Lạng Sơn: Rùng mình qua cầu làm bằng bè mảng chòng chành trên sông

Liễu Chang Thứ sáu, ngày 03/11/2017 14:12 PM (GMT+7)
Người dân nơi đây vẫn quen với cái tên gọi Nà Sáng, dù thôn thuộc phố Tân Sơn, thị trấn Văn Quan. Từ bên này nhìn sang bản làng bên kia sông, ít ai hình dung được nơi đây gọi là phố.
Bình luận 0

Đã nhiều năm nay, cứ vào mùa mưa lũ là bà con ở “ốc đảo” thôn Nà Sáng (nay là Phố Tân Sơn) huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn lại nơm nớp lo âu trước cây cầu ván, cầu tre bắc qua sông mà hàng ngày họ phải sớm đi tối về. 

Ngoài việc làm cản trở việc đi lại của những chiếc thuyền đánh cá trên sông, “góp phần giữ lại” vô vàn rác, thì chiếc cầu này còn tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường cho tính mạng con người, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

img

Người dân nơi đây vẫn quen với cái tên gọi Nà Sáng, dù thôn thuộc phố Tân Sơn, thị trấn Văn Quan. Từ bên này nhìn sang bản làng bên kia sông, ít ai hình dung được nơi đây gọi là phố.

img

Chiếc cầu tre tạm bợ của các hộ dân bên kia sông phố Tân Sơn. đây là con đường duy nhất để ra phố.

Chiếc cầu tre bắc qua con sông Môpja (tiếng dân tộc gọi là Tà Lải) đoạn chảy qua thị trấn Văn Quan là phương tiện đi lại duy nhất của gần 35 hộ gia đình với hơn 100 nhân khẩu thuộc thôn Nà Sáng, (nay là phố Tân Sơn) thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan.

Vào mùa nắng hạn, nước sông cạn dòng nên chiếc cầu tre này giúp bà con trong việc vận chuyển hàng hóa nông sản và đi lại của các em học sinh vượt sông đến trường.

Mùa mưa lũ đến, chiếc cầu chòng chành bị nước lũ cuốn trôi, người dân hai bên bờ lại bị chia cắt, giao thông bị cô lập, các em học sinh phải nghỉ học nhiều ngày.

img

Hàng ngày người lớn đi làm, trẻ nhỏ đi học đều đi qua cây cầu là những chiếc bè mảng được gắn với nhau này. Ảnh Liễu Chang

Chiếc cầu tre sơ sài bằng những thanh tre tạm bợ không có thanh chắn, ghép lại với nhau. Các thanh tre trên cầu hầu như ọp ẹp mục nát, dây thép buộc đã hoen gỉ. Để giữ cho cầu khỏi trôi, người dân đã buộc cầu lại bằng dây thừng chắp vá.

Cầu được “thiết kế” bằng cách chia cầu thành hai mảng bè, mỗi mảng chỉ cố định ở một bờ, mỗi lần di chuyển qua lại thì người dân phải kéo mảng cầu bè kia lại, cố định 2 đầu nối rồi mới đi qua được.

Theo người dân ở đây, mỗi lần lũ về, nước dâng cao, là phải tháo đầu buộc dây nối ở giữa cầu để hai mảng bè thả trôi theo dòng nước lũ. Sau khi nước lũ xuống bớt, bà con mới lại nối hai mảng bè tre nứa lại với nhau tạo thành cây cầu nối liền hai bên bờ cho bà con đi lại và các em nhỏ đến trường.

img

Đàn ông trong gia đình nhận công việc vận chuyển nông sản, máy móc nặng qua sông. Ảnh Liễu Chang

Vì lượng người đi lại, gánh vác qua sông lớn nên cầu rất dễ và nhanh mục nát. Năm nào người dân cũng góp công, góp của để làm lại cầu vì nếu không có chiếc cầu này, người dân nơi đây rất khó khăn trong qua lại để giao thương, buôn bán, sản xuất đi lại với trung tâm thị trấn ở bên này sông.

Anh Triệu Văn Vượng, người dân sinh sống ngay gần cây cầu cho biết, anh đã cho mượn 1 khoảng đất nhỏ để xây nhà để xe cho bà con bên sông. 

“Nhiều lúc nghĩ cũng khổ, có xe mà không thể mang về nhà. Có hàng hóa nông sản gì muốn mang ra chợ bán cũng phải vác hoặc gánh sang đến tận đây. Trẻ con sớm tối đi học không có người lớn cũng nguy hiểm lắm nhất là bây giờ mùa nước lũ đang về”.

img

Xe đạp, xe máy của người dân bên kia sông đều được gửi tại ngôi nhà  kho nhỏ . Ảnh Liễu Chang

Chị Hạnh, người dân sống trong thôn chia sẻ: Đi lại trên chiếc cầu tre này mấy chục năm rồi cũng biết nguy hiểm lắm nhưng không biết kêu ai. Rất nhiều người, hàng hóa, máy móc đã bị rơi xuống sông khi đi qua đây. 

img 

Người dân phải thiết kế cầu cố định hai đầu, khi qua đến giữa thì kéo hai đầu lại với nhau để khi lũ về thì thả dây nối ở giữa. Như vậy cầu sẽ ít khả năng bị trôi, không chịu sức chảy mạnh của dòng nước. Ảnh Liễu Chang

Mùa lũ đến, nước chảy xiết người dân thôn Nà Sáng không thể qua sông. Lúc này đây, mong muốn lớn nhất của người dân nơi “ốc đảo” này là sớm được có cây cầu kiên cố để đi lại thuận lợi và an toàn.

Trao đổi với Dân Việt, ông Lương Đình Bảo, phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết: Từ xưa đến nay, người dân Nà Sáng bên kia sông hàng ngày vẫn phải đi lại qua cây cầu tre nứa tạm bợ rất khó khăn và nguy hiểm. UBND huyện đã tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch đầu tư xây cầu bê tông kiên cố phục vụ đi lại của người dân. Theo như QĐ của UBND tỉnh thì năm 2018 sẽ bắt đầu khởi công xây dựng cầu bê tông kiên cố tại đây với tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem