Hình phạt nào cho người bạo hành trẻ dã man tại cơ sở Mẹ Mười?

Đình Việt Thứ ba, ngày 22/05/2018 12:30 PM (GMT+7)
Luật sư phân tích, hành vi của chủ cơ nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười có thể phải đối mặt cùng lúc với hai tội danh được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ bạo hành trẻ ở nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (phường Chính Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng), chiều qua (21.5), Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản chỉ đạo xử lý.

Theo đó, ông Thơ yêu cầu giám đốc Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với chủ tịch UBND quận Thanh Khê kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo chủ tịch UBND TP trước ngày 23.5.

img

Cơ sở nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Dân Việt

Cũng trong chiều 21.5, giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh đã có báo cáo gửi Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng.

Theo Sở GD-ĐT, nhóm trẻ trên do bà Đinh Thị Hồng làm chủ. Bà Hồng có bằng Cao đẳng sư phạm mầm non. Số trẻ tại nhóm là 14 trẻ. Theo hình ảnh và clip, người bạo hành trẻ là bà Hồng.

Công an đã mời bà Hồng đến làm việc. Chủ tịch UBND phường Chính Gián đã rút giấy phép và đình chỉ hoạt động cơ sở của bà Hồng. Tất cả 14 trẻ đã được cha mẹ đón về an toàn vào trưa 21.5.

Cũng liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, thông qua những hình ảnh trong clip có thể thấy, hành vi của bà Hồng đã đủ dấu hiệu để khởi tố về tội “Hành hạ người khác” theo quy định của BLHS 2015.

“Tôi không hiểu lý do tại sao mà gia đình bỏ tiền hằng tháng để cậy nhờ cô chăm sóc, cô lại đi ngược mục đích nhân văn ban đầu, là giáo dục, dạy dỗ trẻ, để làm trái quy tắc đạo đức nghề nghiệp, công việc của mình.

Cháu bé còn quá non nớt mà phải chịu những cái tát, bóp vào mặt rồi xách lên như vậy. Điều đó không thể chấp nhận được, hành động đáng lên án”, luật sư Thơm bức xúc.

Dưới góc độ pháp lý, theo vị luật sư này, hành vi của bà Hồng đã xâm phạm nghiêm trọng đến thân thể, sức khỏe của trẻ, đây lại là đối tượng được pháp luật bảo vệ, đặc biệt quan tâm.

“Việc chủ cơ sở mầm non Mẹ Mười dùng bạo lực để hành hạ trẻ em là hành vi trái pháp luật. Hành vi này đã cấu thành tội hành hạ người khác quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người này có thể bị khởi tố và chịu hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam”, vị luật sư phân tích.

Ngoài ra, theo luật sư này, trong quá trình điều tra cần xác định hành vi của bà Hồng có để lại hậu quả như gây thương tích cho cháu bé hay không.

Nếu hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của cháu bé theo kết quả giám định tỉ lệ thương tật, bảo mẫu sẽ phải chịu thêm trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Tỉ lệ thương tích của cháu bé càng lớn, phải chịu hình phạt càng cao.

Điều 140 BLHS 2015 quy định về tội hành hạ người khác như sau:

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên

c) Đối với 2 người trở lên

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem