Trách nhiệm thuộc về ai?
Vào khoảng 1h30 phút ngày 23.3, lửa kèm theo khói đen tỏa ra từ tầng hầm bãi xe của chung cư Carina Plaza (đường Võ Văn Kiệt, P.16, Q.8, TP.HCM). Cảnh sát có mặt dập tắt đám cháy nhưng vụ hỏa hoạn đã khiến 14 người tử vong, 60 người bị thương, hơn 100 ô tô xe máy bị cháy rụi.
Cơ quan điều tra cho biết, nguyên nhân ban đầu xuất phát từ một phương tiện dưới tầng hầm (có thể là một chiếc xe). Vào thời điểm xảy ra đám cháy, cửa ngăn tầng hầm với tầng trên có tác dụng ngăn cháy lan lên trên khi xảy ra hỏa hoạn đã bị hở do có 1 cục đá chèn vào, dẫn đến khói lan nhanh.
Chung cư nơi xảy ra vụ cháy khiến 14 người chết và nhiều người bị thương. Hàng trăm phương tiện bị hư hỏng. Ảnh: IT
Hiện công an đã thu giữ các camera và hệ thống dữ liệu của hệ thống chữa cháy tự động và báo cháy. Đồng thời lấy lời khai những người liên quan, làm việc với Ban quản lý và thu thập những hồ sơ nghiệm thu, kiểm tra định kỳ về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, đây là sự cố cháy nổ đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hậu quả xảy ra hết sức đau lòng khi có nhiều người tử vong, trong đó có các cháu nhỏ, người già.
Theo luật sư Thơm, trong vụ việc này, để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ nguyên nhân cháy nổ dẫn tới hậu quả thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Trên cơ sở kết luận giám định của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân cháy sẽ là căn cứ xử lý tương ứng theo quy định pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố điều tra và xử lý người nào có hành vi phạm tội.
Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân phát cháy từ một phương tiện dưới tầng hầm (có thể là một chiếc xe máy). Từ chiếc xe này đã cháy lan sang các phương tiện khác và cháy sang các khu chung cư phía trên. Như vậy, cần phải xác định nguyên nhân cháy nổ từ phương tiện này là hành vi có chủ ý hay không?
Lãnh đạo TP.HCM họp khẩn sau vụ cháy chung cư Carina. Ảnh: IT
Nếu có căn cứ xác định, chủ phương tiện có hành vi cố ý gây cháy nổ sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về Tội giết người và Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123 và Điều 178 BLHS 2015. Người nào phạm tội này có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, nếu đối tượng thực hiện hành vi phạm tội vì động cơ chính trị, nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân thì sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo Điều 113 BLHS 2015.
Trong trường hợp, nếu xác định nguyên nhân cháy do chập cháy điện từ hệ thống điện của tầng hầm, cần làm rõ người trực tiếp quản lý hệ thống điện của chung cư có vi phạm quy định về PCCC hay không.
Ví dụ người cán bộ được công ty giao quản lý trạm biến áp trong tòa nhà, hàng tháng phải thay thế, bảo dưỡng định kỳ thiết bị nhưng đã không thực hiện đúng nên khi có sự cố chập điện đã không tự động ngắt điện gây cháy nổ.
Nếu người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý hệ thống điện của chung cư mà không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng quy định của luật PCCC dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 313 BLHS 2015.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần xác định các quy định cụ thể nào bị vi phạm trong các văn bản pháp luật về PCCC, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.
Thiệt hại sẽ được giải quyết như thế nào?
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, đối với vụ việc này việc giải quyết bồi thường sẽ có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, trường hợp xác định người có lỗi (vô ý hay cố ý) gây cháy nổ dẫn tới thiệt hại, ngoài trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định tại các Điều 589, 590, 598 Bộ luật dân sự 2015.
Cảnh hoang tàn dưới hầm tòa chung cư. Ảnh: IT
Nếu người của pháp nhân gây ra, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Thứ hai là trường hợp cháy nổ được xác định rủi ro, căn cứ Nghị định 23/2018/NĐ-CP ngày 23.2.2018 quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, trong đó nhà chung cư; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên phải mua bảo hiểm bắt buộc.
Như vậy, nếu thiệt hại xảy ra bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật, trừ một số trường hợp cụ thể.
Điều 313 BLHS 2015 quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như sau:
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:
a) Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 2 người.
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 3 người trở lên.
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.