Không đến nhiệm sở, Chủ tịch huyện Quốc Oai sẽ bị xử lý ra sao?

Đình Việt Thứ ba, ngày 02/01/2018 18:10 PM (GMT+7)
Theo luật sư, trường hợp ông Nguyễn Hồng Lâm - Chủ tịch huyện Quốc Oai (Hà Nội) tiếp tục bỏ nhiệm sở sẽ phải đối mặt với mức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 31.12.2017, UBND huyện Quốc Oai đã có thông báo số 286/TB-UBND về việc chỉ đạo công việc thường xuyên của UBND huyện. Trong đó có nêu ông Nguyễn Hồng Lâm - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai - có báo cáo Thường trực Huyện ủy xin vắng mặt tại cuộc họp Ban Thường vụ Huyện ủy sáng 26.12.2017 để giải quyết công việc gia đình.

Tuy nhiên, kể từ khi có báo cáo xin vắng mặt tới nay ông Lâm chưa về cơ quan làm việc và không thể liên lạc. Trước sự việc trên, Thường trực Huyện ủy Quốc Oai đã phân công ông Đỗ Lai Luật - Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện - chỉ đạo công việc thường xuyên của UBND huyện.

img

Ông Lâm không đến cơ quan và điện thoại cũng bị tắt gần một tuần nay.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla cho biết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện là người đứng đầu Ủy ban nhân dân huyện và có các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định rất rõ tại Điều 29 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Với nhiệm vụ và quyền hạn nêu trên, việc ông Lâm bỏ vị trí công tác nhiều ngày không có lý do sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành của cả hệ thống hành chính của huyện.

Luật sư Hòe phân tích, căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức thì: Nguyên tắc xử lý kỷ luật là mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật.

Nếu công chức có nhiều hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và chịu hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi nặng nhất, trừ trường hợp có hành vi vi phạm phải xử lý kỷ luật bằng hình thức thôi việc.

Nếu áp dụng quy định của Nghị định số 34/2011/NĐ-CP đối với hành vi tự ý nghỉ việc của ông Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai ở trên,  có thể sẽ có các trường hợp sau:

+ Công chức phải chịu hình thức kỷ luật khiển trách đối với trường hợp tự ý nghỉ việc từ 3 đến 5 ngày làm việc trong một tháng .

+ Hình thức kỷ luật cảnh cáo được áp dụng đối với công chức tự ý nghỉ việc, tổng số từ 5 đến dưới 7 ngày làm việc trong một tháng.

+ Trường hợp công chức tự ý nghỉ việc, tổng số từ 7 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 3 lần liên tiếp sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật là buộc thôi việc.

Như vậy, trường hợp ông Nguyễn Hồng Lâm tự ý vắng mặt không có lý do chính đáng, rất có thể ông Lâm sẽ phải đối mặt với mức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc.

Trong trường hợp ông Lâm xin nghỉ phép có thời hạn nhưng hết hết thời gian nghỉ vẫn không tiếp tục đi làm, theo luật sư, ông Lâm cũng sẽ bị xử lý theo các quy định của Nghị định số 34/2011/NĐ-CP.

Tại chương 4 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật, trình tự, thủ tục xem xét xử lý kỷ luật như sau:

- Về thẩm quyền: Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.

- Trình tự, thủ tục:

Bước 1: Tổ chức họp kiểm điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật

Bước 2: Tổ chức họp Hội đồng kỷ luật

Bước 3: Quyết định kỷ luật

Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 2 tháng, kể từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem