Đề xuất bỏ đốt vàng mã: Thủ phủ sản xuất vàng mã có “rúng động”?

Đại Nghĩa Thứ hai, ngày 26/02/2018 13:05 PM (GMT+7)
Trước thông tin đề nghị bỏ tục đốt vàng mã, nhiều hộ gia đình tại làng Duyên Trường và Phúc Am (Thường Tín, Hà Nội) nơi được xem là thủ phủ của nghề vàng mã đang phải đối mặt với nỗi lo mất nghiệp.
Bình luận 0

Liên quan đến việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa đưa ra công văn đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Mới đây, PV Dân Việt đã có mặt tại hai làng nghề Duyên Trường và Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) để ghi nhận. Hai làng nghề này được xem là “thủ phủ” của nghề sản xuất vàng mã của miền Bắc.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoạt động sản xuất của hai ngôi làng nay vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, khi được hỏi, nhiều hộ sản xuất đã tỏ ra lo lắng nếu các đền, chùa đều thực hiện nghiêm túc. Như vậy, việc sản xuất và kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng và cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp là rất khó.

img

Bà Hòa và con gái tất bật hoàn thành nốt mấy bộ hình nhân, áo giấy để đem bán. Ảnh: ĐN

Bà Phạm Thị Hòa (54 tuổi, làng Phúc Am) cho biết, nghề sản xuất vàng mã là nghề tạo ra thu nhập chính nuôi sống cả gia đình bà suốt hơn 10 năm nay. Theo bà Hòa, vàng mã là nghề thủ công, không dùng được máy móc nên lúc nào cũng tất bật chân tay. Đặc biệt là vào những dịp lễ, Tết.

Tuy vất vả và khó làm giàu được bằng nghề nhưng đổi lại vợ chồng bà cũng lo được vừa đủ miếng cơm manh áo, gom góp được ít tiền cho 5 người con học hành nên người. Vừa làm nghề nhưng cũng vừa là tích đức, mang lại chút niềm vui trong cuộc sống.

Nói về công văn của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, bà cho biết, đến nay, việc buôn bán, sản xuất của gia đình bà vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều. “Nhưng nếu sau này nhà nước cấm hẳn đốt vàng mã thì đó thực sự  là một cú sốc với hai vợ chồng tôi, sẽ không còn cách nào để chúng tôi trang trải cuộc sống được nữa”, bà Hòa nói.

img

Gia đình nhà anh Công làm nghề sản xuất vàng mã đã 3 đời nay. Ảnh: ĐN

Chia sẻ về nghiệp phục vụ “người âm” đã 3 đời của gia đình, anh Đặng Thành Công, 40 tuổi, chủ của một trong những xưởng vàng mã lớn nhất làng Duyên Trường kể, ngày xưa, trong làng đa phần mọi người làm nghề nông. Gia đình anh là một trong những nhà sản  xuất vàng mã đầu tiên.

“Làm nghề này kiếm lời không đáng là bao, chủ yếu là để phục vụ những người đã khuất, tỏ lòng thành kính, biết ơn với tổ tông nên con cháu chúng tôi cứ thế nối nghiệp. Thấy nhà chúng tôi làm nghề có đức, gặp nhiều điềm tốt, danh tiếng vang xa, người dân trong làng mới bắt đầu học hỏi, mở rộng nghề khắp nơi”, anh Công tâm sự.

Khi được hỏi về việc nhà nước có thể sẽ cấm đốt vàng mã, người đàn ông này bộc bạch, mấy ngày nay, nghe tin tức anh thấy rất buồn, nghề vốn là truyền thống của cả làng. Làm nghề là để phục vụ thế giới tâm linh, ghi công tích đức, giờ cấm đốt vàng mã tức là phải bỏ đi cái nghiệp, có lỗi với tổ tông, ảnh hưởng đến văn hóa duy tâm lâu đời.

img

Nhiều hộ dân ở đình tại làng Duyên Trường và Phúc Am đang phải đối mặt với nỗi lo mất nghiệp. Ảnh: ĐN

“Hiện tại, có khoảng 15, 16 công nhân đang làm việc cho xưởng của gia đình tôi, họ dựa vào đó để kiếm sống đã nhiều năm nay. Nghề vàng mã vốn là nghề thủ công nên giờ nếu mất nghề thì rất khó xoay xở,  không thể chuyển hướng sang một mặt hàng nào khác được”, anh Công cho biết thêm.

Đồng tình với anh Công, anh Nguyễn Khắc Hồng, 36 tuổi, chủ một xưởng sản xuất vàng mã nhỏ ở làng Duyên Trường cũng cho rằng, nếu không ai đốt, không ai mua vàng mã thì khả năng cao là cả trăm, cả nghìn người sẽ mất nghề, làng nghề phải đóng cửa.

“Hiện nay ở huyện có khoảng gần 100 hộ sinh sống bằng nghề này, mỗi hộ lại có trung bình khoảng  6, 7 nhân công, tính ra là cả trăm, cả ngàn người. Rồi một số nơi khác như ở làng Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh cũng có rất nhiều người dựa vào nghề vàng mã để lo miếng cơm qua ngày. Giờ đùng một cái mà cấm đốt vàng mã, nói thật tương lai của chúng tôi cũng chẳng biết đi về đâu”, anh Hồng nói.

Nói về nguyện vọng của mình, anh Hồng cho biết, anh mong nhà nước sẽ không bỏ hẳn tập tục đốt vàng mã mà tìm cách khác phù hợp hơn, tạo điều kiện cho làng giữ được nghiệp tổ tông. Đồng thời cũng mong người dân đốt vàng mã có văn hóa hơn, có ý thức hơn, qua đó góp phần bảo vệ truyền thống tốt đẹp của các làng nghề làm vàng mã.

                                                                              

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem