Làm báo cùng Dân Việt: Tâm sự của du học sinh ở Mỹ ghi từ nơi cách ly

Thanh Phương (du học sinh ở Mỹ) Thứ ba, ngày 24/03/2020 14:52 PM (GMT+7)
Trên quãng đường hơn 100km từ sân bay Nội Bài về nơi cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19, thú thực tâm trạng tôi vẫn rối bời và không thôi nghĩ ngợi. Nhưng khi xe đến địa điểm cách ly ở Sư đoàn 390 (Thanh Hóa), không chỉ tôi mà mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.
Bình luận 0

Chuyến bay căng thẳng

Chuyến bay từ sân bay Pittsburgh (PA, Mỹ) về sân bay Nội Bài (Hà Nội) vài ngày trước là một trong những chuyến bay dài và mệt mỏi nhất của tôi từ trước đến giờ. 

Bởi lẽ, phần lớn những ca nhiễm Covid-19 mới gần đây ở Việt Nam đều là những người đi từ các nước đang có dịch Covid-19 hoành hành như Anh, Pháp, … trở về. Mỹ cũng đang là một điểm nóng dịch bệnh khi càng ngày lượng người được xét nghiệm càng nhiều, kéo theo đó là số lượng người nhiễm virus corona được phát hiện cũng tăng cao.

img

Hành khách  được chuyển về nơi cách ly sau khi ra khỏi sân bay.

Tôi không biết, liệu những bệnh nhân của Việt Nam bị lây nhiễm trước khi lên máy bay, hay lây nhiễm trong quá trình bay, nên bản thân đã cố gắng chuẩn bị thật kĩ càng để giảm khả năng bị nhiễm Covid-19 trong suốt hành trình về Việt Nam.

Tôi đến sân bay Pittsburgh trong bộ quần áo mưa xanh tím than dày và ngột ngạt trùm kín người, mũ áo thắt chặt chỉ hở đôi mắt với cặp kính cận, tay đeo găng.

Trong balo của tôi không phải là bánh kẹo như vẫn thường mang trong những chuyến bay trước, mà là khăn ướt diệt khuẩn, xà phòng rửa tay, nước rửa tay khô, găng tay dùng một lần và vỏn vẹn 2 cái khẩu trang.

img

Trên xe ô tô để về nơi cách ly, mọi người đều đeo khẩu trang và hạn chế nói chuyện với nhau.

Tôi vô cùng căng thẳng, không dám ăn uống trên máy bay, dùng khăn diệt khuẩn lau mọi nơi mình ngồi, mọi thứ mình chạm, rửa tay và thay găng liên tục, như thể mạng sống của mình phụ thuộc vào nó. Nghĩ lại, đúng là sức khỏe mình phần nhiều phụ thuộc vào điều đó.

An toàn ở quê hương

Sau hơn 29 tiếng bay dài đằng đẵng, tôi cũng về đến Hà Nội. Đặt chân xuống sân bay, cảm giác đầu tiên của tôi là mình gần như đã an toàn rồi, đã về đến quê hương rồi.

Ngay khi vừa xuống máy bay, mọi hành khách đều phải đi qua khu vực kê khai sức khỏe, kiểm dịch y tế. Ở đó, mình nộp lại cuốn hộ chiếu và đại diện cơ quan chức năng kiểm tra tờ khai y tế tôi đã điền qua mạng.

Điều đầu tiên tôi được hỏi là: “Bạn từ đâu về?”.

Sau câu trả lời là Mỹ, chị cán bộ liền bảo: “Thế thì đi cách li 2 tuần nhé.”

Ngay khoảnh khắc ấy, đã có rất nhiều suy nghĩ nảy ra trong đầu: “Thế mình có lấy mẫu xét nghiệm luôn không? Mình đi cách ly ở đâu?”.

Sau nhiều tuần căng thẳng vì diễn biến dịch Covid-19 ở Mỹ, sau nhiều giờ lo âu trên máy bay mùa dịch, tôi muốn được về nhà, gặp người thân ngay lập tức. Dù chưa lấy mẫu xét nghiệm, chưa biết bản thân có mang virus corona hay không nhưng một thoáng trong đầu, tôi muốn được gặp bố mẹ, em gái bởi cảm giác về đến quê hương là an toàn rồi. 

Nhưng thoáng cảm xúc trôi qua nhanh, bởi tôi hiểu rằng việc mình cần và phải làm cùng với những hành khách từ nước ngoài trở về Việt Nam là đi cách ly tập trung. Điều này không chỉ bảo vệ sức khỏe của bản thân tôi mà còn cả gia đình, bạn bè và cộng đồng xung quanh. 

Sau khoảng 15 phút thực hiện các thủ tục, chúng tôi được gọi tên, phát số để lên xe đi về địa điểm cách ly tập trung tại Sư đoàn 390 ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa.

Trên quãng đường hơn 100 km từ sân bay Nội Bài về Sư đoàn 390, thú thực tâm trạng tôi vẫn rối bời và không  thôi nghĩ ngợi. Nhưng khi xe đến địa điểm cách ly, không chỉ tôi mà mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.

img

Khung cảnh nơi cách ly tập trung tại Sư đoàn 390.

Đây là một khu doanh trại rộng, với nhiều dãy nhà một tầng. Mỗi phòng có khoảng 8 chiếc giường hai tầng cho 16 người ở. Mỗi người đều được phát một số đồ dụng cụ thiết yếu như khăn mặt, cốc, bàn chải, xà phòng, chăn màn.

Mỗi ngày, chúng tôi được phục vụ đầy đủ 3 bữa, đo thân nhiệt 3 lần. Ngoài ra, mọi người sinh hoạt tự do, nhưng được khuyến khích không tiếp xúc, tụ tập đông người và luôn phải đeo khẩu trang, tránh tình trạng lây nhiễm chéo.

Các cán bộ, chiến sĩ ở nơi cách ly tập trung đều rất ấm áp, tận tình quan tâm đến mọi người trong khu cách ly và luôn cố gắng để mọi người cảm thấy thoải mái, vui vẻ, đầy đủ nhất trong khoảng thời gian này.

img

“Bình nóng lạnh” dân dã trong khu cách ly của  Sư đoàn 390 – Bỉm Sơn, Thanh Hóa

Tôi nghĩ, cơ sở vật chất ở mỗi khu cách ly ít nhiều cũng sẽ có sự khác nhau nhưng sự đùm bọc, chăm sóc giữa những người dân Việt Nam vào khoảng thời gian này đều vô cùng ấm áp. Hành trình trở về Việt Nam của những  dư học sinh như chúng tôi không ít gian nan.

Nhưng về đến quê hương, hiểu được ý nghĩ của việc cách ly để giữ an toàn cho người thân, cho mình và cho cộng đồng thì thời hạn14 ngày cách ly sẽ trôi nhanh và là những trải nghiệm khó quên đối với bản thân tôi!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem