Qua nhiều tra cứu, tôi nhận thấy Graffiti có từ thời cổ đại ở Hy Lạp, Đế chế La Mã. Tranh thể hiện một thông điệp của xã hội hay thuần túy chỉ là vẽ chơi cho vui. Nhưng ở một số quốc gia, Graffiti lại bị người dân coi là “Mỹ thuật tội lỗi”, bởi nó làm bôi bẩn các bức tường khi không được chủ nhân cho phép, hoặc làm xấu mỹ quan đô thị. Mặt khác, ở những nơi đó, tranh thường được “họa sĩ bất đắc dĩ” vẽ trong hoàn cảnh lén lút để không ai nhìn thấy.
Một "tác phẩm" Graffit được vẽ trên tường, bên hông trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, đường Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, TP.HCM. (Ảnh chụp ngày 20/9/2015).
Thực tế Graffiti du nhập vào Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ XXI bởi những du học sinh về nước, có tư tưởng phóng khoáng, yêu nghệ thuật. Hành động này thường kết hợp với những người yêu âm nhạc hip-hop. Thoạt đầu, tranh được vẽ ở những ngôi nhà hoang với các con chữ cách điệu hay hình ảnh lạ, thu hút người qua đường. Nhiều tranh cũng đã mang tính tích cực, thể hiện tính cộng đồng, kêu gọi, tuyên truyền như: “Đừng hút thuốc lá”, “SIDA-hãy tránh xa”, “Tôi yêu Việt Nam”, “Chuộng hòa bình, ghét chiến tranh”… Có những bức tranh vẽ các công trình kiến trúc thế giới như tháp Pisa, Eiffel, Khải Hoàn Môn… một cách cầu kỳ, tỉ mẩn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Graffiti không chỉ bị lạm dụng tại TP.HCM, mà ngày càng lan rộng ở nhiều thành phố khác, đến nỗi người đi đường ngán ngẩm, còn chủ nhân của những bức tường thì bắt đầu bày tỏ khó chịu. Vẽ Graffiti trên tường không còn là nghệ thuật thuần túy nữa, mà nó đã trở nên thái quá và là một hành động bôi bẩn, phá hoại vẻ đẹp nơi công cộng.
Một "tác phẩm" Graffit bất đắc dĩ được vẽ trên cửa cuốn do chủ nhà đi vắng, trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, HCM. Ảnh chụp lúc 3 giờ ngày 8/9/2015.
Không mặn mà với những ngôi nhà bỏ hoang, đang đập phá dở hoặc các bức tường bị lãng quên do cây cỏ che khuất tầm nhìn. Vẽ Graffiti trên tường đang có chiều hướng nhắm đến các ngôi nhà mặt tiền phố thị, thậm chí là cả những nơi phố vừa được chỉnh trang xong, như là sự khiêu khích. Các cửa kính, cửa cuốn của tư gia cũng không thoát khỏi “tầm ngắm” của Graffiti. Lắm lúc tranh phun sơn còn bôi bẩn ở những nơi tôn nghiêm như chùa chiền, nhà thờ, viện bảo tàng… Đáng nói có nơi vừa mới tô lại để xóa tranh phun sơn, thì ngay lập tức, hôm sau xuất hiện một bức tranh mới như là cách khiêu khích. Hãy thử tưởng tượng, ngôi nhà mặt tiền của bạn còn thơm mùi vôi nhưng chỉ sau một đêm xuất hiện một kẻ phá bĩnh nào đó vẽ chi chit tranh trên tường. Tất nhiên là rất tức giận.
Chắc hẳn giới 8X trở về trước vẫn còn nhớ câu chuyện cậu bé Hùng (ở sách giáo khoa tập đọc) vẽ con ngựa rất đẹp nhưng bác Thành lại chê “đẹp mà không đẹp”. Bởi do cậu bé đã bôi bẩn lên tường, làm xấu sự tinh tế của trường học.
Thiết nghĩ, để hạn chế hành động bôi bẩn này, chính quyền địa phương cần mạnh tay với những người vẽ bậy Graffiti lên tường nhằm trả lại vẻ đẹp nguyên bản cho tường nhà, nơi công cộng thành phố. Dù biết rất khó khăn trong công tác xử phạt, vì các tay “họa sĩ bất đắc dĩ” vẽ Graffiti trên tường thường hoạt động lén lút, nhưng nếu quyết tâm, chắc chắn sẽ đẩy lui được những kẻ lạm dụng trường phái mỹ thuật Graffiti này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.