Ngân hàng đã làm đúng quy định?
Việc ngư dân Tuấn bị Vietcombank Quảng Ngãi từ chối cho vay đóng tàu vỏ thép theo "NĐ 67" sau khi tốn chi phí trên 500 triệu đồng và mất gần 2 năm để hoàn thiện thủ tục và đợi chờ đã làm dư luận, đặc biệt là số ngư dân trong tỉnh đã và đang xin vay đóng mới phương tiện theo chủ trương này vô cùng bức xúc.
Lý giải về sự từ chối này, tại buổi làm việc với phóng viên báo điện tử Dân Việt và văn bản đã gửi cho các cấp ngành chức năng của tỉnh về trường hợp ngư dân Nguyễn Anh Tuấn, ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, T.P Quảng Ngãi; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam-Chi nhánh Quảng Ngãi (gọi tắt là Vietcombank Quảng Ngãi) khẳng định hoàn toàn đúng quy định.
Cụ thể trong văn bản gửi cho Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi, Vietcombank Quảng Ngãi cho biết đến cuối tháng 10.2015 mới chính thức tiếp nhận hồ sơ vay vốn đóng tàu vỏ thép nghề lưới rê của ông Tuấn. Và đơn vị thi công đóng tàu ông Tuấn đưa ra là Công ty Cổ phần đóng tàu thủy Đức Việt (gọi tắt là Công ty Đức Việt), tỉnh Nam Định, với tổng giá trị hợp đồng là 14,4 tỷ đồng.
Dù tốn chi phí hơn 500 triệu đồng và gần 2 năm để hoàn thành thủ tục, nhưng ngư dân Tuấn đã bị ngân hàng từ chối không cho vay vốn theo "NĐ 67". Ảnh Công Xuân
Nhận thấy so với trị giá của chiếc tàu cùng hình thức đánh bắt, kích thước và trang bị mà Vietcombank đã cho ngư dân Hân vay trước đó, thì giá cao hơn 400 triệu đồng nên Vietcombank Quảng Ngãi hướng dẫn ngư dân Tuấn liên hệ với Công ty Thẩm định giá Miền Nam, thẩm định lại dự toán chiếc tàu trên để có ý kiến với doanh nghiệp đóng tàu giải trình các khoản chưa hợp lý.
Tuy nhiên, đến tháng 12.2015, cùng với lên thông báo là thôi không đóng tàu tại Công ty Đức Việt, ông Tuấn cung cấp cho Vietcombank Quảng Ngãi hợp đồng đóng tàu với Công nghiệp tàu thủy Nha Trang (Công ty Nha Trang), tỉnh Khánh Hòa, với dự toán do công ty này lập trị giá là 15,4 tỷ đồng; cao hơn so với dự toán mà Công ty Đức Việt lập 1 tỷ đồng và cao hơn tàu của ông Hân 1,4 tỷ đồng. Vì vậy 1 lần nữa Vietcombank Quảng Ngãi chỉ rõ cho ngư dân Tuấn thấy những khoản, mục chi phí trong dự toán này quá cao và đề nghị ngư dân Tuấn làm rõ với đơn vị đóng tàu về những mục, khoản chưa hợp lý.
Đến tháng 2.2016, ông Tuấn tự lên xin rút hồ sơ và Vietcombank Quảng Ngãi đã lập biên bản giao trả. Nhưng đến cuối tháng 3.2016, ngư dân Tuấn lại đến cung cấp hồ sơ xin vay đóng tàu lại cho Vietcombank Quảng Ngãi. Và đơn vị được chọn để đóng phương tiện là Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất-KKT Dung Quất, Quảng Ngãi, với dự toán kinh phí là 15,268 tỷ đồng.
Theo đó sau khi Vietcombank Quảng Ngãi hướng dẫn, đến đầu tháng 4.2016, ông Tuấn mới cung cấp Chứng thư thẩm định giá đối với dự toán đóng tàu trên. Và Vietcombank Quảng Ngãi hướng dẫn lập Giấy đề nghị vay vốn.
Cả ngư dân và đơn vị đóng tàu đều chưa có kinh nghiệm?
Thế nhưng, theo Vietcombank Quảng Ngãi, qua xác minh sau đó, đơn vị này nhận thấy ngư dân Tuấn trước đây làm nghề đánh bắt bằng hình thức giã cào, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có làm ăn không hiệu quả nên bán phương tiện chuyển sang làm nghề khác. Và ngư dân Tuấn chưa có kinh nghiệm trong việc đánh bắt hình thức này. Còn Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất (nơi ngư dân Tuấn chọn để đóng tàu) chưa có kinh nghiệm đóng tàu cá vỏ thép...
Với những lý do nêu trên, Vietcombank Quảng Ngãi không thể cấp tín dụng cho ông Tuấn.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân Việt về sự việc này, lãnh đạo các ngân hàng dẫn đầu về việc cho ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép theo 'NĐ 67" có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đều không đồng tình với cách giải thích trên và cho rằng việc Vietcombank Quảng Ngãi đã loại trừ hồ sơ vay của ngư dân Tuấn là có vấn đề.
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.