Tết ông Công ông Táo vào ngày nào dương lịch?
Theo quan niệm của người Việt cứ vào ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm 3 ông bà đầu rau cai quản chuyện bếp núc của các gia đình sẽ lên Thiên đình. Táo quân sẽ bẩm báo lên Ngọc Hoàng mọi chuyện của gia đình trong năm qua.
Lễ tiễn ông Táo lên chầu trời được xem như là Tết sớm của mọi gia đình, là sự mở đầu lo mùa Tết Nguyên đán của dân tộc. Vì vậy, ngày lễ ngày được các gia đình đặc biệt coi trọng.
Tết ông Công ông Táo (ngày 23 tháng Chạp) năm nay sẽ rơi vào thứ 2 ngày 28.1.2019.
Cúng ông Công ông Táo vào giờ nào tốt nhất?
Năm 2019, giờ đẹp nhất để cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp là trong khung giờ 9 - 11 giờ sáng. Đây là giờ Tỵ và cũng là giờ hoàng đạo của ngày 23 tháng Chạp.
Thông thường, lễ cúng Táo quân có thể bắt đầu từ tối ngày 22 tháng Chạp đến trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên năm nay, khung giờ đẹp nhất để cúng ông Công ông Táo là từ 9 - 11 giờ. Giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp là giờ mà Táo quân đã có mặt trên Thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc tốt xấu của gia chủ. Vì vậy dù vướng bận chuyện gì, các gia đình cũng cần hoàn thành nghi lễ tiễn ông Táo về chầu trời trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp.
Tết ông Công ông Táo (ngày 23 tháng Chạp) năm nay sẽ rơi vào thứ 2 ngày 28 tháng 1 năm 2019. Ảnh: BY
Sự tích Tết ông Công ông Táo
Người Việt quan niệm rằng trong mỗi gia đình đều có các vị Táo quân cai quản, trông nom. Táo quân gồm có 3 vị thần với 2 Táo ông và 1 Táo bà. Ba vị thần Táo quân là đại diện của các vị thần: thần Đất , thần Nhà và thần Bếp núc.
Trong tích của người Việt, các vị thần có bắt nguồn như sau:
Ngày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng nọ lấy nhau nhưng cuộc sống nghèo khổ, lại không có con nên dẫn đến nhiều mâu thuẫn. Trong một lần cãi nhau người chồng vì quá tức giận nên đã đánh vợ mình. Người vợ vì thế bỏ đi biệt xứ và kết hôn cùng với một người đàn ông khác.
Một thời gian sau, người chồng cũ nguôi giận, thấy hối hận về việc làm của mình, người chồng liền hành khất đi tìm vợ.
Lễ tiễn ông Táo lên chầu trời được xem như Tết sớm của mọi gia đình. Ảnh: BY
Một hôm vì quá đói và mệt, chồng cũ gõ cửa một nhà giàu để xin ăn thì được bà chủ cũng chính là người vợ của mình mang cơm ra cho. Hai người bàng hoàng khi nhận ra nhau, tình xưa nghĩa cũ lại ùa về. Thế nhưng, người chồng mới lại sắp đi làm đồng về, chị liền bảo chồng cũ trốn vào trong đống rơm ở góc vườn. Vì quá mệt mỏi nên chồng cũ ngủ thiếp đi không biết gì.
Khi người chồng mới về đang cần tro bón ruộng, anh đã châm lửa đốt đống rơm mà người chồng cũ đang ngủ say trong đó.
Nhìn thấy người chồng cũ của mình bị chết cháy, người vợ bèn lao vào lửa để chết theo. Thương vợ nên chồng mới cũng lao mình vào đám cháy để cùng chết.
Thấy ba người sống có nghĩa có tình, Ngọc Hoàng đã phong cho 3 người làm Táo quân để trong nom mọi việc của các nhà nơi hạ giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.