Những ngày gần đây, dư luận đang hoang mang tột độ vì chỉ trong vài ngày trên địa bàn cả nước xảy ra tới 4 vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng ở Tiền Giang, Đồng Nai, Điện Biên và Hưng Yên.
Sau những vụ việc này, nhiều người dấy lên lo ngại về tình hình an ninh trật tự ở một số nơi. Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa và giải pháp để giải quyết là gì?
Hiện trường vụ thảm sát ở Điện Biên.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Chuyên gia tội phạm học cho rằng, những vụ thảm án bên cạnh việc khiến dư luận hoang mang còn đang gióng lên một hồi chuôn phản ánh sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi đạo đức của các đối tượng gây án.
"Nhưng vì những việc này mà vội vàng nhận định, chúng ta đang phải sống trong một xã hội bất an là chưa chính xác" - ông Thìn nói.
Theo ông Thìn, xét về tổng thể, có thể thấy các vụ thảm án tăng lên hàng năm cho thấy tính chất hoạt động của tội phạm đang trở nên rất nghiêm trọng.
Đặc biệt, nhiều vụ án, nạn nhân chính là người thân trong gia đình, là người yêu, là trẻ vị thành niên, còn phương thức gây án của hung thủ hết sức tàn nhẫn. Điều đáng lo ngại là nhiều hung thủ tuổi đời còn rất trẻ.
Nói về gốc rễ của vấn đề, ông Thìn cho rằng, có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu chung lại, sẽ có ba nguyên nhân chính đó là môi trường giáo dục, môi trường gia đình và môi trường xã hội.
“Một số vụ án nổi lên những ngày gần đây, chúng ta có thể thấy một vấn đề mang tính rõ nét nhất là các đối tượng gây án đều có nền tảng học vấn thấp và nhận thức rất kém về mặt pháp luật.
Nếu họ biết, hành động như vậy sẽ bị xử phạt, trả giá không chỉ họ mà cả gia đình cũng phải chịu hậu quả, họ sẽ không làm như vậy. Những người phạm tội có tâm lý rất yếu”, Chuyên gia Đỗ Cảnh Thìn chia sẻ.
Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Chuyên gia tội phạm học.
Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, nhìn từ các vụ thảm án, có thể thấy quan hệ giữa các đối tượng và nạn nhân đều rất phức tạp và tiềm ẩn những mâu thuẫn lớn. Khi những xung đột tích tụ, dồn nén lâu ngày, khi có điều kiện rất dễ dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
"Như vụ Điện Biên chẳng hạn, hung thủ và nạn nhân có mâu thuẫn từ trước (nạn nhân nợ tiền hung thủ), hai bên không tự giải quyết được, bị dồn nén quá lâu nên mới xảy ra sự việc đau lòng. Bản thân hung thủ cũng là thành phần bất cần khi đã có tiền án, tiền sự", ông Thìn lấy ví dụ.
Một nguyên nhân nữa, theo ông Thìn, công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nên có những mâu thuẫn xảy ra trong nhiều năm mà chính quyền không biết, hoặc biết mà không giải quyết được.
Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống hiện nay tác động vào xã hội, vào mỗi con người rất quyết liệt. Sức ép về việc làm, về mưu sinh, tranh chấp, tiền bạc... cũng chi phối giá trị sống của một bộ phận người dân, dẫn đến lối sống thực dụng, ích kỷ, vô cảm.
Để giải quyết “bài toán” này cần phải giải quyết từ gốc rễ của vấn đề đó chính là môi trường sống của các đối tượng phạm tội. Nếu môi trường tốt, lành mạnh, phù hợp với tâm lý, tệ nạn sẽ được đẩy lùi.
Ông Thìn cũng cho rằng, trong thời gian sắp tới, giải pháp chiến lược là phải xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, khơi dậy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đấu tranh, bài trừ, hạn chế những hiện tượng tiêu cực, những xu hướng, biểu hiện lệch chuẩn.
Phải chú trọng vai trò của gia đình, của nhà trường và cộng đồng dân cư là hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn sự hình thành những kiểu tội phạm mới. Thêm nữa chính quyền địa phương cũng phải thường xuyên nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân, nếu phát hiện mâu thuẫn phải sớm giải quyết, hòa giải.
Trong khi đó, khi trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đề xuất cần phải thực hiện một cuộc điều tra xã hội học, phải nghiên cứu một đề tài khoa học pháp lý mới có thể có một kết luận được một nguyên nhân chính xác nhất về tình trạng trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.