Điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang cao bất thường khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phải thành lập Hội đồng chấm thẩm định. Sau nhiều ngày kiểm tra, tại buổi họp báo chiều 17.7, đại diện A83 (Bộ Công an) cho biết, ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Giang) đã can thiệp sửa điểm của thí sinh.
Cơ quan công an vẫn tiếp tục tiến hành làm rõ xem có ai là đồng phạm của ông Lương hay không. Ảnh IT
Theo kết quả điều tra, ông Lương được phân công dùng máy tính quét bài thi trắc nghiệm hàng năm ở Hà Giang. Lợi dụng việc này, ngày 27.6, vị phó phòng đã lên mạng tải toàn bộ đáp án thi về máy tính và chuyển vào phần mềm. Từ các tin nhắn gửi vào điện thoại cá nhân, ông Lương nhập số báo danh vào máy tính và sửa điểm. Ông Lương chỉ mất 6 giây để sửa điểm cho một thí sinh.
Cơ quan chức năng còn cho rằng, vị phó phòng đã mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở túi và sửa đáp án thi. Tổng cộng, ông Lương đã sửa hơn 330 bài thi trắc nghiệm của 114 thí sinh.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, vụ việc xảy ra ở Hà Giang là hồi chuông cảnh báo về tình trạng tiêu cực trong kỳ thi THPT và xét tuyển Đại học, làm mất đi niềm tin của nhân dân cả nước vào nền giáo dục nước nhà.
Theo vị luật sư, nếu đúng như thông tin mà cơ quan chức năng công bố thì xét hành vi của ông Vũ Trọng Lương thấy đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trực tiếp can thiệp sửa kết quả bài thi cho 114 thí sinh. Như vậy bước đầu hành vi của ông Lương đã có dấu hiệu phạm “Tội giả mạo trong công tác”.
Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 359 BLHS 2015. Ai phạm tội này có thể đối mặt với mức án cao nhất lên đến 20 năm tù.
Luật sư Thơm phân tích, hành vi của ông Lương đã xâm phạm đến khách thể Bộ Luật hình sự điều chỉnh đó là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín nên phải xử lý nghiêm.
Ngoài ra, vị luật sư này cũng cho rằng, nếu trong quá trình điều tra mà có căn cứ xác định ông Lương đã có động cơ tư lợi, nhận tiền hoặc lợi ích vật chất để thực hiện việc sửa điểm thi thì sẽ có dấu hiệu phạm “Tội nhận hối lộ”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 354 BLHS 2015.
Ngoài ra, nếu gia đình, phụ huynh mà có có hành vi đưa tiền hoặc lợi ích vật chất cho ông Lương để nhằm mục đích sửa điểm thi cho con cũng sẽ có dấu hiệu “Tội đưa hối lộ”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 364 BLHS 2015.
Điều 359. Tội giả mạo trong công tác
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu
b) Làm, cấp giấy tờ giả
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu
c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 6 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả
b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên;
b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.