Ngày 20/11/2017: Ý nghĩa lịch sử đặc biệt ngày Nhà giáo Việt Nam

PV (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 18/11/2017 11:51 AM (GMT+7)
Người ký quyết định lấy ngày 20 tháng 11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng từng là thầy giáo đứng trên bục giảng.
Bình luận 0

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đã đến rất gần. Đây là ngày lễ truyền thống của ngành giáo dục, tôn vinh công sức của những người dành trọn tâm huyết để “trồng người”.

Vậy nguồn gốc và sự ra đời của ngày Nhà giáo Việt Nam như thế nào?

Tháng 7.1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris, lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants – FISE).

Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương.

img

Từ năm 1958 Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Ảnh: IT

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh.

Từ ngày 26 – 30.8.1957, tại Thủ đô Warszawa, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20.11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Tại Việt Nam, trong ngày 20.11.1958, lễ kỷ niệm không chỉ được tổ chức tại Hà Nội, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh (giới tuyến quân sự tạm thời ở thời điểm đó) đến các vùng biên giới hải đảo.

Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20.11 hàng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam.

img

Các thế hệ học trò đang chuẩn bị cho Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2017. Ảnh Zing.vn.

Sau khi đất nước thống nhất, với ý nghĩa tích cực của ngày 20.11, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4/1982) và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em…, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26.9.1982 quyết định sẽ lấy ngày 20.11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Người ký quyết định lịch sử Ngày Nhà giáo Việt Nam chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người cũng đã từng là thầy giáo đứng trên bục giảng. Khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

img

Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng lấy ngày 20.11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh tư liệu. 

Trong quyết định nêu rõ, để ngày 20 tháng 11 có ý nghĩa thiết thực, hàng năm, từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình; kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam , rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo.

Về phía giáo viên, cần có những hình thức sinh hoạt phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ cao cả của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem