Nhiều đàn lợn tại các trang trại ở Hoài Đức đã quá cỡ (khoảng trên 1,5 đến 2 tạ/con) mà vẫn không có người mua. Ảnh: Trần Quang
Cần gấp rút tổ chức chương trình "giải cứu' một cách bài bản
“Chúng ta đã có nhiều đợt “giải cứu” nông sản rất thành công, nhưng việc giải cứu này toàn do đoàn thanh niên, các cơ sở tự nguyện tổ chức. Theo tôi ngay lập tức ngành công thương phải đứng ra tổ chức việc giải cứu lợn cho nông dân một các có bài bản. Tôi cho rằng, nhu cầu thịt lợn của bà con ta ở vùng sâu, vùng xa rất lớn, vậy ngành công thương hãy tổ chức những “đội xung kích” đưa thịt lợn đến cho bà con. Tất nhiên “đội xung kích” đó là những doanh nghiệp, và nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho họ làm việc này”.
(Bạn đọc Bùi Quang Ngọc - Hải Dương)
Tại sao không "tạm trữ thịt lợn"?
“Nhà nước có chính sách tạm trữ lúa gạo. Đứng trước tình hình khủng hoảng thừa của ngành chăn nuôi hiện nay, Nhà nước cũng nên có chính sách “tạm trữ thịt lợn”, áp dụng cơ chế như tạm trữ lúa gạo. Có như vậy mới khuyến khích được doanh nghiệp thu mua thịt lợn. Làm như thế sẽ phần nào hạn chế được thua lỗ của nông dân:.
(Bạn đọc Phạm Văn Sinh - Kỹ sư - Hải Hậu, Nam Định)
Kiểm tra khâu trung gian
“Mặc dù giá lợn hơi nông dân bán ra rẻ mạt, nhưng giá thịt ở các siêu thị, ở các sạp thịt tại các chợ Hà Nội có giảm mấy đâu? Có chăng việc giảm giá thịt này chỉ có ở các sạp bán thịt trong chợ nông thôn. Như vậy rõ ràng có sự ách tắc ở khâu trung gian. Ngành công thương phải kiểm tra thực chất việc ách tắc này ở chỗ nào để tháo gỡ chứ”.
(Bạn đọc Vũ Quỳnh Trang - Hà Đông, Hà Nội)
Tập trung thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn
“Trên thực tế cho thấy, có khi dưa hấu ở Quảng Ngãi rớt giá thảm hại chỉ dưới 1.000đồng/1kg thậm chí nông dân còn phải đổ cho bò ăn, thì lúc đó ở một số địa phương vẫn phải mua tám, chín ngìn đồng/1kg. Theo tôi trong nhiều nguyên nhân thì có một nguyên nhân do người dân thiếu thông thông tin, bởi vậy người cần bán và người cần mua chưa gặp nhau.
Trong tình hình lợn rớt giá như hiện này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương cần tung quân đi khảo sát cung – cầu trên các địa bạn cả nước. Một mặt đưa thông tin rộng rãi về nhu cầu cũng như giá cả cung – cầu; chỉ đạo các doanh nghiệp đưa hàng từ nơi cần bán đến nơi cần mua. Bên cạnh đó Bộ Công thương chỉ đạo Tham tán thương mại xúc tiến thương mại để xuất khẩu thịt lợn”.
(Bạn đọc Trần Đức Khang - Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh)
Nên hướng dẫn chế biến thành xúc xích, thịt hun khói... để kích cầu
“Nhiều người nhân cơ hội thịt rẻ, muốn mua để tích trữ nhưng ngoài việc để tủ đá thì chẳng còn cách nào khác. Vậy nên nếu được chuyên gia hướng dẫn cách chế biến, bảo quản như chế biến thành xúc xích, thịt hun khói, thịt sấy khô… thì chắc chắn sẽ tiêu thụ được một lượng thịt lớn đấy. Vậy các bác hướng dẫn ngay đi để chúng em còn mua”.
(Bạn đọc Trần Thị Hồng - TP. Hồ Chí Minh)
"Giá lợn sữa hiện nay giảm trầm trọng, khiến bà con nông dân chăn nuôi lợn vô cùng lo lắng. Đồng thời, cũng do tiêu chuẩn lựa chọn lợn sữa của Trung Quốc rất cao nên những người đi buôn như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Những con đạt tiêu chuẩn thì không đủ, những con không đạt tiêu chuẩn bị trả lại đem về không biết tiêu thụ ở đâu. Trước đây, có những ngày chúng tôi bắt 2-3 đàn, nay có khi 2-3 ngày không bắt được đàn nào. Chúng tôi hi vọng Chính phủ có biện pháp hỗ trợ tích cực giúp bà con nông dân như kích cầu giá lợn, phối hợp với các công ty thực phẩm thu mua lợn với mức giá để bà con thu lại đủ số vốn bỏ ra ban đầu".
(Bạn đọc Nguyễn Mạnh - Thái Bình)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.