Báo cáo “khống” một đằng, chi một nẻo
Bà Huỳnh Thị Thu Hằng (sinh năm 1984, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phong Lan Việt, trụ sở tại TP.HCM) cho biết: “Tôi có khu đất rộng 4 ha ở TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Do nhu cầu phát triển nông trại gắn với dịch vụ du lịch, nên tôi vay tiền ngân hàng đầu tư. Qua sự giới thiệu của ông Nguyễn Đình Nguyên, tôi có thuê ông Nguyễn Văn Dũng (em rể ông Nguyên, sinh 1983) làm quản lý, thay mặt tôi trông coi việc xây dựng nông trại”.
Do có việc đi nước ngoài, từ tháng 4/2017 đến tháng 4/2018, bà Hằng uỷ quyền cho ông Dũng quản lý, thuê thợ, đặt mua vật tư để xây dựng trang trại. Bà Hằng chuyển khoản cho ông Dũng 3,2 tỷ đồng để trang trải các khoản chi. Hàng tháng, ông Dũng báo cáo, kèm hoá đơn, chứng từ chi tiết các khoản chi.
Đến tháng 4/2018, bà Hằng trở về Việt Nam và trực tiếp lên trang trại ở Đà Lạt, thì phát hiện các báo cáo ông Dũng gửi qua email cho bà Hằng suốt 1 năm qua đều là… khống. Giữa con số báo cáo với khoản chi thực tế chênh lệch 1,4 tỷ đồng. Theo bà Hằng, ông Dũng đã chiếm đoạt bỏ túi riêng khoản tiền này.
Một công trình được ông Dũng trông coi xây dựng tại nông trại. Ảnh: H.H
Ông Dũng “móc” với nhân viên Công ty TNHH Đồng Phát (đơn vị bán vật liệu xây dựng) để “phù phép” đưa ra sao kê mua bán vật tư cho khớp với con số chi khống của ông Dũng.
Tuy nhiên, sự việc đổ bể, Giám đốc Công ty Đồng Phát đã đuổi việc nhân viên sai phạm, đồng thời tố giác hành vi của ông Dũng. Ngoài ra, ông Dũng còn có hàng loạt hành vi khác nhằm che giấu việc chiếm đoạt tiền tỉ của bà Hằng. Tháng 10/2018, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Lâm Đồng vào cuộc xác minh.
Kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy: ông Dũng đã nhận đủ từ bà Hằng 3,2 tỷ đồng. Trong rất nhiều khoản chi cho việc đầu tư xây dựng nông trại, có hàng loạt khoản chi mà ông Dũng không giải trình rõ ràng, chi cho cá nhân nào, đơn vị nào.
Thậm chí, có những hạng mục ông Dũng không chi, nhưng vẫn thể hiện chi, hoặc chi không đúng số tiền so với thực tế. Đơn cử khoản tiền chi mua phân bón ở cửa hàng Minh Ý, theo ông Dũng là mua hết 14 triệu đồng, nhưng xác minh chủ cửa hàng có… 5 triệu đồng. Tương tự, khoản tiền mua vật liệu xây dựng tại Công ty Đồng Phát, ông Dũng báo cáo hết 457 triệu đồng; xác minh chỉ là 295,8 triệu đồng. Hay như việc chi đo vẽ dự án nông trại, ông Dũng báo cáo đã chi 169,8 triệu (tổng trị giá hợp đồng là 242,6 triệu đồng). Nhưng xác minh lại, đơn vị thực hiện mới nhận có … 50 triệu đồng.
Hàng trăm triệu đồng được ông Dũng "vẽ" ra trong báo cáo "khống" , nói chi cho các hạng mục tại nông trại. Ảnh: H.H
Dấu hiệu vi phạm đã rõ, sao chưa khởi tố?
Ngày 8/10/2018, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra Thông báo số 2202/CSĐT (PC01), thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm. Cơ quan điều tra đã kết luận: ông Dũng được “Công ty Phong Lan Việt giao nhiệm vụ quản lý và lên kế hoạch thực hiện dự án xây dựng nông trại ở TP.Đà Lạt.
Lợi dụng việc được bà Huỳnh Thị Thu Hằng chuyển 3,2 tỷ đồng qua tài khoản cho Dũng để chi các hạng mục công trình tại dự án. Dũng đã báo cáo cho bà Hằng không đúng sự thật…”. Có khoản tiền 843 triệu đồng Dũng chi vào các mục đích, mà không có sự đồng ý của bà Hằng.
Từ đó, cơ quan điều tra kết luận hành vi của Nguyễn Văn Dũng có dấu hiệu của tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại cho rằng “chưa triệu tập” được ông Nguyễn Đình Nguyên, ông Nguyễn Văn Duy (cha ông Dũng) và một số cá nhân, tổ chức khác, nên “chưa có căn cứ” khởi tố vụ án(?!).
Hình ảnh một góc nông trại của bà Hằng. Ảnh: H.H
Trái lại, cơ quan điều tra ra quyết định “tạm đình chỉ việc giải quyết các nguồn tin về tội phạm”. Khi nào các bên cung cấp các tài liệu chứng minh, cơ quan điều tra “sẽ phục hồi điều tra giải quyết đơn tố cáo trên”(?!)
Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ (Trưởng văn phòng luật sư Tín Nghĩa – TP HCM): “Với chứng cứ thể hiện dấu hiệu hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, cơ quan điều tra phải khởi tố vụ án hình sự. Không thể lấy lý do chưa triệu tập ông Nguyên, ông Dũng, nên chưa khởi tố. Điều này là trái khoản 1, điều 148 – Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Bà Huỳnh Thị Thu Hằng bức xúc: “Vụ án tiếp tục dậm chân tại chỗ, thủ phạm từng ngày nhởn nhơ ngoài vòng luật pháp. Trong khi, dự án nông trại là từ nguồn vốn vay của ngân hàng. Tôi đối diện với rất nhiều khó khăn, khi bị chiếm đoạt vốn đầu tư, nên nông trại chưa thể đưa vào hoạt động, còn lãi ngân hàng, vẫn phải trả hàng tháng”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.