Clip: Ruộng bị đất đá tràn xuống do phá tuyến mở đường Ngạm Khét (Cao Thượng) - Bản Cám (Nam Mẫu).
Phản ánh đến Dân Việt, ông Hoàng Văn Hợi (thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể) cho biết, đã gần 5 năm nay, gia đình ông luôn trong tình trạng gạo không đủ ăn do ruộng bị đất đá từ công trình thi công đường đoạn Ngạm Khét - Bản Cám tràn xuống không thể canh tác.
Đường Ngạm Khét (Cao Thượng) - Bản Cám (Nam Mẫu) sau khi phá tuyến, đất đá theo mưa tràn xuống cánh đồng Nà Tổng phía dưới taluy âm.
Ông Hoàng Văn Hợi đã nhiều lần đơn thư nhưng vẫn không được giải quyết triệt để.
Dù ông Hợi đã nhiều lần đơn thư, khiếu nại lên các cấp nhưng đến nay tình trạng đất đá tràn xuống ruộng của gia đình ông vẫn không được khắc phục, thậm chí ngày càng bị vùi lấp nhiều hơn.
Còn anh Hoàng Văn Thiều (con trai Hoàng Văn Hợi) được cha chia cho hơn 4000m2 đất ruộng 5 năm nay cũng đành cắn răng, rớt nước mắt mà bỏ hoang. Dẫn PV Dân Việt lên thửa ruộng hơn 4000m2 lổn nhổn đá với bạt ngàn cỏ dại của mình tại khu Nà Tổng, anh Thiều không cầm được nước mắt.
"Nghề phụ không có, mấy miệng ăn bám víu, trông chờ cả vào mấy đám ruộng này. Nhưng từ khi phá tuyến mở đường, ruộng nhà mình đá thay bùn, cỏ dại thay lúa, 5 năm nay không canh tác được gì nên khi nào cũng trong tình trạng thiếu gạo", anh Thiều bảo.
Đất đá thay bùn, cỏ dại mọc thay lúa sau khi đơn vị thi công thực hiện phá tuyến đường Ngạm Khét - Bản Cám.
Ghi nhận của PV Dân Việt, vạt đất dài, rộng được anh Thiều cho là ruộng của mình nằm phía dưới phần taluy âm của đường Ngạm Khét - Bản Cám hiện có nơi cỏ dại ngập lút đầu người, phía đơn vị thi công có đắp một đê nhỏ song đất đá vẫn tràn xuống. Phía taluy dương có một con mương, tuy nhiên điểm cuối của con mương này gần như xả chính giữa vệt ruộng của anh Hoàng Văn Thiều.
“Đất đá mỗi khi mưa theo con nước ào ào xối xuống ruộng, hiện có đến hơn 7000m2 bị vùi lấp rồi, trong đó ruộng mình đã hơn 4000m2, đến giờ đã bỏ hoang mất 10 vụ, không thấy đơn vị thi công đền bù gì. Giờ tôi rất cần đơn vị thi công trả lại mặt bằng để canh tác", anh Thiều rơm rơm nước mắt.
“Ruộng có nhưng không làm được thì đành lên rừng chặt gỗ chứ biết nghề gì khác để làm đâu. Còn nuôi con, còn bố mẹ già nữa, không đủ ăn chắc cũng phải làm liều”, anh Thiều nghẹn giọng.
Ngoài ruộng của anh Hoàng Văn Thiều, ruộng của ông Hoàng Văn Luân, Hoàng Văn Cương cùng trên cánh đồng Nà Tổng cũng bị đất đá vùi lấp, nhiều phần diện tích phải bỏ hoang. Ngay phía cuối cánh đồng là bản người Mông Ngạm Khét (xã Cao Thượng, huyện Ba Bể), cũng trong tình trạng tương tự.
Ruộng của anh Ngô Văn Cau (thôn Ngạm Khét) bị đất đá tràn gần như kín ruộng.
Anh Ngô Văn Cau (thôn Ngạm Khét) bức xúc: "Ruộng nhà tôi trước đó đã bị đất đá từ trên đường tràn xuống, tôi phải hì hục khuôn đất đá đi, thậm chí bỏ tiền thuê máy về múc lại, ấy nhưng lúa mới lên chưa đầy gang tay, mưa một trận to, đất đá lại lấp kín ruộng rồi".
Đất đá tràn xuống không chỉ khiến ruộng, nương thành bãi hoang, mà còn khiến người dân không dám ngủ, có nhà còn phải chạy trong đêm. Ông Giàng Văn Huy, Bí thư chi bộ thôn Ngạm Khét cho biết, trước nguy cơ sạt trượt gây nguy hiểm đến nhà cửa và tính mạng người dân trong bản, ông đã gọi điện cho cán bộ xã đề nghị xuống kiểm tra.
“Tôi phải trực tiếp đến tận xã đề nghị với Chủ tịch UBND xã, ông Chủ tịch mới yêu cầu cán bộ xuống thăm nắm tình hình tại thôn”, ông Huy cho biết thêm.
Khu vực nối giữa nhà ông Giàng Văn Huy sang nhà ông Hoàng Văn Cau có một vạt đất lở sâu, phía trên bụi chuối, trước có một hộ dân ở đó, hộ này cách đây vài tháng đã phải dọn nhà trong đêm.
Ông Huy cho biết thêm, có hộ dân trong thôn phải dọn nhà, ôm chăn chạy trong đêm mưa do nguy cơ đá lăn và sạt trượt. Trước đó, chính gia đình ông Huy cũng bị một hộc đá lớn lăn xuống làm gãy giường, may không thiệt hại về người.
Theo ông Huy, xảy ra hiện tượng này là do đơn vị thi công xả đất đá trực tiếp xuống phần taluy âm, cống thoát nước thì lại quá nhỏ khiến nước mang theo đất đá tràn qua, xối xuống bản.
“Người dân ở đây chỉ mong đơn vị thi công khắc phục việc đất đá tràn xuống ruộng cũng như có phương án để đảm bảo an toàn cho người dân thôi”, ông Huy nói.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Công trình đường Ngạm Khét (Cao Thượng) - Bản Cám (Nam Mẫu) được UBND huyện Ba Bể phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật ngày 25/10/2013.
Đây là tuyến đường xây dựng mới, do UBND huyện Ba Bể làm chủ đầu tư.
Địa điểm xây dựng tại xã Cao Thượng và xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể.
Nguồn vốn đầu tư: Chương trình 30a với tổng mức đầu tư gần 9 tỉ đồng, thời gian thực hiện năm 2014-2015.
Đơn vị thi công: Công ty TNHH Anh Vấn.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.