Vừa qua, đoạn clip một nhân viên khách sạn Grand Plaza ở Trần Huy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) "đuổi" những người đi xe máy, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, đang đứng trú tạm dưới mái hiên trước sảnh tòa nhà để tránh cơn giông tố gây ra một cơn bão bất bình, cuồng nộ không kém cơn giông tố của thiên nhiên.
Chắc hẳn, xem hết clip này, nhiều người đều chung một cảm giác bất bình, uất nghẹn, khi thấy người ta cư xử với nhau như thế, trong cơn hoạn nạn đẩy nhau ra giữa trời mưa bão.
Không phải đến cơn bão ngày hôm nay mà những người đang làm việc trong khách sạn 5 sao này mới có hành vi cư xử bộc lộ sự thiếu tình người như vậy. Cách đây gần chục năm, vào những ngày cận Tết Nguyên đán 2012, những người quản lí khách sạn này cũng đã lớn tiếng xua đuổi, thậm chí quây lại, hành hung phóng viên, trong đó có phóng viên Dân Việt, khi các phóng viên tới tìm hiểu vì khách sạn này bị giăng biểu ngữ tố cáo quỵt tiền công của hàng trăm lao động Việt Nam, khiến họ không có tiền về quê ăn tết. Vụ việc này công an quận Cầu Giấy đã phải vào cuộc điều tra.
Bảo vệ khách sạn 5 sao Grand Plaza 117 Trần Huy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội, đuổi một phụ nữ và trẻ em đang đứng tránh cơn giông bão. Ảnh cắt từ clip.
Đến giờ, việc nhân viên khách sạn Grand Plaza đuổi những người tránh mưa bão ra đường lại diễn ra khi cả xã hội, tất cả các cơ quan, đơn vị và người dân khắp nơi đang gồng mình tránh bão. Hình ảnh các chiến sĩ công an, bộ đội, công chức dốc lòng hỗ trợ, giúp đỡ, đi đôn đốc người dân trú tránh bão, tương thân tương ái đã trở nên quen thuộc.
Ở miền Trung, tàu bè của bà con được các chiến sĩ chằng chống hộ, mái nhà được gia cố bằng những bao cát để tránh bay tốc. Những công sở, trường học kiên cố được chính quyền đưa người dân đến trú tránh để đảm bảo an toàn tính mạng...
Giữa lúc ấy, hành động đuổi người trú mưa giông ra khỏi sảnh khách sạn lại càng tạo sự đối nghịch, làm bùng lên cơn cuồng phong giận dữ của dư luận. Dù cũng có những ý kiến bênh vực nhân viên khách sạn, rằng họ làm theo quy định, không thì họ cũng gặp khó khăn, thậm chí mất việc...
Nhưng những ý kiến bênh vực yếu ớt ấy chỉ làm cơn bão giận dữ của dư luận bùng lên mạnh hơn, chỉ trích rằng chỉ có những con người không có tình đồng loại, dư thừa sự bạc bẽo... mới cư xử giống một con robot máu lạnh như thế.
Nếu là một lữ khách lưu trú ở khách sạn Grand Plaza này, khi xem được cảnh nhân viên lễ tân quyết đuổi phụ nữ và trẻ em ra đường lúc mưa to gió lớn như vậy, có lẽ cũng chẳng thể ngủ yên được. Khi trong phòng khách sạn hiện đại, ấm êm, được phục vụ hoàn hảo đến tận răng, nhưng ngay ngoài kia thôi, chỉ cách một lớp kính mỏng, người ta sẵn sàng đẩy một em bé, một bà mẹ yếu đuối đang gồng mình che chở con mình ra giữa trời mưa. Có lẽ, những lữ khách biết suy nghĩ sẽ chẳng còn tin tưởng để những nhân viên như thế còn cơ hội phục vụ mình lần tiếp theo nữa.
Truyền thống của dân tộc Việt là cưu mang giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Làng tôi, vùng Thuận Thành (Bắc Ninh) đã nhiều lần mở cửa đình làng đón những người dân làng khác trong cơn lũ lụt, giúp họ ăn ngủ, bảo vệ tài sản..., đến khi nào nước rút, họ về nhà mới thôi. Hay gần đây là nghĩa cử của những quán cơm nấu ăn miễn phí cho người cứu rừng ở Hà Tĩnh. Rồi năm nào cũng thấy cảnh người người nhà nhà góp tiền ủng hộ những người bị thiên tai, bão lũ...
Kinh doanh hay bất cứ làm điều gì trong cuộc sống, bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, cũng là để phục vụ cộng đồng, hướng con người tới chân thiện mỹ. Nhiều tiền, hay rất nhiều tiền, nếu không đạt được những tiêu chí này thì bất cứ thương hiệu, hay đế chế kinh doanh nào cũng sẽ không bền vững, có thể dẫn đến sụp đổ.
Vì trong một xã hội văn minh, không ai có thể chấp nhận một hành động thiếu tình người như vậy, một hành động đi ngược lại với sự nhân bản mà mỗi con người được giáo dục để sống trong thế giới này.
Khách sạn 5 sao Grand Palaza là thương hiệu của Hàn Quốc. Trong những năm qua, nhiều bạn bè Hàn Quốc đã đến Việt Nam để đầu tư kinh doanh, họ đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế của nước ta. Hàn Quốc đang nằm trong nhóm dẫn đầu về hợp tác kinh tế với Việt Nam. Người Hàn Quốc luôn được chúng ta mở rộng vòng tay chào mừng, coi họ như là một cộng đồng dân cư đáng được học tập để phát triển theo.
Tôi tin hành động vô cảm của nhân viên khách sạn hôm trước không phải là đại diện cho hình ảnh những bạn bè Hàn Quốc đến với đất nước ta. Đó chỉ đơn giản là một hành động xấu, một sự vô cảm cứng nhắc, chỉ biết hành động theo mệnh lệnh cứng nhắc đơn thuần như một con robot, mà không có sự suy xét, sự giúp đỡ nhau trong hoạn nạn.
Hành động xấu đó đã khiến khách sạn phải đón nhận một cơn bão giận dữ, chỉ trích của dư luận, như một bài học về sự tương thân tương ái, để họ hiểu rõ ràng hơn về hai chữ "lương tâm", để khi xảy ra những hoàn cảnh tương tự, họ biết ứng xử và cư xử nhân văn, có tình người hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.