Giáo viên mầm non: Những giây phút tủi thân đến ứa nước mắt

Tùng Anh (ghi) Thứ hai, ngày 13/02/2017 20:29 PM (GMT+7)
“Căn ke” cả giờ… đi vệ sinh trên lớp; nghẹn lời khi nghe con nói “Con chỉ ước 1 lần được mẹ đón về sớm”… là một trong số vô vàn phút giây tủi thân đến ứa nước mắt của cô giáo mầm non…
Bình luận 0

Sau khi được đăng tải, bài báo “Giáo viên mầm non đánh trẻ: Một người làm, hàng ngàn người chịu” đã được chia sẻ chóng mặt trên các diễn đàn dành cho giáo viên mầm non. Các giáo viên như được “cởi tấm lòng”, họ đã bày tỏ những ấm ức, dồn nén về áp lực trong suốt thời gian dài làm nghề giữ trẻ.

Đi vệ sinh cũng phải “căn ke”

Bạn đọc Lê Ngọc – một giáo viên mầm non tại Hà Nội chia sẻ, đối với giáo viên mầm non, chăm sóc trẻ chỉ là một khía cạnh thôi, vấn đề dạy học cũng có quá nhiều điều phải nói. 

“Mỗi tháng, giáo viên còn phải làm hàng tá các loại sổ sách. Nào sổ liên lạc, sổ theo dõi chất lượng, theo dõi sức khỏe, các kế hoạch năm, tháng, tuần, giáo án, đồ dùng lên tiết dạy, trang trí trường lớp liên tục theo chủ đề, văn nghệ hàng tháng và các ngày lễ, rồi thì thi, lên tiết kiểm tra… Nhiều phụ huynh không hiểu, họ nghĩ rằng giáo viên mầm non nhàn rỗi lắm, suốt ngày chỉ ngồi buôn chuyện, nhưng thực sự thì các cô thậm chí còn phải “căn ke” cả thời gian… đi vệ sinh của mình” – cô giáo này chia sẻ.

img

Ảnh minh họa. I.T

“Trong khi trông lớp, chỉ cần các con sơ xẩy chơi đùa va chạm vào nhau là các cô “lĩnh đủ”. Một lớp có 2 cô với hàng chục cháu thực sự phải căng mắt ra để ý mới được. Thú thật, có nhiều lúc, đi vệ sinh cũng phải… phân ca”, một bạn đọc ở Hà Nội chia sẻ.

Bạn đọc Minh Hoa (Hải Dương) cho biết, đã rất nhiều lần có ý định bỏ nghề vì không chịu được áp lực: “Những cô giáo có gia đình rồi nếu không được sự thông cảm của chồng con thì rất dễ dẫn đến cãi vã, đổ vỡ. Con cái không được chăm lo chu đáo. Sáng nào cũng phải đưa con đến trường sớm nhất lớp, đón về muộn nhất trường. Nhiều khi nghe con nói: “Con chỉ ước một lần được mẹ đón sớm” mà chảy cả nước mắt. Những điều này những người không trong nghề không thể nào hiểu được”.

Trong khi đó, cô giáo Tuyết Phạm (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ, áp lực trong công việc thì giáo viên có thể cố gắng được nhưng áp lực từ sự không tôn trọng của phụ huynh mới khiến nhiều cô giáo muốn bỏ nghề.

img

Ảnh minh họa. I.T

“Phụ huynh luôn yêu cầu cô phải chăm con mình chu đáo nhất có thể, không xảy ra sai sót gì nhưng đến mức, con không ị được cũng hỏi cô, con đi ị nhiều cũng hỏi cô, rồi tại sao ngày nào con cũng ị ở nhà cũng mang nên ban giám hiệu để hỏi thì thực sự càng ngày càng nhụt ý chí và tình yêu của giáo viên đối với nghề, với trẻ” – cô Tuyết nói.

Ngại ngùng khi tự giới thiệu là giáo viên mầm non

Trước đây, nói đến nghề giáo viên, các cô cảm thấy tự hào nhiều lắm, nhưng do những “con sâu bỏ rầu nồi canh” nhiều người đã có những cái nhìn không hay về nghề giáo viên mầm non. Có cô bày tỏ, họ cảm thấy hổ thẹn, ngại ngùng khi nói về nghề nghiệp của mình.

Bạn đọc Tran Phuong bình luận về bài viết “Giáo viên đánh trẻ: Một người làm, hàng ngàn người chịu” trên diễn đàn Giáo viên mầm non tư thục: “Hôm qua mình đi ra chợ mua đồ, thấy các bà ngồi túm tụm nói chuyện với nhau về vụ việc giáo viên đánh trẻ. Họ gọi giáo viên là “con này, con kia”, “bọn giáo viên mầm non”, “mấy đứa trông trẻ”… thực sự mình cảm thấy tim thắt lại như bị ai bóp nghẹt, vô cùng đau đớn cho nghề”.

Cô giáo có nickface Minh Minh chia sẻ: “Hôm nay, đi làm mẹ mình dặn “con đi dạy không được đánh trẻ nhé” mà mình có bao giờ dám quát chứ dừng nói đến đánh. Mỗi việc trẻ làm đều có lý do của trẻ và việc của giáo viên là quan sát và chia sẻ với trẻ về tình huống đó. Chắc là mẹ đọc báo nhiều nên sợ con mình cũng vướng vào… lao lý nếu không biết kiềm chế. Nói thế để thấy rằng mỗi giáo viên chúng ta sẽ phải thật sự cố gắng để làm trong sạch ngành giáo dục mầm non”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem