Theo quan niệm dân gian Lễ cúng ông Công ông Táo tốt nhất là trong khoảng thời gian tối ngày 22 và sáng ngày 23 tháng Chạp. Lễ cúng nên tiến hành trước khi hết giờ Ngọ (từ 11 giờ – 13 giờ), đây được coi là thời điểm các thần quy tụ để chuẩn bị chầu trời.
Lễ vật cần thiết khi cúng ông Công, ông Táo.
Nơi đặt đồ lễ
Mâm lễ cúng Táo quân có thể đặt trên một cái bàn nhỏ, dưới ban thờ gia tiên hoặc ban thờ Táo quân trong bếp nhưng tuyệt nhiên không được để ở ban thờ Phật. Ngoài ra, có thể đặt mâm lễ Táo quân ở ngoài trời. Nơi đặt đồ lễ cần được dọn dẹp sạch sẽ, bày biện ngay ngắn.
Lý giải điều này, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cho hay: “Thờ cúng Táo Quân là tín ngưỡng thờ thánh, khác với tín ngưỡng thờ Phật. Do vậy các gia đình đặc biệt lưu ý đến chi tiết này để tránh nhầm lẫn”.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo
Tiếp đến mâm cỗ mặn cúng ông Táo cần chuẩn bị những thứ sau: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng, 1 con cá chép rán hoặc cá chép sống, 1 bát canh mọc hoặc canh măng, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã.
Trên Vietnamnet, giáo sư Lương Ngọc Huỳnh cho biết, ngoài cỗ, trà, hoa quả, gia chủ có thể chuẩn bị ba bộ quần áo, mũ, giày cho ba vị thần.
Gồm: 3 chiếc mũ ông công, trong đó hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà, một con ngựa bằng giấy với yên cương đầy đủ. Màu đỏ cho thần Thổ Công Táo Quân. Màu vàng cho Thổ Thần Thổ Địa. Màu trắng, hoặc màu xanh cho thần Thổ Kỳ. Vàng thuyền, vàng thỏi cho ba vị mỗi vị 99 nén. Những đồ vàng mã này sẽ được hóa (đốt đi) sau lễ cúng ông Táo.
Cá chép
Cá chép là một phương tiện chính để giúp Táo Quân có thể "vượt Vũ Môn hóa rồng" chính vì thế việc chọn mua cá chép cũng là một việc vô cùng quan trọng.
Nếu kỹ hơn, bạn có thể lật nhẹ mang cá lên để kiểm tra, nếu mang cá đỏ tươi nghĩa là đó là cá khỏe mạnh. Nếu mang cá màu đỏ thâm thì đó là con cá yếu, chỉ để một thời gian ngắn có thể chết.
Những con cá để dâng lên Táo Quân không nhất thiết phải là con cá to, miễn sao cá khỏe mạnh, không bị trầy xước, mất vảy là được. Để thử độ khỏe mạnh của cá, bạn có thể chạm nhẹ vào mặt nước chậu đựng cá, nếu thấy cá bơi nhanh, quẫy mạnh thì đó là con cá khỏe mạnh.
Sau khi mua về nhà, nên thả vào một bát nước sạch, thả thêm 1 cọng rêu nhỏ vào bát nếu mua cá trước thời gian cúng lâu. Khi cúng bát (chậu nhỏ) cá chép được để cạnh mâm cỗ cúng.
Cá chép vàng thường được chọn những con khỏe mạnh để ông Công, ông Táo chầu trời
Để tiễn ông Công ông Táo về chầu trời, ở miền Bắc người dân còn cúng cá chép sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa rồng" đưa ông Táo về trời. Cá chép sẽ được phóng sinh (thả ra ao, hồ, sông, không gian rộng, không quá ô nhiễm) sau khi cúng.
Thời gian cúng
Bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ 23 tháng Chạp các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để cúng ông Công ông Táo.
Lễ cúng nên tiến hành trước khi hết giờ Ngọ (từ 11 giờ – 13 giờ), đây được coi là thời điểm các thần quy tụ để chuẩn bị chầu trời.
Bài cúng ông Công ông Táo bằng tiếng Việt (Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin)
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại:…………
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.