Hoàn thổ sau khai khoáng: Chờ sự... tùy tâm của doanh nghiệp

Nam Cường Thứ sáu, ngày 22/07/2016 06:20 AM (GMT+7)
­­­TP. Đà Nẵng sau một năm bùng phát lộn xộn khai khoáng hiện đang đẩy mạnh thiết lập trật tự, mặc dù vậy, nhìn vào những núi đồi nham nhở, các mỏ đất đá tan hoang chưa được hoàn thổ lại tiếp tục được cấp phép khai thác, khó có thể nói- trật tự đã được thiết lập.
Bình luận 0

Trong một lần cùng đoàn đi kiểm tra thực tế hoạt động khai thác tại các mỏ đá, đất đồi trên địa bàn thành phố vào năm 2015, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chỉ đạo các đơn vị khai khoáng sau khi hoàn thành khai thác phải có kế hoạch hoàn thổ ngay. Đặc biệt, đối  với các mỏ đá trên núi Phước Tường, yêu cầu san lấp mặt bằng, trồng cây… Mặc dù vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, điều này là phi thực tế.

Núi đồi nham nhở

Không khó để nhận ra tại hầu hết các mỏ khai thác đất đá ở Đà Nẵng hiện nay nham nhở như một đại công trường dở dang, đặc biệt với các mỏ đá ở núi Phước Tường, Phước Thuận…

img

Việc khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn nhiều bất cập và để lại những hậu quả không tốt.  ảnh: I.T

Năm 2015, trước tình trạng lộn xộn khai khoáng, nhập nhằng giữa có phép và khai thác lậu, đặc biệt hầu hết các doanh nghiệp (DN) sau khi khai thác xong đều “một đi không trở lại”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu các đơn vị phải ngay lập tức hoàn thổ sau khi khai thác xong để lên kế hoạch đóng cửa mỏ. Yêu cầu hoàn thổ của ông Thơ là san lấp các hố, trồng cây xanh, tái tạo rừng, phục hồi nguyên trạng. Tuy nhiên, với các chủ mỏ đá, đất thì đó là điều hoàn toàn nằm ngoài khả năng. Trên thực tế, tại các mỏ đá, đất ở núi Phước Tường, Phước Thuận hay các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong (Hòa Vang)... nhiều hố khai thác sâu hoắm vài chục mét. “Làm sao mà hoàn thổ cho được. Doanh nghiệp bán cả gia sản, làm đến già cũng không xong” – chủ một DN than thở.

Theo Nghị định 12/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác quặng khoáng sản kim loại là từ 10.000-270.000 đồng/tấn; khoáng sản không kim loại từ 1.000 - 90.000 đồng/m3/tấn.
Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng. 
Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách nhà nước.

Một DN đã thôi hoạt động khai thác đá ở núi Phước Tường (Đà Nẵng cho rằng, việc hoàn thổ thực hiện không được như ý muốn có phần lỗi của chính quyền. “Nhà nước cấp phép giật cục, cứ 1 năm gia hạn 1 lần, trong khi quy hoạch mỏ cho chúng tôi khai thác thường phải đến 5-10 năm. DN vừa làm vừa sợ thu hồi mỏ, không có tâm lý hoàn thổ”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các DN khai thác đất đá đều có chung phương thức bóc tầng phủ, móc sâu vào lòng núi hoặc tạo thành hố sâu so với mặt bằng. Chỉ một số ít DN dự trữ đất khi bóc tầng phủ để có kế hoạch hoàn thổ sau này. Đa số các mỏ đều chưa có phương án phục hồi nguyên trạng. Tùy theo mức độ, diện tích và trữ lượng mỏ, các DN trước khi khai khoáng đều phải ký quỹ phục hồi môi trường. Theo 1 DN- số tiền này là không ăn thua và không thể phục hồi nguyên trạng. “Đa phần các DN làm xong sẽ bỏ đi, chịu mất số tiền cược. Tuy nhiên số tiền này chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận từ việc khai khoáng. Vì thế, hoàn thổ đến đâu vẫn là... tùy tâm của DN” – một cán bộ môi trường cho biết.

Sẽ mạnh tay!

Trả lời Báo NTNN, một DN khai khoáng ở Đà Nẵng cho biết, kể từ tháng 6.2015, các DN phải nộp thêm số tiền 500 triệu đồng nếu muốn được cấp phép khai thác. Một số mỏ đã được cấp phép cũng phải nộp số tiền trên. Đây là quy định mới của TP.Đà Nẵng, bắt buộc DN phải tuân theo.   

img

Doanh nghiệp múc đất ruộng xong để lại những vết lở loét. Ảnh chụp tại mỏ vàng ở khu vực  núi Trác Trắng (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh).  ảnh: N.C

Được biết, tháng 6.2015, sau khi tổng kiểm tra, rà soát tất cả các mỏ khai khoáng trên địa bàn thành phố, Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu kể từ nay trở đi, trước khi cấp phép mới hoặc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản (đất đồi, đá, đất sét, cát…) cho các đơn vị, cá nhân liên quan, Sở TNMT làm việc và đề nghị các đơn vị, cá nhân khai thác phải nộp  500 triệu đồng để cam kết đảm bảo hoàn thổ theo phương án tại khu vực sau khi kết thúc quá trình khai thác. Đáng lưu ý, đây là số tiền ngoài tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo luật. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nêu rõ, nếu đơn vị nào không phục hồi môi trường, hoàn thổ nguyên trạng, UBND thành phố tiến hành xử phạt, sử dụng nguồn tiền trên để hoàn thổ và nộp phạt. Nếu không đủ, chủ DN tiếp tục nộp bổ sung. DN nào khi thực hiện xong hoàn thổ sẽ được trả lại số tiền này.

Ông Nguyễn Điểu – nguyên Giám đốc Sở TNMT TP.Đà Nẵng, cơ quan quản lý nhà nước về mặt khai khoáng, môi trường ở Đà Nẵng cho hay, đúng là chưa có luật nào quy định DN phải nộp 500 triệu mới được cấp, gia hạn phép, tuy nhiên, sáng kiến của Đà Nẵng cho thấy sự mạnh tay của lãnh đạo thành phố và hy vọng nhờ thế việc hoàn thổ sau khai thác sẽ thuận lợi hơn. Ông Điểu thừa nhận các DN còn e dè, một số ủng hộ. “Số tiền trên theo tính toán là hợp lý. DN nào có tâm thì họ sẽ nộp. Cái này chúng tôi cũng đang ở mức độ vận động là chính. Tuy nhiên sau một thời gian thì việc thực hiện của các DN là rất nghiêm túc” - ông Điểu nói./.          

Những cái chết đau lòng vì chậm hoàn thổ:

* Sáng 12.1.2016, hai chị em N.T.M (5 tuổi) và N.V.Q (3 tuổi, ngụ ấp Long Châu, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, Tây Ninh) ngã xuống một hầm khai thác đất phún không được hoàn thổ và tử vong. Hầm này rộng hàng trăm mét vuông, không biển cảnh báo nguy hiểm, không rào chắn từ hơn 3 năm nay. 

* Ngày 8.1.2016, cháu P.T.N (SN 2003, trú tại thôn Hòa Mỹ, xã Tam Nghĩa, Núi Thành, Quảng Nam) dắt bò ra khu đất đã khai thác titan để chăn thả và bị trượt chân xuống một hố sình lầy sâu gần chục mét và tử vong. Trước đây, khu vực này thuộc sự khai thác của một doanh nghiệp đóng trụ sở trên địa bàn, chuyên khai thác quặng titan.

* Ngày 10.3.2015, cháu Nguyễn Quang H (8 tuổi, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Phong Hải, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) và các bạn cùng trường rủ nhau lên đồi cát phía sau trường chơi, bị trượt chân sa xuống hố khai thác titan bỏ hoang đầy nước và chết đuối.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem