Hỗ trợ hộ nghèo khó "chảy" tới vùng xa
Tôi sinh ra trong cảnh không thể nghèo hơn, trong cái tuổi thơ khốn khó đến mức bà mẹ già mỗi lần nghĩ đến nó đều áy náy nhìn tôi như tìm sự… tha thứ. "Con không chê cha mẹ khó/ chó không chê chủ nghèo", mẹ à, con có oán thán bao giờ đâu. Chỉ có điều rằng, cũng bởi tại như thế mà con nặng lòng với người nghèo mà con gặp mỗi độ xuân về nhiều hơn. Bây giờ, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thảm cảnh "có những người nghèo không biết Tết" dường như không còn nữa...
Tôi từng xôn xao xúc động khi viết về quá nhiều những mái trường vùng cao mà sự tinh tươm của các ngôi trường đó nó hơn hẳn sự lụp xụp, nhà mái ngói cấp bốn đi thuê của Trường Lô-mô-nô-xốp (trường mang tên ông Tây, thu tiền học phí đắt hơn ở Tây) giữa lòng Hà Nội mà con tôi đang học.
Ngay cả nhiều con đường như Quốc lộ 32 ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội, đường ở khu Linh Đàm, Định Công, bây giờ nó còn ổ gà, ngập nước, tắc tị…; sự tử tế của nó đúng là chẳng bằng một phần mười sự thênh thang của những con đường êm ru trải nhựa ở xã heo hút miền rừng tít mãi Mường Tè, Mù Căng Chải hay Hoàng Su Phì (những cái tên nghe đã rờn rợn).
Đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, đó là thành quả vĩ đại của công cuộc chăm sóc người nghèo, chăm sóc bà con còn nhiều thiệt thòi của vùng cao mà chúng ta đang thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh đẹp đẽ về việc hỗ trợ người nghèo mà chúng ta đã biết, tôi muốn nói đến những góc khuất không thể nói là quá khó gặp trong hoạt động này.
Tôi ám ảnh mãi bởi chuyến cùng VTV lên thực hiện chương trình "Vì người nghèo" ở khắp nhiều xã ở Si Ma Cai (Lào Cai). Giữa mây mù vây bủa, giữa giá lạnh căm căm, những căn nhà xiêu vẹo, chợ quê nhão bùn và phân súc vật cứ chảy tràn ra, chúng tôi đi mua dép, giày và quần áo cho các bé thơ da thịt tím tái, ở truồng lội chợ.
Sống 10 ngày ở khắp các xã nghèo, đi đến đâu cũng phải thảng thốt: Sao "ơn mưa móc" của chương trình hỗ trợ hộ nghèo chưa chảy đến đây?! Ngõ hầu ai đó đã bỏ quên bà con ở sau nách núi này? Gặp quá nhiều cảnh buồn tê tái, nhiều mảnh đời bị bỏ rơi thật sự, tôi đã phải thốt lên trong cuộc giao lưu truyền hình trực tiếp trên VTV đêm 31-12 năm ấy.
Tôi nhớ mãi, trong trường quay hôm đó. Trước mặt tôi, cách vài mét là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sau khi mô tả và trình chiếu các thước phim về những người nghèo và "ngõ cụt" thê thảm, tôi nói: "Nếu chúng ta thấy những câu chuyện chúng tôi vừa phản ánh là bình thường, thì có nghĩa là, đầu óc và lòng nhân ái trong chúng ta đã không bình thường!". Nhiều người góp ý, sao tôi lại "thật thà" quá thế!
Xin thưa, tôi chỉ muốn nói rằng, những cảnh nghèo, cô đơn, bệnh tật như tôi vừa phản ánh trên sóng hình quốc gia kia, thì cộng đồng cần phải thấy trách nhiệm của mình trong đó. Rõ ràng, có không ít cán bộ, lẽ ra họ phải làm hồ sơ, làm chế độ chính sách để người dân được hưởng sự chăm sóc chí tình của Nhà nước, thì họ đã bỏ mặc vì những lý do nào đó. Mừng quá, kết thúc buổi giao lưu, riêng mũi đi Si Ma Cai của chúng tôi, được các doanh nghiệp tài trợ 2,5 tỷ đồng (thời giá bấy giờ).
Vẫn bị ám ảnh "bỏ quên"
Từ đó, ám ảnh tôi suốt nhiều năm, vẫn liên tiếp các câu chuyện người già, người nghèo, người tàn tật bị bỏ quên sau vì sự vô cảm của ai ai đó. Ông cụ (người xã Quan Thần Sán, Si Ma Cai) mà tôi "chiếu lên ti vi" hôm giao thừa "Vì người nghèo" đó đã 70 tuổi, đứa con đã 34 tuổi bị bệnh tâm thần, cụ già yếu, cô đơn, căn nhà gió lùa và sương bủa lép nhép. Anh con "điên" thỉnh thoảng lại gào rú, bỏ lên nương rẫy nằm vài ngày, ăn ngô sống, bí sống, lúc sống sót lại lù lù trở về, cười khằng khặc rồi hứng lên tấn công người trong bản. Vào nhà ông cụ, tôi mở đủ các loại nồi ra, cái nào cũng phải mạng nhện hoặc nhờ trắng vài hột cơm thiu.
|
Ông Lê Văn Ý, 95 tuổi, vợ ông 93 tuổi (ở Tạ Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ) và cô con gái tật nguyền. |
Không trợ cấp cho người già, tàn tật, không chế độ cho bệnh nhân tâm thần, hai bố con họ, đều không còn nhớ mình đã từng được đưa đi khám bệnh bao giờ chưa. Ông Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán bảo: Tết, tôi có đem cho ông cụ nửa cân thịt lợn và cặp bánh chưng. Hết, không bao giờ gia đình nghèo này được thêm một cái gì cả. Tiền và chế độ hỗ trợ của Nhà nước ta khá đầy đủ và cực kỳ nhân ái, nhưng "đường ống" đưa sự giúp đỡ đó nó bị tắc ngoài đầu bản?
Tôi không vơ đũa cả nắm, không thầy bói xem voi, không quy chụp cho ai. Sau này, càng đi, càng gặp người nghèo tôi mới càng thấm thía cái cảm giác chúng ta bỏ quên đồng bào thiệt thòi của mình không phải ít. Bài phóng sự "Thơ ơi em đừng chết" của tôi viết về một em bé tên là Nguyễn Thị Thơ, 14 tuổi, học sinh nghèo vượt khó cấp huyện (Ứng Hòa, Hà Nội), bố chết, mẹ tâm thần có sổ và đã bỏ nhà mất tích, nghĩa là em có thừa "điều kiện đau khổ" để được hỗ trợ của nhiều chính sách, chế độ Nhà nước quy định; tuy nhiên, khi mắc bệnh tim, cần phẫu thuật, em phải ăn xin ở Viện Tim mạch để… chờ chết.
Nhiều trường hợp, sau khi tôi kêu gọi và giúp đỡ nhân vật của mình hàng trăm triệu đồng, bởi họ quá nghèo và quá thiệt thòi, thì chính quyền cơ sở nổi đóa đòi kiện cáo hay "rủa" tôi đã "nói xấu" họ. Tôi biết phải làm sao?
TS Đinh Thu Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Tim mạch quốc gia đã thốt lên: Tôi nghe nói hàng nghìn tỷ chúng ta thu được để ủng hộ người nghèo, sao tiền đó không đem giúp đỡ những bệnh nhân, những bé thơ cực kỳ đáng được giúp đỡ như bé Thơ này?
Tôi vẫn còn nhớ ông Lê Văn Ý, 95 tuổi, vợ ông 93 tuổi (ở Tạ Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ) lọm khọm trong nhà lợp lá cọ không thể nghèo hơn để nuôi đứa con gái 40 tuổi chân tay không cử động được. Cô gái đặt đâu ngồi đấy, có khi nửa đêm, cô ngã sấp rồi cứ nằm sấp đó, hai ông bà không đủ sức bế con dậy, cả ba ngồi và nằm mà khóc chờ trời sáng để đi gọi… hàng xóm.
Khi bài viết của tôi được đăng, tòa báo đã trao ít nhất 200 triệu đồng của độc giả giúp cụ Ý dựng nhà, nuôi con và an dưỡng. Nhưng, tôi đã gặp hàng trăm vụ tương tự như vậy; và bài toán đặt ra là: Trong tận khổ đó, thì hệ thống những người chăm sóc người nghèo (do Nhà nước quy định) họ đứng ở đâu, có phải họ đã không làm gì hoặc có làm mà chưa hiệu quả?
Ghi chép của Đỗ Doãn Hoàng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.