CSGT có được huy động người vi phạm điều tiết giao thông?

Minh Phong Chủ nhật, ngày 17/12/2017 11:30 AM (GMT+7)
Luật sư cho rằng, việc lực lượng CSGT yêu cầu người vi phạm cùng tham gia điều tiết giao thông có thể là hình thức tốt để răn đe, giáo dục người vi phạm. Tuy nhiên, người thực thi công vụ chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Bình luận 0

Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại hình ảnh CSGT TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) yêu cầu người vi phạm giao thông đứng tham gia điều tiết giao thông.

Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cũng bày tỏ sự đồng tình với cách xử phạt “sáng tạo” của lực lượng cảnh sát giao thông. Có ý kiến cũng so sánh với cách làm của lực lượng CSGT Đà Nẵng trước đây khi yêu cầu người vi phạm chép phạt quy định về lỗi vi phạm, thay vì xử phạt tiền.

img

Đôi thanh niên nam nữ cùng đứng hỗ trợ điều tiết giao thông sau khi vi phạm. Ảnh chụp màn hình.

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho rằng việc xử lý như trên có thể là một hình thức tốt để răn đe, giáo dục người vi phạm luật giao thông. “Tuy nhiên, người thực thi công vụ chỉ được làm những gì pháp luật cho phép mà trong trường hợp này pháp luật chưa cho làm như vậy” – luật sư Tuấn Anh cho hay.

Theo phân tích của ông Tuấn Anh, nếu coi đây là phương án để xử phạt người vi phạm giao thông thì hiện trong các văn bản xử phạt về vi phạm hành chính chỉ có các hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền, tạm giữ phương tiện, bằng lái chứ chưa có điều khoản nào buộc người vi phạm phải làm thay việc của lực lượng chức năng hoặc là lao động công ích.

Bên cạnh đó, trong điều kiện giao thông bình thường, việc điều tiết giao thông thuộc trách nhiệm của người thực thi công vụ. Trong trường hợp tắc đường hay tuyến đường gặp sự cố, lực lượng chức năng có thể huy động người dân tham gia phối hợp.

img

Lực lượng CSGT Đà Nẵng từng yêu cầu người vi phạm chép phạt thay vì xử phạt bằng tiền. Ảnh Tôi yêu Đà Nẵng.

Tuy nhiên, trường hợp cần trưng dụng phương tiện, huy động thêm lực lượng cần cân nhắc kỹ bởi không phải ai cũng có thể điều tiết giao thông.

Ông Tuấn Anh cho hay: “Trong thực tế, những chiến sỹ CSGT được đào tạo khi thực hiện nhiệm vụ vẫn có thể xảy ra những sơ suất. Ở nước ngoài có hình thức huy động người vi phạm giao thông làm việc công ích, nhưng phải là những việc phù hợp, chứ không phải làm thay lực lượng CSGT.

Ở nước ta chưa có hành lang pháp lý cho việc buộc lao động công ích sau khi vi phạm hành chính, nên nếu xảy ra sự việc đáng tiếc có thể dẫn đến hậu quả pháp lý cho các bên liên quan”.

Chính vì vậy, theo Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, những việc buộc người vi phạm thực hiện phải phù hợp, đảm bảo tính mạng sức khỏe cho chính những người đó và những người xung quanh. Còn những hình thức có thể gây nguy hiểm cho người bị xử phạt hay người tham gia giao thông thì cần cân nhắc cẩn thận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem