Đó là chia sẻ của luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, Hà Nội) với bạn đọc Dân Việt.
Luật sư Hà cho biết: Trên thực tiễn chúng ta đã gặp rất nhiều trường hợp lợi dụng mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ người khác. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự thiếu hiểu biết pháp luật. Có người coi nói xấu một ai đó rồi tung lên mạng “như một trò tiêu khiển”; có người vì thù hằn cá nhân, vì bức xúc với người khác cũng nói xấu rồi tung lên mạng…
Họ cứ nghĩ đơn giản giống như hai người cãi, chửi nhau ở giữa đường, giữa chợ mà không biết rằng việc nói xấu người khác rồi tung lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng có trường hợp biết việc nói xấu người khác trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật nhưng cố tình thực hiện…
Ảnh minh họa. Nguồn IT
Có thể bị tù đến 7 năm
Luật sư nói việc nói xấu người khác trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm quy định gì?
Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được quy định tại Điều 34, Bộ luật Dân sự 2015, theo đó: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ"; "Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình…”
Điểm d, e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, nghiêm cấm các hành vi: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”; “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Vậy người nói xấu người khác trên mạng xã hội bị xử lý thế nào, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, Hà Nội).
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hành chính: Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 và điểm g, khoản 3, Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ở mức độ nào thì hành vi nói xấu người khác trên mạng xã hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thưa luật sư?
Những hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác một cách nghiêm trọng thì có thể cấu thành “tội làm nhục người khác” ”; “tội vu khống” theo quy định tại Điều 121, Điều 122 Bộ luật Hình sự 1999.Cụ thể:Điều 121. “Tội làm nhục người khác” quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội nhiều lần hoặc phạm tội đối với nhiều người… thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”Điều 122. “Tội vu khống” quy định: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội có tổ chức hoặc đối với nhiều người… thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Có thể có nhiều cách vận dụng khác nhau khi xét xử
Ảnh minh họa. Nguồn IT
Chế tài xử lý đã có, nhưng theo luật sư, vì sao tình trạng nói xấu người khác trên mạng xã hội vẫn xảy ra?
Việc này có rất nhiều nguyên nhân, ngoài một số nguyên nhân như tôi đã nói trên thì còn có nguyên nhân từ vấn đề pháp lý, kỹ thuật …
Trước hết về vấn đề pháp lý: Pháp luật hiện nay chưa định lượng được mức độ nào bị coi là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự. Trong khi đó theo quy định thì người bị hại phải là người bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự".
Nhưng thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng là một vấn đề khá phức tạp. Có người chỉ vì một vài câu nói xúc phạm mà mất ăn, mất ngủ thì coi việc đó là nghiêm trọng; nhưng có người lại coi đó là “chuyện vặt”… bởi vậy rất khó khăn trong việc xử lý của cơ quan pháp luật và không tránh khỏi cách vận dụng khác nhau khi xét xử - Đó là một thực tiễn.
Tuy nhiên từ niềm tin nội tâm, trên cơ sở quy định của pháp luật, phong tục tập quán, dư luận xã hội… thẩm phán sẽ cân nhắc để đánh giá được rằng ở mức độ nào thì bị coi là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự.
Về mặt kỹ thuật: Trên thực tế việc quản lý không gian mạng là rất khó khăn, và để có thể xử lý được hành vi vi vi phạm thì trước hết phải xác định được chủ nhân của tài khoản có hành vi vi phạm đó. Và để làm được việc này sẽ tốn khá nhiều công sức.
Tuy nhiên tôi cho rằng, tình trạng nói xấu người khác trên mạng xã hội hiện nay rất đáng báo động. Do đó các cơ quan chức năng cần phải quyết tâm, xử lý thật nghiêm khắc một số trường hợp vi phạm để làm bài học răn đe thì mới ngăn ngừa được tình trạng này.
Trân trọng cảm ơn luật sư!
>>> XEM THÊM: Bình luận "sếp" trên Facebook thế nào thì không phạm luật?
Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tiếp nhận các thông tin phản ánh của bạn đọc thông qua số điện thoại đường dây nóng: 0985. 523. 229 hoặc địa chỉ email: tiengdanntnn@gmail.com. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.