TAND Tối cao vừa có thông báo mở phiên giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Duy Hải bị kết án về các tội giết người và cướp tài sản ở tỉnh Long An.
Cụ thể, phiên tòa do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa. Thời gian xét xử dự kiến từ ngày 6 đến 8/5. Ngoài ra, phiên xử giám đốc thẩm còn có các thành phần tham dự: Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, cơ quan tố tụng và TAND tỉnh Long An.
Bản án tuyên Hồ Duy Hải (áo trắng) tử hình về tội “giết người”, “cướp tài sản”, vừa bị Viện KSND TC kháng nghị do những thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng. (Ảnh do người nhà cung cấp).
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết, việc ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao làm chủ tọa một phiên tòa đúng là điều khá đặc biệt. Trước đây rất hiếm trường hợp đích thân Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đứng ra làm chủ tọa xét xử một vụ án.
"Theo như quy định, Chánh án Tòa án nhân dân có quyền trực tiếp chủ tọa phiên xét xử giám đốc thẩm. Tuy nhiên, ngoài việc tổ chức công tác xét xử, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao còn phải thực hiện rất nhiều công việc liên quan đến ngành Tòa án theo như quy định tại Điều 27 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, nên thông thường, việc đứng ra xét xử thường được phân cho cấp dưới thực hiện", luật sư Tuấn Anh thông tin.
Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết, đây đúng là điều khá đặc biệt, bởi trước đây rất hiếm trường hợp đích thân Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đứng ra chủ tọa xét xử một vụ án.
Theo vị luật sư, không phải chỉ có cấp Tòa án nhân dân Tối cao thì Chánh án mới làm như vậy, mà các cấp Tòa án khác, Chánh án cũng chỉ đứng ra phân công công việc trong xét xử, còn việc trực tiếp xét xử thường sẽ được thực hiện bởi các thẩm phán khác.
"Tuy nhiên, vụ án Hồ Duy Hải có thể coi là vụ án có nhiều tình tiết li kì, nghiêm trọng, có khả năng dẫn đến oan sai. Vụ án này cũng từng gây xôn xao và được dư luận hết sức quan tâm. Hơn hết, vụ án này ngoài việc đã trải qua 2 phiên xét xử sơ thẩm và cả xét xử phúc thẩm, bị cáo cũng đã bị tuyên án tử hình tại cả 2 phiên xét xử trên.
Viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao tại thời điểm đó cũng chính là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hiện giờ là ông Nguyễn Hòa Bình ký quyết định không tiến hành kháng nghị.
Sau đó, do có yêu cầu xem xét lại vụ án từ Văn phòng Chính phủ nên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành kháng nghị, qua đó vụ án mới được xét xử lại cấp giám đốc thẩm. Có lẽ, chính vì những lý do nêu trên mà đích thân Chánh án Tòa án nhân dân Nguyễn Hòa Bình đứng ra trực tiếp làm chủ tọa trong phiên xét xử giám đốc thẩm sắp tới đối với vụ án trên", vị luật sư phân tích.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa giám đốc thẩm Hồ Duy Hải là đúng thẩm quyền và phù hợp với quy định của nhà nước.
Đồng thời đây là vụ án phức tạp và có nhiều vấn đề cần phải xem xét thấu đáo, nhiều cơ quan, cá nhân, cũng như giới hành nghề luật rất quan tâm vụ án này.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định của các Tòa phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương bị kháng nghị.
Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật quy định như nêu trên, nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán nhưng không thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.
Năm 2011, ông Nguyễn Hòa Bình là Viện trưởng Viện KSND tối cao, từng ra quyết định không kháng nghị (ngày 24/10/2011) theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vì cho rằng cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội.
|
Khi xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia, do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm chủ tọa phiên tòa.
Quyết định của Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; nếu không được quá nửa số thành viên của Hội đồng toàn thể Thẩm phán tán thành phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa, Hội đồng toàn thể Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.
Phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt phiên tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành.
Theo Điều 27 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao được quy định như sau:
1. Tổ chức công tác xét xử của Tòa án nhân dân tối cao; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
2. Chủ tọa phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
3. Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án nhân dân theo quy định của luật tố tụng.
4. Trình Chủ tịch nước ý kiến của mình về trường hợp người bị kết án xin ân giảm án tử hình.
5. Chỉ đạo việc tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ.
6. Chỉ đạo việc soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; ban hành hoặc phối hợp ban hành văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền theo Luật ban hành văn bản pháp luật.
7. Trình Quốc hội phê chuẩn việc đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán các Tòa án khác.
8. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh theo quy định tại khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 36, khoản 1 Điều 42, khoản 1 Điều 43, khoản 1 Điều 47, khoản 1 Điều 48, khoản 1 Điều 60, khoản 1 Điều 61, khoản 1 Điều 62, khoản 1 Điều 63, khoản 1 Điều 64 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và các chức vụ trong Tòa án nhân dân tối cao, trừ các chức vụ thuộc thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức của Chủ tịch nước.
9. Quyết định luân chuyển, điều động, biệt phái Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 78, khoản 2 Điều 79 và khoản 2 Điều 80 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, trừ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
10. Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án quân sự quân khu và tương đương; Tòa án quân sự khu vực; quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân cấp cao và thành lập các Tòa chuyên trách khác của Tòa án nhân dân khi xét thấy cần thiết. Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao.
11. Quyết định việc tổ chức Tòa chuyên trách theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 và khoản 1 Điều 45; quy định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân theo quy định tại Điều 24, khoản 2 Điều 34, khoản 2 Điều 41, Điều 46, khoản 4 Điều 51, khoản 3 Điều 55 và khoản 3 Điều 58 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014.
12. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 6 Điều 66, khoản 3 và khoản 4 Điều 70, khoản 7 Điều 75, khoản 4 Điều 88, khoản 3 Điều 92 và khoản 3 Điều 93 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014.
13. Quyết định phân bổ biên chế, số lượng Thẩm phán, ngân sách chi cho hoạt động của các Tòa án nhân dân; quy định biên chế của các Tòa án quân sự sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
14. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện biên chế, quản lý cán bộ, quản lý và sử dụng ngân sách, cơ sở vật chất của Tòa án nhân dân.
15. Tổ chức công tác đào tạo; bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác của Tòa án nhân dân.
16. Chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước; trả lời chất vấn, kiến nghị của đại biểu Quốc hội.
17. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật tố tụng; giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.