong văn bản này Sở Xây dựng không có ý kiến gì về việc các cây trồng dưới lòng đường và việc thu gọn vỉa hè để làm chỗ đỗ xe.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch nhận định, có thể do không có quy chuẩn nào về việc thu hẹp vỉa hè, trồng cây ra lòng đường nên Sở Xây dựng Quảng Ninh mới bỏ qua việc này.
Trước đó trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng TP.Uông Bí cho biết, ý tưởng của việc thu gọn vỉa hè, trồng cây ra lòng đường xuất phát từ nhu cầu đỗ xe của người dân.
"Nhiều nước trên thế giới họ đã thực hiện việc thu gọn vỉa hè để tạo không gian đỗ ô tô, xe máy. Mặc dù chưa tiền lệ nhưng chúng tôi vẫn tin rằng việc trồng cây như vậy để tạo không gian đỗ xe là ý tưởng hay và sau này sẽ nhân rộng trên cả nước" - ông Hùng nói.
Ý tưởng trồng cây xuống lòng đường không của riêng cá nhân nào nhưng người phê duyệt thiết kế là ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND.Uông Bí.
Ông Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công của Dự án “Chỉnh trang tuyến phố đường Quang Trung từ cầu sông Sinh đến sông Uông tại phường Quang Trung, TP.Uông Bí” đã được Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh thẩm định. Sau khi thi công xong, Thành phố sẽ lắp đặt các ghế ngồi xung quanh các gốc cây để người dân đi bộ có thể ngồi nghỉ ở đó.
Trong khi đó, ông Mai Diễn - nguyên Viện phó Viện Quy hoạch và Thiết kế Xây dựng Quảng Ninh lại cho rằng, trong suốt nhiều năm làm công tác quy hoạch chưa bao giờ ông thấy có công trình giao thông nào trồng mới cây ở lòng đường như vậy.
Phải mất hơn 4 tháng mới ra được thiết kế cuối cùng của tuyến đường Quang Trung.
“Đây là lần đầu tiên tôi thấy có một con đường được làm như thế này. Việc thu gọn vỉa hè và trồng cây ra ngoài lòng đường để tạo không gian đỗ ô tô, xe máy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Xét về mặt kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, thiết kế đường đô thị thì lại sai hoàn toàn. Không biết chủ đầu tư đã tính đến việc những cây xanh này to lên và ngả ra đường hoặc khi có bão phải chằng chống gốc cây bằng các cây gỗ sẽ cản trở giao thông hay chưa”, ông Diễn nói.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin hàng trăm cây xanh vừa được trồng mới dọc tuyến phố lại nằm dưới lòng đường ở TP Uông Bí. Thậm chí, có những cây được trồng nằm cách mép vỉa hè đến vài mét.
Người dân ở đây cho biết, trước đây vỉa hè tuyến phố này rất rộng, cây xanh đều được trồng trên vỉa hè. Giờ đơn vị thi công cắt vỉa hè để mở rộng đường, cây xanh lại trồng xuống lòng đường thế này rất nguy hiểm. Nhiều người không quen đi ban đêm rất dễ đâm vào gốc cây.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Ninh, việc trồng cây dưới lòng đường như thế này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đối với các phương tiện giao thông lưu thông trên tuyến đường này. Để đảm bảo an toàn, đơn vị thi công phải xây dựng các rào chắn bằng sắt ở vị trí các gốc cây để phân tách với lòng đường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.