Ngày 25/6, Tòa án Nhân dân Quận 4, Tp HCM sẽ xét xử kín bị cáo Nguyễn Hữu Linh- cựu Viện phó VKSND TP Đà Nẵng về tội “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra ông Linh cho rằng cáo buộc này là khiên cưỡng, chưa phù hợp với những yếu tố cấu thành tội danh.
Luật sư bào chữa cho ông Linh cho rằng qua nghiên cứu hồ sơ, cáo trạng chỉ mô tả Nguyễn Hữu Linh “hôn vào má” trái, phải của người bị hại. Việc “hôn vào má” liệu có đủ cơ sở khẳng định đây là hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi hay không?
Nguyễn Hữu Linh 3 lần ôm hôn cháu bé khiến nạn nhân hoảng sợ bỏ chạy. Ảnh: Cắt từ clip
Ngoài ra, luật sư của ông Linh cho rằng, ông Linh trên tay luôn cầm điện thoại, có lúc nghe điện thoại gọi đến, thời gian 3 lần hôn chỉ thực hiện trong 15 giây thì không thể cho rằng ông Linh nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình.
Điều này có ảnh hưởng gì đến phiên tòa xét xử sắp tới?
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề trên, luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Trong tố tụng hình sự, việc chứng minh mình vô tội là quyền của tất cả các bị can, bị cáo và bị cáo Nguyễn Hữu Linh cũng có đầy đủ quyền theo quy định của pháp luật để thực hiện điều đó. Còn nghĩa vụ chứng minh tội phạm hay thu thập các chứng cứ buộc tội thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng là Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án.
Vụ án đã trải qua quá trình điều tra, truy tố và bây giờ là xét xử, tất cả các chứng cứ buộc tội và gỡ tội sẽ được các bên trình bày công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào các tình tiết, diễn biến tại phiên Tòa, đối chiếu với các quy định của pháp luật Hình sự, Tố tụng hình sự để ra phán quyết một người là có tội hay không có tội.
Luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Trong trường hợp các chứng cứ buộc tội còn chưa đầy đủ, vững chắc, Hội đồng xét xử còn có quyền trả hồ sơ lại cho Viện Kiểm sát - là cơ quan đại diện Nhà nước giữ quyền công tố, buộc tội đối với bị cáo tại phiên Tòa hoặc có thể trả trực tiếp cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra bổ sung, làm rõ hành vi phạm tội của bị can, bị cáo. Từ đó làm rõ sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và quan trọng hơn hết là tránh việc oan sai trong xét xử.
“Đối với vụ án em bé bị sàm sỡ trong thang máy, ngay từ khi vụ án bước vào giai đoạn điều tra, xác minh đã gặp rất nhiều vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, khi tội phạm đã biểu hiện ra bên ngoài bằng hành vi khách quan chắc chắn sẽ có chứng cứ để chứng minh và đấu tranh làm rõ.
Trong sự việc này, bị cáo Linh kêu oan và đưa ra chứng cứ chứng minh mình vô tội là quyền của bị cáo. Ông Linh lý luận rằng việc ôm, hôn, sờ tay vào vùng nhạy cảm của người dưới 16 tuổi chỉ là “nựng”, chứ không phải dâm ô. Tại thời điểm bị cáo Linh thực hiện hành vi phạm tội, pháp luật chưa có quy định rõ về việc hôn vào đâu, sờ vào chỗ nào, ôm ra sao …đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ phạm tội. Đây là lỗ hổng pháp luật. Có lẽ vì điều này mà bị cáo Linh mới tự tin cho rằng mình vô tội” – Luật sư phân tích.
Luật sư Tuấn Anh cũng khẳng định: “Hành vi “ép nựng”, dùng tay sờ vào vùng kín của nạn nhân, làm cho cháu bé hoảng loạn, chạy và ngã ngoài thang máy của bị cáo Linh là trái thuần phong mỹ tục, trái đạo lý làm người và trên hết là trái pháp luật. Nó đã xâm phạm trực tiếp, nghiêm trọng đến khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ đó là thân thể, tinh thần, danh dự, nhân phẩm của trẻ em - đối tượng cần bảo vệ tuyệt đối từ pháp luật, gia đình và xã hội.
Vì vậy, tại phiên tòa này, các chứng cứ sẽ được phơi bày, hành vi phạm tội sẽ được làm rõ và Hội đồng xét xử sẽ có đủ căn cứ pháp lý và bản lĩnh để tuyên một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, một bản án đủ cả tính răn đe và giáo dục đối với bị cáo cũng như giáo dục chung cho toàn xã hội”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.