Những kế hoạch dài hơi
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết, Yên Bái là tỉnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có nhiều tiềm năng để phát triển ngành du lịch.
Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp kết hợp với truyền thống văn hóa lâu đời đã tạo cho tỉnh lợi thế phát triển du lịch đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Yên Bái đang tập trung để phát triển du lịch.
Với những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, các giá trị văn hóa đặc sắc kể trên nên tỉnh Yên Bái xác định chia thành 4 vùng để phát triển du lịch trọng điểm, đó là:
Vùng hồ Thác Bà và sông Chảy (gồm huyện Yên Bình và Lục Yên); vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận (gồm thành phố Yên Bái và phía Nam của huyện Trấn Yên); vùng du lịch miền Tây của tỉnh (gồm huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ); vùng Du lịch Trấn Yên - Văn Yên (gồm phía bắc của huyện Trấn Yên và huyện Văn Yên).
Với những tiềm năng trên, tỉnh Yên Bái đã tạo cơ chế thu hút đầu tư, ưu tiên hỗ trợ chính sách ưu đãi đầu tư như: Hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh công cộng; hỗ trợ mua sắm thiết bị thu gom rác; bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghề du lịch; hỗ trợ nâng cấp đường giao thông; mua sắm trang thiết bị cho các gia đình phục vụ du lịch; thành lập và duy trì đội văn nghệ; hỗ trợ đầu tư xây dựng khu du lịch theo Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND.
Hỗ trợ cho các dự án về phát triển du lịch trong đầu tư hạ tầng, chi phí san tạo mặt bằng theo Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích đầu tư vào tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để phát triển du lịch, Yên Bái đã xây dựng hướng phát triển với 5 dòng sản phẩm du lịch: Tham quan - nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng tìm hiểu văn hóa các dân tộc; sinh thái; tâm linh; du lịch mạo hiểm leo núi.
Ngoài ra, còn có các dòng sản phẩm du lịch hỗ trợ như: Tham quan di tích lịch sử; lễ hội; MICE (hội thảo, hội nghị, triển lãm); nông nghiệp...
Tỉnh này định hướng xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt nhằm tạo điểm nhấn về du lịch của vùng Tây Bắc, tiêu biểu như: Du lịch sinh thái khám phá danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; du lịch văn hóa, du lịch sinh thái vùng Hồ Thác Bà; du lịch trải nghiệm sinh thái nước khoáng nóng Trạm Tấu...
Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa của các dân tộc Thái, Mông, được khai thác chủ yếu tại thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải và huyện Yên Bình. Nổi bật là làng du lịch Ngòi Tu, Vũ Linh, huyện Yên Bình gắn với dân tộc Dao quần trắng, làng du lịch ở bản Sà Rèn gắn với dân tộc Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ.
Du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay trên mùa vàng” và “Bay trên mùa nước đổ”; săn mây trên đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù huyện Trạm Tấu. Du lịch tâm linh dọc sông hồng như: Đền Đông Cuông, Đền Tuần Quán, Chùa Am kết nối với các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ.
Du lịch tham quan làng nghề được hình thành tại làng nghề dệt thổ cẩm xã Nghĩa An, làng nghề tranh đá quý Lục Yên, đá cảnh Suối Giàng, đá trắng Lục Yên... gắn việc tham quan với mua bán hàng lưu niệm.
Bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm, hệ thống các dịch vụ đi kèm gồm ăn uống và mua bán các sản vật tự nhiên như: măng rừng, gà đồi, các loại cá suối vùng Mường Lò, các loại cá vùng hồ Thác Bà... đã góp phần làm hấp dẫn thêm các chương trình du lịch.
Hồ Thác Bà là một điểm du lịch hấp dẫn tại tỉnh Yên Bái.
Tăng trưởng ấn tượng
Tỉnh Yên Bái đã lập quy hoạch và quản lý các khu, điểm du lịch như: Quy hoạch chi tiết khu du lịch Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn theo Quyết định số 984/QĐ-UBND, ngày 12/7/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và phê duyệt dự án điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch Suối Giàng gắn với khu vực đá vân hoa thôn Giàng A, thôn Suối Lóp xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn theo Quyết định số 302/QĐ-UBND, ngày 8/3/2011 của UBND tỉnh.
Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1775/QĐ-TTg, ngày 19/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Sở này cho biết, năm 2018 du lịch Yên Bái có sự tăng trưởng cả số lượng khách tham quan và doanh thu, năm 2018 ước đón tổng lượt khách ước đạt 560.000 lượt (tăng 10,5% so với cùng kỳ, vượt 9,8% so với kế hoạch) khách quốc tế đạt 25.758 lượt; khách nội địa đạt 535.652 lượt, doanh thu ước đạt 333,0 tỷ đồng (tăng 23,1 % so với cùng kỳ năm 2017, vượt 18,7% so với kế hoạch).
Thị trường khách quốc tế đến với Yên Bái chủ yếu là khách Pháp, Đức, Thụy Sĩ...trong đó khách Pháp chiếm khoảng 50%. Năm 2019 phấn đấu đón 700.000 lượt khách, trong đó có 150.000 lượt khách quốc tế; phấn đấu doanh thu đạt 420 tỷ đồng.
Trong thời gian tới ưu tiên thu hút đầu tư vào các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, điểm du lịch; các dự án vui chơi, giải trí chất lượng cao; hạ tầng dịch vụ, nhất là dịch vụ khách sạn, nhà hàng, khu giải trí, nghỉ dưỡng, làng ẩm thực, chợ đêm, …sản xuất hàng hóa tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch; sản phẩm đặc sản của địa phương.
Ngoài ra, thực hiện các chính sách hỗ trợ về phát triển du lịch theo Nghị quyết 14/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đến năm 2020, Yên Bái sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn phát huy các giá trị di sản. Tập trung phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại khu vực các huyện, thị miền Tây của tỉnh.
Thúc đẩy triển khai 2 dự án du lịch đã được cấp giấy phép đầu tư tại Khu vực Hồ Thác Bà và khu vực Đầm Vân Hội, hình thành phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái quy mô lớn.
Hỗ trợ các doanh nghiệp như: Công ty TNHH đầu tư và phát triển Thương nghiệp (ITD) thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng An Bình trên khu vực hồ Thác Bà, xã Tân Hương, huyện Yên Bình; Công ty cổ phần phát triển du lịch xanh Thịnh Đạt đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Tú Lệ tại huyện Văn Chấn và các khu tham quan du lịch tại huyện Mù Cang Chải.
Tiếp tục kêu gọi đầu tư để từng bước phát triển cơ sở hạ tầng trong du lịch, đặc biệt các cơ sở lưu trú hạng 3 sao trở lên và các khu resort mới tại khu vực miền Tây của tỉnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.