DA chung cư Đại Nam không phép: TPThái Nguyên làm ngơ cho sai phạm?

Hà Thanh Thứ ba, ngày 20/11/2018 13:37 PM (GMT+7)
Dù UBND phường Phan Đình Phùng đã lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng và chuyển toàn bộ hồ sơ lên UBND thành phố xem xét xử lý theo thẩm quyền nhưng việc xử lý vi phạm đối với dự án chung cư Đại Nam vẫn dậm chân tại chỗ hơn 4 tháng qua.
Bình luận 0

Ngày 9.10.2018, Dân Việt đã có bài viết “Dự án chung cư Đại Nam xây đến tầng 6 nhưng chưa có giấy phép”. Bài viết phản ánh về dự án khu chung cư Đại Nam do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Đại Nam làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ năm 2016 trên tổng diện tích 1.406m2. Sau hai năm triển khai xây dựng, cho đến nay đơn vị này đã cho thi công được 1 tầng hầm, 6 tầng nổi và đang chuẩn bị hoàn tất tầng thứ 7. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại chưa xuất trình được hồ sơ cấp phép xây dựng liên quan khi cơ quan chức năng yêu cầu.

Trước đó, trao đổi với Dân Việt, ông Trần Hoài Nam – Phó chánh văn phòng UBND thành phố Thái Nguyên cho biết: Vụ việc vi phạm về trật tự xây dựng của Công ty Đại Nam, UBND thành phố đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh. Tiếp đó, UBND tỉnh cũng đã có văn bản số 3595 ngày 2.10.2018 giao Sở xây dựng xem xét xử lý theo thẩm quyền. 

Khi PV đề nghị được cung cấp văn bản số 3595 ngày 2.10.2018, Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Thái Nguyên lại từ chối cung cấp văn bản này. 

img

Công trình xây dựng 6 tầng nhưng chưa có phép

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Dương – Chánh Thanh tra Sở xây dựng tỉnh Thái Nguyên lại có quan điểm trái chiều với ông Trần Hoài Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Dương, việc xử lý vi phạm đối với dự án chung cư Đại Nam là trách nhiệm của UBND thành phố Thái Nguyên. Vụ việc hoàn toàn thuộc thẩm quyền của thành phố xử lý và đúng theo quy định về trình tự thủ tục, do vậy thành phố không thể đùn đẩy trách nhiệm cho bất cứ một đơn vị nào khác.

“Tất cả mọi phát sinh về trật tự xây dựng trên địa bàn, đầu tiên chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm phát hiện, kiểm tra, nếu có sai phạm thì xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền cao hơn để xử lý. Tất cả mọi hoạt động về xây dựng kể từ khi chủ đầu tư đo đạc đến đào móng, chính quyền cơ sở phải nắm bắt được.

Do vậy đối với sai phạm của Dự án nhà ở xã hội – Chung cư Đại Nam, UBND phường Phan Đình Phùng lập biên bản là đúng và việc lập báo cáo, chuyển toàn bộ hồ sơ lên UBND thành phố Thái Nguyên xem xét xử lý hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật.

Việc ông Trần Hoài Nam – Phó chánh văn phòng UBND thành phố Thái Nguyên nói rằng sự việc đã được UBND thành phố báo cáo UBND tỉnh và tỉnh đã có văn bản chỉ đạo giao Sở Xây dựng xem xét xử lý theo thẩm quyền là chưa chính xác vì tỉnh chỉ có chỉ đạo giao Sở Xây dựng trả lời báo chí chứ không giao Sở Xây dựng xử lý sai phạm của doanh nghiệp", Chánh thanh tra Sở xây dựng tỉnh Thái Nguyên cho biết. 

Theo ông Nguyễn Văn Dương, sau khi nhận được văn bản số 1290/UBND-QLĐT ngày 18.7.2018 của UBND thành phố Thái Nguyên chuyển đến, ngày 18.9.2018 Sở đã có văn bản số 2054/SXD – TTr trả lời. Trong văn bản này, Sở Xây dựng đã nêu rõ, việc xử lý vi phạm của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Đại Nam thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Thái Nguyên. 

Tuy nhiên, sau đó UBND thành phố Thái Nguyên vẫn tiếp tục có văn bản số 1564/UBND-QLĐT ngày 5.10.2018 gửi UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi Trường, Sở Xây dựng. Với lý do Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Đại Nam có nhiều sai phạm về thủ tục đầu tư, cấp phép, đất đai… UBND thành phố chuyển báo cáo UBND tỉnh để tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kiểm tra cũng như đề xuất phương án xử lý các vi phạm của công ty này. 

img

img

Văn bản nêu rõ thẩm quyền xử lý vi phạm đối với công trình dự án Chung cư Đại Nam thuộc UBND thành phố Thái Nguyên 

Ông Nguyễn Văn Dương cho biết thêm: "Nếu Sở Xây dựng là đơn vị đầu tiên phát hiện sai phạm của chủ đầu tư thì Sở Xây dựng sẽ là đơn vị đầu tiên xử lý. Nhưng ở vụ việc này, UBND phường là đơn vị phát hiện đầu tiên và phường cũng đã thực hiện hết trách nhiệm của mình. Cụ thể sau khi phát hiện, phường đã lập biên bản, chuyển hồ sơ cho thành phố, thành phố dùng dằng không xử lý. Để đến giờ thành phố mới báo cáo tỉnh để tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng xuống kiểm tra lại. Như vậy, rõ ràng vấn đề là thành phố không xử lý kịp thời."

Theo thẩm quyền, UBND thành phố Thái Nguyên được phép xử phạt lên đến 100 triệu đồng. Tất cả các hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Đại Nam, UBND thành phố Thái Nguyên đều có thể xử lý. Về biên bản lập, nếu tổng cộng các sai phạm trên vượt quá thẩm quyền của thành phố thì thành phố báo cáo UBND tỉnh để tỉnh xử lý. 

Ngay sau buổi làm việc với Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên, P.V Dân Việt đã quay trở lại đăng ký lịch làm việc với UBND thành phố Thái Nguyên về các nội dung liên quan đến xử lý vi phạm của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Đại Nam.

Tuy nhiên đến nay, PV vẫn chưa nhận được bất cứ một câu trả lời chính thức nào từ phía UBND thành phố Thái Nguyên dù đã đăng ký lịch làm việc gần 1 tháng.

Từ ngày 22.6.2018 đến nay, đã hơn 4 tháng nhưng việc xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đối với Công ty Đại Nam vẫn chưa được giải quyết.

Trong khi đó, theo Luật xử phạt vi phạm hành chính, thời gian xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính cho đến ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tối đa không quá 7 ngày. Nếu vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, thời gian ra quyết định xử phạt không quá 1 tháng.

Phải chăng, UBND thành phố Thái Nguyên đang né tránh trả lời báo chí trước việc xử lý những sai phạm của Công ty Cổ đầu tư và xây dựng Đại Nam? 

 Báo Dân Việt sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem