MS1703: Giáo viên cắm bản đang “khát” giữa đại ngàn

Bảo Linh Thứ tư, ngày 25/01/2017 14:53 PM (GMT+7)
Không chỉ có cõng con chữ mà những cô giáo trường Mầm non Núa Ngam (xã Núa Ngam, Huyện Điện Biên, Điện Biên) còn phải cõng nước ngược lên ngàn để gieo mầm chữ.
Bình luận 0

Trường Mầm non Núa Ngam có 341 cháu và có tới 96% là dân tộc thiểu số. Trường nằm trên địa bàn đồi núi hiểm trở nên để đưa được cái chữ về với các em những cô giáo phải miệt mài cắm bản. Điểm trường xa nhất ở thôn Huổi Hua, Tin Nan với hơn 10km và để đến được với điểm trường này không còn cách nào khác ngoài đi bộ.

Với chúng tôi khi nghe nói đến việc đi bộ đường rừng nào sên nào vắt, núi cao vực sâu hiểm trở, lầy lội mà đã có một cảm giác vừa sợ vừa thương. Thế nhưng, với những người gieo chữ nơi đây họ lại xem điều đó như một điều đương nhiên mà với gian khó thực sự là khi những tháng mùa khô đến mà không lấy nổi một giọt nước sạch.

img

Để có nước sinh hoạt các cô giáo phải ra suối xách nước. 

“Thực ra trường mầm non Núa Ngam là sự chuyển tiếp cơ sở vật chất của trường tiểu học và trung học cơ sở. Trường cũng có 1 cái giếng đào thế nhưng chiếc giếng cũng chỉ lúc có lúc không, muốn đào thêm nhưng phải đá không đào được.”  - Cô Nguyễn Thị Nga – Hiệu trưởng trường Mầm non Núa Ngam chia sẻ.

Thiếu nước các cô phải chắt chiu từng giọt, từng giọt để dự trữ cho đủ được cô trò dùng. Thiếu nước, cái vườn rau cho các con mà cô giáo chăm sóc những mong có thêm bữa ăn xanh sạch cũng xơ xác và thật khó trụ nổi. Và những tưởng trường mầm non là nơi hoa lá xanh tươi ngát bốn mùa thì cũng vì cái thiếu nước mà điều này như trái ngược với ngôi trường.

Vậy là để có nước dùng cho sinh hoạt và phục vụ cho học sinh, các cô lại phải chia phiên nhau hì hục, lủng củng xô chậu đi xin hoặc xuống suối gánh về.

Thế nhưng con đường đi xuống suối cách trường có 500m thôi nhưng không phải là điều đơn giản với những đôi bàn tay chăm trẻ, trong khi con đường cõng nước ngược trường đầy gian nan.

img

Chặng đường lấy nước là bụi rậm gai goc, dốc núi thẳng đứng.

img

Với đoạn đường khoảng 500m, nhưng các cô vẫn phải có một điểm trung gian mới có thể vận chuyển được nước về trường.

“Có lần các cô mượn được một máy bơm của người dân để bơm ngược nước từ suối. Cứ thế mọi người thay phiên nhau trông chiếc máy. Những tưởng rằng có chiếc máy thì các cô đỡ vất vả cảnh xách nước thế nhưng vừa trưa thay phiên về ăn thì chiếc máy đã không còn. Dở khóc dở cười, các cô lại phải tay xách tay bê” – Cô Nga chia sẻ.

Trường Trung tâm đã như thế thì có thể hiểu được các điểm trường lẻ gian nan tới mức nào. Như ở điểm trường Ten Núa không hề có lấy một giọt nước. Để có nước sinh hoạt cô giáo phải tự bỏ tiền lương của mình ra mua nước.

Giờ đây, khi mùa khô đang đến những cô giáo nơi đây lại thêm một mùa khó và con đường gánh chữ lên non của các cô lại thêm gánh nặng.

img

Giọt nước là giọt vàng nơi đây. Vì vậy, các thử nước thải vò gạo, rửa rau... được tích trữ để dành tận dụng tưới rau.

img

img

Những loại cây chịu hạn được trông để phần nào giúp giảm bớt công sức của các cô. 

Để góp phần gây dựng nguồn thực phẩm dinh dưỡng tại chỗ cho các em học sinh trường mầm non Núa Ngam, Báo Nông thôn Ngày nay/ điện tử Dân Việt sẽ tổ chức tặng nhà trường 1 vườn rau xanh, và 1 giếng nước sinh hoạt. Đây là cũng là sự kiện khởi động cho chuỗi Chương trình “Tặng Vườn rau dinh dưỡng cho trẻ em nghèo” năm 2017 do Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt  thực hiện với mục tiêu, tặng 100 vườn rau dinh dưỡng cho học sinh nghèo các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình sẽ kéo dài từ năm 2016 đến hết năm 2017.

Mọi sự đóng góp cho Chương trình “Tặng Vườn rau dinh dưỡng cho trẻ em nghèo” gửi về Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội qua số tài khoản 1506311002117-  Ngân hàng NNPTNT Tây Hồ, Hà Nội. Xin chân thành cảm ơn!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem