Chủ rừng 5 lần chặn xe than của TCty Đông Bắc vì... thất hứa?

Nhóm PV Đông Bắc Thứ tư, ngày 20/06/2018 06:00 AM (GMT+7)
Hứa hẹn khi ra than sẽ được chia lợi nhuận 50-50 nhưng lại bị "thất hứa" nên các chủ rừng nhiều lần kéo lên nơi khai thác than của Công ty TNHH MTV 397 (Tổng Công ty Đông Bắc) chặn xe để yêu cầu giải quyết thỏa đáng quyền lợi.
Bình luận 0

Clip - Chủ rừng bức xúc chặn xe than vì doanh nghiệp thất hẹn.

Liên tục nhiều ngày trong tháng 5 và đầu tháng 6.2018, hàng chục hộ dân ở các xã Hồng Thái Tây, Hoàng Quế, TX.Đông Triều đã tìm đến khai trường khai thác than lộ thiên của Công ty TNHH MTV 397 – Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc Phòng - BQP) để yêu cầu đơn vị này ngừng sản xuất.

Tại nơi khai thác, ông Lê Xuân Trường, đại diện những người dân này cho biết, họ bức xúc là vì khi thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng, Giám đốc của công ty 397 lúc đó là ông Hoàng Hữu Diễn đã hứa hẹn rất nhiều. Ông Diễn đã đề nghị người dân tạo điều kiện để Trung tâm phát triển quỹ đất TX.Đông Triều kiểm điếm sơ qua cho nhanh.

“Cứ ký kết đi, đền bù không quan trọng, đến khi than ra, sau khi trừ các khoản chi phí bốc xúc, lượng trả về Tổng Công ty Đông Bắc, còn bao nhiêu than bán ra lãi lời chia đôi 50-50. Thế nhưng đến giờ, ông Diễn đã về nghỉ hưu, phía Công ty TNHH MTV 397 lại không công nhận thỏa thuận này”, ông Trường bức xúc nói.

img

Người dân bức xúc nhiều lần chặn xe than của Công ty 397.

img

Phải có sự can thiệp của Ban Chỉ huy quân sự TX. Đông Triều sự việc mới tạm thời hạ nhiệt.

Ông Lê Xuân Trường cho biết, hơn 10 ha rừng nằm trong khu vực khai trường vỉa I35, I36 mà công ty 397 đang khai thác trước kia là đồi trồng bạch đàn, keo của gia đình trồng từ năm 2010. Sau nhiều năm, gia đình đã bỏ rất nhiều công sức, cây giống cả vùng đồi trọc mới trở khu rừng xanh tốt như vậy. Diện tích rừng này cũng đã được cấp giấy xác nhận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, vì nghe lời lãnh đạo Công ty 397 mà 15 ha rừng sản xuất, gia đình chỉ nhận về có 8,9 triệu đồng.

img

img

img

Khai trường I35, I36 đã ra than.

img

Gần 20 nghìn cây keo, bạch đàn của người dân đã bị phá hủy nhưng không được đền bù.

Ngày 19.3.2018, người dân thấy các vỉa I35, I36 đã ra than nhưng khi đến hỏi thì Công ty TNHH MTV 397 cho rằng ông Hoàng Hữu Diễn đã về nghỉ hưu, lời hứa bằng miệng của ông Diễn không có cơ sở để thực hiện. Ông Lê Xuân Trường cùng một số hộ dân đã gửi đơn kêu cứu lên UBND TX.Đông Triều.

Theo kết luận biên bản làm việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Lê Xuân Trường ngày 23.3.2018 của Hạt kiểm lâm Đông Triều và UBND xã Hoàng Quế, tại thời điểm kiểm tra hiện trường, Công ty TNHH MTV 397 đã và đang bốc xúc đất đá hết phần diện tích 12,7ha của hộ ông Lê Xuân Trường. Diện tích 12,7 ha của hộ ông Trường là đất rừng sản xuất. Toàn bộ số cây ăn quả và cây lâm nghiệp không còn tại hiện trường.

img

Những cánh rừng xanh bị phá hủy nhường chỗ cho khai trường than.

Còn theo công văn số 765/UBND về việc trả lời đơn hộ ông Lê Xuân Trường của UBND TX.Đông Triều, diện tích 1.432,4m2 của ông Lê Xuân Trường đã được Trung tâm phát triển quỹ đất TX.Đông Triều lập phương án bồi thường diện tích đất và tài sản gắn liền với đất số tiền là 8.955.000 đồng. Hộ ông Lê Xuân Trường đã đồng ý với phương án, nhận tiền bồi thường và ký cam kết đồng ý bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án từ tháng 4.2017. Phần diện tích còn lại đã được bồi thường tại Dự án cải tạo cảnh quan môi trường từ năm 2010.

Tuy nhiên, ông Lê Xuân Trường cho biết, phần diện tích đã bị thu hồi tại Dự án tạo cảnh quan môi trường năm 2010 nhưng dự án không thực hiện nên gia đình đã xin trồng cây để phủ xanh từ năm 2010 và đã có giấy chứng nhận của địa phương.

"Như vậy số cây trồng trên đất phải được đền bù chứ không thể lấy không của tôi như vậy. Còn số tiền đền bù phần diện tích 1.432,4 m2 chỉ ngang với giá trị 320 cây bạch đàn phi 10. Trong khi đó thực tế tôi đã trồng gần 20 nghìn cây bạch đàn, keo và cây dược liệu xen kẽ giờ đã bị phá bỏ không còn hiện trạng" - ông Trường nói.

img

Gần 3.000 cây bạch đàn, thông, vải... đã được kiểm đếm nhưng lại được định giá 0 đồng.

Để làm rõ vấn đề phóng viên báo điện tử Dân Việt đã có buổi làm việc với Thượng Tá Đặng Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc (BQP). Ông Dũng cũng cho biết: "Số tiền đền bù 4ha rừng sản xuất mà chỉ có chưa đầy 9 triệu như vậy chắc chắn là chưa thể hợp lý. Do đó, việc người dân nói lãnh đạo công ty 397 có thỏa thuận ăn chia cũng là có cơ sở chứ không phải là không. Tổng Công ty Đông Bắc sẽ rà soát lại các thủ tục dự án khai thác lộ thiên tại vỉa I35, I36 để làm rõ vấn đề này".

Còn theo ông Nguyễn Đức Huynh, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Thị xã Đông Triều, tại thời điểm kiểm đếm ngày 7.4.2017 cho hộ nhà ông Trường, thửa đất số 169, 165, 170/BĐ06 có gần 3.000 cây bạch đàn, thông, keo, vải... giá trị cũng hàng trăm triệu đồng. 

Tuy nhiên khi Trung tâm Phát triển quỹ đất lập phương án 0 đồng thì hộ ông Trường không có thắc mắc gì, vì cho biết đã có thỏa thuận với phía Công ty 397. Đến nay, ông Trường liên tục làm đơn kiến nghị cho rằng việc lập phương án như vậy là không đúng. "Khi có đơn của hộ dân liên qua đến việc kiểm đếm tài sản, Trung tâm có trách nhiệm rà soát và trả lời cho người dân đến khi nào người dân cảm thấy thỏa đáng thì thôi", ông Huynh nói.

Được biết, để sở hữu được diện tích rừng có các vỉa than, các chủ rừng đã phải mua lại với giá gấp hàng chục lần giá đất rừng thường. Tại sao rừng trên các vỉa than với trữ lượng lớn lại được mua đi bán lại nhiều lần, thậm chí đất rừng đã thuộc quản lý của xã nhưng vẫn để các hộ dân trồng cây lấn chiếm lên hàng chục năm? Công tác quản lý đất rừng có tài nguyên than ở Thị xã Đông Triều đang có nhiều vấn đề chưa minh bạch? Ngoài Công ty 397 thì Tổng Công ty Đông Bắc còn bao nhiêu đơn vị để có khai trường đã thỏa thuận ăn chia ngoài với các chủ rừng?

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem