Quy hoạch “phá” quy hoạch?
Ông Ngô Văn Toán chuyển về sinh sống ở khu tái định cư 2,1ha thuộc tổ 13, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm chưa được hai năm.
“Nhà cũ của tôi ở Xuân Đỉnh, đã bị giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án mở rộng đường từ Đại học Mỏ Địa chất đến đường Phạm Văn Đồng. Cuối năm 2016 cất nhà, giữa 2017 mới xây xong. Ở chưa được 2 năm người ta lại thông báo sẽ có dự án đâm qua nhà tôi” – ông Toán nói.
Khu tái định cư Phú Diễn, nơi dự án dự kiến sẽ đi qua. Ảnh: Nguyễn Chương
Cũng bị ảnh hưởng bởi dự án mở rộng đường Đại học Mỏ địa chất – Phạm Văn Đồng, bà Đàm Thị Huệ được đổi ngang 250m2 tại khu tái định cư 2,1ha. Sổ đỏ về “chưa ấm tay” nay lại đối mặt với một lần nữa giải phóng mặt bằng.
Bà Huệ đặt câu hỏi: “Tôi vô cùng choáng váng khi biết gia đình lại sắp phải di dời. Nếu Nhà nước có quy hoạch làm đường, sao còn đưa chúng tôi về tái định cư ở đây? Chúng tôi nhường nhà, nhường đất phục vụ mở đường, đến nơi ở mới vay mượn khắp nơi để xây nhà, ở chưa ấm chỗ lại phải di dời. Quy hoạch kiểu gì mà làm khổ dân như thế?”.
Ở khu tái định cư này, hầu hết là những người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án mở rộng đường QL32 đoạn Nhổn – Cầu Diễn; đường Đại học Mỏ địa chất – Phạm Văn Đồng; đường Nguyễn Đổng Chi về sinh sống.
Có hộ gia đình đã được cấp sổ đỏ, nhưng có những hộ sau khi được đổi ngang diện tích đất vẫn chưa có tiền để làm thủ tục cấp sổ, có hộ còn chưa đủ tiền để dựng nhà.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Bắc Từ Liêm chiều ngày 12.6, cử tri phường Phú Diễn đã nêu băn khoăn về việc thực hiện dự án này. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đại biểu HĐND TP Tổ đại biểu Bắc Từ Liêm cho biết dự án này thông tin liên quan đến dự án này hiện chỉ là các phương án.
Ông Nguyễn Thế Hùng có việc bận nên đã rời buổi tiếp xúc cử tri sớm. Cử tri Đàm Thị Huệ (phường Phú Diễn) đã gặp để gửi đơn kiến nghị của người dân. Ông Hùng từ chối nhận đơn và đề nghị chuyển đến Tổ đại biểu HĐND TP khu vực quận Bắc Từ Liêm.
|
Ông Lê Hữu Tung (66 tuổi) bị ảnh hưởng từ dự án mở rộng đường QL32 đoạn Nhổn – Cầu Diễn cho hay: “Tôi được đền bù hơn 12 triệu đồng/m2, về đây phải nộp hai lần mỗi lần hơn 6 triệu đồng/1m2, coi như đổi hòa trong khi giá thị trường ở mặt đường QL32 lên đến hàng trăm triệu đồng/m2”.
Ông Tung cùng những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án mở rộng QL32 được bố trí mua đất tái định cư tại khu 8,5ha. Họ lại sắp có thêm “kinh nghiệm giải phóng mặt bằng, tái định cư” khi dự án xây dựng trục Hồ Tây – Ba Vì đoạn Hoàng Quốc Việt – QL32 rục rịch được khởi động.
Theo thống kê của người dân,hơn 110 hộ sẽ bị mất đất, mất nhà nếu con đường đi xuyên qua khu tái định cư phường Phú Diễn.
Nhìn vào tờ bản đồ quy hoạch tuyến đường, ông Nguyễn Văn Đức (khu 8,5ha) nói: “Sẽ có những hộ bị mất trắng,quy hoạch phá quy hoạch thế này gây lãng phí quá lớn, làm khổ người dân chúng tôi”.
Hơn 1,1 tỷ đồng/1m đường
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, dự án đầu tư xây dựng trục Hồ Tây – Ba Vì đoạn từ vành đai 3 (Hoàng Quốc Việt) đến QL32 có chiều dài 3,26km, rộng 50m đi qua phường Mai Dịch, Phú Diễn, Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm).
Nhiều người dân bức xúc vì chưa kịp ổn định cuộc sống nay lại có nguy cơ phải chuyển đi. Ảnh: Đình Việt
Chủ đầu tư dự án đưa ra khái toán tổng mức đầu tư dự án là hơn 3.735 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 785 tỷ đồng, còn chi phí giải phóng mặt bằng lên đến 2.462 tỷ đồng. Trung bình mỗi mét dài của tuyến đường có giá 1,1 tỷ đồng.
Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi đến người dân, chủ đầu tư cũng đã liệt kê những khu vực tuyến đường sẽ đi qua.
Theo đó, ngoài một phần đất nông nghiệp, còn lại là “các khu dân cư đã sinh sống ổn định lâu đời, khu tái định cư Phú Diễn”.
Bên cạnh đó, tuyến đường này cũng sẽ cắt qua Học viện Tư Pháp có 3 tòa nhà từ 9 – 11 tầng; Trường Trung cấp In Hà Nội có 2 tòa nhà 5 và 9 tầng; Trường THCS Phú Diễn, Nhà máy sơn Hà Nội; …
Chính vì lẽ đó, người dân cho rằng việc đầu tư tuyến đường sẽ gây ra sự lãng phí rất lớn. Nhất là nhiều công trình vẫn được xây mới trong thời gian vừa qua.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, dự án kể trên được UBND TP Hà Nội đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2016 – 2020.
Tổng Công ty Sông Hồng là đại diện Liên danh Nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT. Quỹ đất thanh toán cho việc thực hiện dự án được lấy tại các xã An Khánh, La Phù (huyện Hoài Đức).
Cơ quan nào trả lời?
Để tìm hiểu thông tin về việc thực hiện dự án này, ngày 14/6 PV đã liên hệ làm việc với UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải Phong - Trưởng Phòng Hành chính - Tổ chức, Văn phòng UBND TP Hà Nội cho rằng việc trả lời là của các Sở chuyên môn. Ông Phong không tiếp nhận Giấy giới thiệu của Báo NTNN/Điện tử Dân Việt và đề nghị PV gặp các Sở chuyên môn hoặc gửi công văn đến UBND TP Hà Nội.
PV cũng đã liên hệ làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội, Sở KHĐT TP Hà Nội về nội dung trên.
Sáng 18.6, trao đổi với PV ông Bùi Văn Bắc - Phó Chánh Văn phòng Sở QHKT cho biết đã chuyển nội dung làm việc đến lãnh đạo Sở để trả lời Báo. Còn Sở KHKT cũng thông tin tiếp nhận thông tin và trả lời sau.
Tương tự, PV cũng đã liên hệ với UBND quận Bắc Từ Liêm để tìm câu trả lời về việc triển khai dự án trục Hồ Tây - Ba Vì đoạn Vành đai 3 (Hoàng Quốc Việt) - QL 32 và được hứa sẽ chuyển đến bộ phận chuyên môn.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND phường Phú Diễn thông tin dự án này đến nay chưa được phê duyệt, hiện đang ở bước lấy ý kiến người dân về tác động môi trường. UBND phường Phú Diễn cũng không nắm được chi tiết vì dự án do các cơ quan của TP triển khai xuống.
Lãnh đạo phường Phú Diễn cũng xác nhận đến nay đã tiếp nhận được 118 đơn của người dân và đã báo cáo UBND quận về vấn đề này.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, Quyết định 519/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nhắc đến trục Hồ Tây – Ba Vì. Tuy nhiên, đoạn tuyến được nêu trong quyết định là từ Vành đai 4 đến đô thị vệ tinh Hòa Lạc dài khoảng 25km.
“Xây dựng mới các trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh với tổng chiều dài Khoảng 90 km; quy mô mặt cắt ngang 40 - 60 m cho tối thiểu 6 làn xe cơ giới, bao gồm các trục: (1) Trục Tây Thăng Long đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Sơn Tây dài Khoảng 20 km; (2) Trục Hồ Tây - Ba Vì đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Hòa Lạc dài Khoảng 25 km; (3) Trục Hà Đông - Xuân Mai đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Xuân Mai dài Khoảng 20 km; (4) Trục Ngọc Hồi - Phú Xuyên đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Phú Xuyên dài Khoảng 25 km” – Quyết định 519/QĐ-TTg nêu.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.