Liên quan đến bài viết Dân Việt phản ánh Bình Định: Học sinh đeo khẩu trang nghe giảng, nhà dân “kêu cứu” , Sở TN&MT tỉnh Bình Định đã thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra và lấy mẫu nước thải các đơn vị hoạt động tại Cụm công nghiệp Cát Trinh để phân tích.
Cụm công nghiệp (CCN) Cát Trinh có diện tích khoảng 16,7 ha do Tổng Công ty CP May Nhà Bè làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chỉ xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung và xả thải ra ngoài môi trường.
Tại thời điểm kiểm tra, tại CCN này có 3 đơn vị đang hoạt động, gồm: Công ty CP May Phù Cát, Công ty TNHH In Na Nu và Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam. Riêng Công ty CP Vinapack đang xây dựng phân xưởng, chưa đi vào hoạt động.
Kênh mương Đồng Đế (xã Cát Trinh) nồng nặc mùi hôi thối, khiến người dân chịu không nổi. Ảnh: Dũ Tuấn
Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường và kết quả phân tích các mẫu nước thử nghiệm với quy chuẩn quy định cho thấy, Công ty CP May Phù Cát phát sinh nước thải sinh hoạt với lưu lượng 29,7 m3/ngày đêm được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải của công ty.
Nước thải sau xử lý được đưa về hố thu gom chung của CCN và thải ra mương Đồng Đế. Kết quả phân tích các chỉ tiêu trong chất lượng nước thải sau xử lý của Công ty CP May Phù Cát nằm trong giới hạn cho phép theo quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
Tuy nhiên, đến nay công ty này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Do đó, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi xả nước thải vào nguồn nước khi không có giấy phép theo quy định.
Tương tự, Công ty TNHH In Na Nu phát sinh nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất với tổng lưu lượng 8 m3/ngày đêm, được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung của công ty.
Dù không có giấy phép nhưng nước thải sau xử lý của công ty vẫn được đấu nối vào mương thoát nước mưa của CCN, vì vậy công ty này cũng bị lập biên bản xử lý. Kết quả phân tích các chỉ tiêu trong chất lượng nước thải sau xử lý của Công ty TNHH In Na Nu nằm trong giới hạn cho phép.
Học sinh trường THCS Cát Trinh mang khẩu trang nghe giảng vì ô nhiễm. Ảnh: NDCC
Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam phát sinh nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất với tổng lưu lượng 300 m3/ngày đêm, được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung của công ty với công suất thiết kế 350 m3/ngày đêm. Nước thải sau xử lý đấu nối về hố thu gom chung của CCN và thoát ra mương Đồng Đế.
Điều đáng nói, kết quả phân tích các chỉ tiêu trong chất lượng nước thải sau xử lý của công ty tại thời điểm kiểm tra có chỉ tiêu BOD5 (20 độ C) vượt 1,6 lần và chỉ tiêu COD vượt 1,19 lần so với Giấy phép xả thải số 12/GP-UBND ngày 21.8.2017 của UBND tỉnh Bình Định.
Mặc dù bị đoàn kiểm tra lập biên bản xử lý về hành vi xả thải không đúng quy định, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn tiếp tục xả thải ra kênh mương Đồng Đế. Ngày 14.10, người dân phát hiện nước thải từ Cụm công nghiệp Cát Trinh xả ra ngoài kênh, khiến nguồn nước có màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
“Doanh nghiệp hoạt động sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương là đáng hoan nghênh. Nhưng việc sản xuất không đảm bảo vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân là điều không chấp nhận được.
Huyện kiến nghị Sở TN&MT, UBND tỉnh xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp sai phạm. Về phía huyện, chúng tôi đã hợp đồng với Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho dân và Trường THCS Cát Trinh nhằm cung cấp nước sạch cho cư dân vùng bị ảnh hưởng”, ông Lương Văn Ngân, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát thông tin.
Người dân xã Cát Trinh yêu cầu xử lý nghiêm việc xả thải gây ô nhiễm. Ảnh: Dũ Tuấn
Trước đó, Dân Việt đã đăng tải bài viết Bình Định: Học sinh đeo khẩu trang nghe giảng, nhà dân “kêu cứu” phản ánh tình trạng hàng trăm hộ dân ở xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) vô cùng bức xúc khi “kể tội” nguồn nước thải từ cụm công nghiệp Cát Trinh đã gây mùi hôi thối nồng nặc, nước giếng sinh hoạt chuyển màu.
Không chịu nổi cảnh ô nhiễm kéo dài, nhiều học sinh phải đeo khẩu trang trong giờ học, người dân buộc di tản đi nơi khác. Ngay sau đó, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở TN&MT cùng UBND huyện Phù Cát xác minh, xử lý nghiêm doanh nghiệp sai phạm và làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị có liên quan khi để người dân “kêu cứu” vì ô nhiễm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.