Chưa phổ cập được tiếng Anh, học tiếng Trung, tiếng Nga làm gì?

Tùng Anh Thứ hai, ngày 19/09/2016 15:51 PM (GMT+7)
Thông tin về việc Bộ GDĐT sẽ đưa môn tiếng Nga, tiếng Trung vào thí điểm dạy như ngoại ngữ thứ nhất bắt đầu từ năm 2017 đã khiến không ít phụ huynh ngỡ ngàng, lo lắng..
Bình luận 0

Cụ thể, theo lộ trình Đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020, Bộ GDĐT dự kiến sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, bắt đầu thí điểm từ năm 2017.

Ngoài 2 ngôn ngữ này, một số ngôn ngữ khác cũng được đưa vào giảng dạy như ngoại ngữ thứ nhất là tiếng Nhật. Tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hàn sẽ được dạy như ngoại ngữ thứ 2 tại một số trường rồi từ từ nhân rộng lên khắp cả nước. Trong đó, tiếng Đức và tiếng Hàn sẽ bắt đầu từ năm lớp 6 và tiếng Pháp sẽ được dạy từ cấp 1.

img

Ảnh minh họa.

Sau khi nghe thông tin này, nhiều phụ huynh đã tỏ ra khá lo lắng. Chị Hoàng Thị Ánh (Phủ Cừ - Hưng Yên) đặt câu hỏi: ngôn ngữ phổ biến nhất là tiếng Anh dạy trong các trường phổ thông còn chưa đâu vào đâu, việc thí điểm các ngôn ngữ khác liệu có cần thiết?

“Con tôi học tiếng Anh từ tiểu học, đến nay đã lớp 10 rồi mà tiếng Anh nghe nói còn không ra gì, thi cử thì hầu hết cũng chỉ tập trung vào ngữ pháp. Học thêm tiếng Anh tại trung tâm và nhà thầy cô cũng không có nơi để thực hành. Như thế thì hỏi hội nhập thế nào được mà đòi học các tiếng khác? Khi nào Việt Nam được như Philippines thì hãy thêm tiếng nọ tiếng kia?” – chị Ánh bức xúc.

Trong khi đó, thầy Trần Văn Minh  - giáo viên tiếng Anh tại TP Thái Bình thì cho rằng: “Trình độ giáo viên ngoại ngữ của chúng ta hiện nay vẫn chưa đạt chuẩn. Ở nhiều nơi vẫn còn đội ngũ giáo viên cũ trước đây chuyển từ tiếng Nga sang dạy tiếng Anh. Hơn nữa, bộ môn tiếng Nga, tiếng Trung hiện nay không hiện hành trong các trường THCS, THPT... các chuyên ngành này được đào tạo ở các trường ĐH ngoại ngữ cũng không hút sinh viên vì ra trường khó xin việc vì vậy nếu thí điểm cần tự nguyện, học sinh nào thích học thì đăng ký chứ không nên ép buộc” – thầy Minh nói.

Đồng tình, chị Phạm Thị Phương (Khu đô thị Linh Đàm – Hoàng Mai – Hà Nội) hiện là phiên dịch tiếng Nga tại một phòng công chứng quận Hoàng Mai, cũng là phụ huynh đang có con học lớp 3 cho rằng: “Tiếng Nga và tiếng Trung nếu là ngoại ngữ thứ 2 thì được chứ trở thành ngoại ngữ thứ nhất, áp dụng thí điểm ngay trong năm 2017 là không nên. Tôi thạo tiếng Nga nhưng vẫn hướng con mình học tiếng Anh chứ không phải tiếng Nga. Một thế hệ tiếng Nga thời bố mẹ đã rất vất vả trong việc xin việc, tìm nơi dụng võ rồi, không thể để con mình quay lại… bước lùi ấy” – chị Phương nói.

Giải thích của Bộ GDĐT về lý do chọn tiếng Nga và tiếng Trung thí điểm là ngoại ngữ thứ nhất vào năm 2017 vì hiện nay đây đang là 1 trong 5 ngoại ngữ chính thức được giảng dạy trong trường phổ thông. Ngoài ra, nó cũng có mặt trong các môn thi tốt nghiệp THPT.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, trước mắt, đề án vẫn tập trung vào nâng cáo chất lượng môn tiếng Anh. Việc thí điểm các môn ngoại ngữ khác sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng địa phương chứ không bắt buộc.

 “Chúng ta phải chú ý đến nhu cầu học ngoại ngữ ở các địa phương và các bậc học. Bên cạnh tiếng Anh còn cần chú ý đến các ngoại ngữ khác. Một số địa phương… đang dạy cả tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nga và tiếng Pháp. Các địa phương khác có nhu cầu thì chúng ta thí điểm dần. Sau khi thí điểm xong, những trường có đủ điều kiện và nhu cầu sẽ tiếp tục duy trì cho đến các năm học tiếp theo” – ông Nhạ nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem